Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và thách thức nào đối với Việt Nam?
Đại hội Đảng lần thứ XIII coi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những giải pháp quan trọng để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Bài viết nhận diện một số cơ hội, thách thực đặt ra đối với Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi sang KTTH.
Cơ hội nào cho mô hình kinh tế tuần hoàn?
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang tận dụng các cơ hội mở cửa của Việt Nam để triển khai các hoạt động kinh doanh theo hướng xanh, các mô hình KTTH để có thể xuất khẩu các sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn vào các thị trường lớn, đem lại lợi nhuận cao. Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần tận dụng các cơ hội sau:
Thứ nhất, nghị quyết của Đảng đã đề cập đến việc phát triển KTTH như một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước nhằm đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, điều này được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Khung pháp luật về KTTH đã và đang được xây dựng và hoàn thiện (Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật khác có liên quan), từ đó ngày càng tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho doanh nghiệp (DN) thực hiện mô hình KTTH. Các cơ chế ưu đãi từ chính sách của Nhà nước liên quan đến thực hiện mô hình KTTH nhằm khuyến khích DN chuyển đổi đang dần được hình thành.
Thứ hai, xu thế chung toàn cầu đối với các mô hình kinh doanh bền vững nói chung và KTTH nói riêng. Mô hình KTTH được nhiều quốc gia lựa chọn như là một giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững nền kinh tế, đặc biệt là các nước Bắc Âu và các nước có nền kinh tế phát triển. Nhiều nước đã có các quy định, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình KTTH. Đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo phân tích, đánh giá liên quan đến việc phát triển các mô hình KTTH. Đây là điều kiện để các DN có cơ hội trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ…trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của DN đã và đang thực hiện.
Thứ ba, khi áp dụng mô hình KTTH, DN sẽ thu được nhiều lợi ích bao gồm: cơ chế hỗ trợ, tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, lợi nhuận gia tăng, lao động việc làm... Thứ tư, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH nói chung và mô hình KTTH nói riêng, phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, yêu cầu và sự khuyến khích đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh từ thị trường, đặc biệt là các thị trường phát triển sẽ là những động lực cho các nỗ lực chuyển dịch mô hình kinh doanh từ tuyến tính sang các mô hình theo hướng tuần hoàn, đặc biệt là đối với các DN có xuất khẩu.
Thứ sáu, một số loại hình DN đã có sự tiếp cận mô hình KTTH trước đây do hiệu quả kinh tế mang lại. Ví dụ: trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong dịch vụ, đặc biệt là các tập đoàn lớn quốc tế đầu tư tại Việt Nam đã có những bước đi thành công ban đầu trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Khó khăn, thách thức
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù có không ít thuận lợi, việc chuyển đổi sang áp dụng mô hình KTTH ở các DN được đánh giá là sẽ gặp không ít những khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức về KTTH nói chung và mô hình KDTH nói riêng vẫn rất hạn chế đối với toàn hệ thống chính trị, DN và người dân. KTTH vẫn là vấn đề mới đối với hầu hết các DN, đối tượng chính trong việc triển khai mô hình này. Việc áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình DN thế nào được gọi là KTTH cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, cơ chế chính liên quan đến KTTH vẫn còn nhiều bất cập. Sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật, nhất là giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,... sẽ dẫn đến tính khả thi thấp của các quy định liên quan đến phát triển KTTH. Các quy định về KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là rất mới, trong khi các luật khác đã ban hành trước đây chưa kịp bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ.
Đến nay một số cơ chế, chính sách khác đang trong quá trình hoàn thiện ở cấp trung ương và các địa phương. Việc đưa nội dung KTTH vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện; kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện đều liên quan đến DN vẫn là một trở ngại lớn. Tiêu chí nhận dạng thế nào là mô hình KTTH cũng chưa dễ được trả lời trong tương lai gần.
Thứ ba, chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các DN đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ khâu đầu vào nguyên liệu, thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với các DN trong chuỗi, mạng lưới sản xuất để đảm bảo một chu trình khép kín.
Những DN đầu tư mới theo mô hình KTTH từ khâu thiết kế ban đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi. Hiện nay, chưa có đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình KTTH, đòi hỏi sự nỗ lực của DN. Việc thay đổi của các đối tác trong chuỗi để phù hợp với mô hình kinh doanh mới của DN cũng sẽ là một cản trở rất lớn, không chỉ ở quy trình sản xuất mà thậm chí cả ở các khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, chuyển sang mô hình KTTH đòi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải... Điều này đòi hỏi DN phải có nguồn vốn đầu tư phù hợp cho sự chuyển đổi này. Tuy nhiên, với phần lớn các DN là những DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa thì việc đáp ứng được yêu cầu này là một thách thức không nhỏ.
Thứ năm, chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi có sự thay đổi trong nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi phải bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động, do vậy DN sẽ gặp những trở ngại nhất định buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp.
Thứ sáu, chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi phải có những sự đổi mới về quy trình công nghệ, nhất là trong sản xuất và thu hồi chất thải. Như vậy DN sẽ có những sự thay đổi và tìm kiếm công nghệ mới phù hợp, hiệu quả.