Chính sách thuế nhằm bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành mối quan tâm hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thuế là công cụ chính sách được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm thực hiện mục đích bảo vệ môi trường. Chính sách thuế nhằm bảo vệ môi trường của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, hiệu quả thực tế đối với mục tiêu bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Từ góc độ lý luận và thực trạng chính sách thuế nhằm bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp cụ thể đối với các chính sách này.
Về góc độ lý luận
Trong các nhóm công cụ thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT), nhóm công cụ kinh tế - tài chính luôn đem lại hiệu quả lớn về khía cạnh môi trường cũng như khía cạnh kinh tế, nhất là nhóm công cụ về thuế.
Chính sách thuế nhằm BVMT được Nhà nước sử dụng điều tiết vào các hàng hóa hoặc các hành vi gây ô nhiễm môi trường, qua đó làm giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường.
Chính sách thuế là công cụ có nhiều ưu điểm và tác động khá tích cực đến việc BVMT, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), tạo nguồn để thực hiện các hoạt động BVMT.
Chính sách thuế BVMT thường được lồng ghép trong các sắc thuế của hệ thống thuế, đồng thời nhiều quốc gia ban hành thêm một sắc thuế về BVMT.
Việc lồng ghép mục tiêu BVMT trong các sắc thuế của hệ thống thuế thường được áp dụng trong thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XKNK), thuế tài nguyên…
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã ban hành một sắc thuế BVMT riêng.
Thuế BVMT có thể có các hình thức như đánh trực tiếp vào các chủ thể gây ô nhiễm môi trường dựa vào mức độ gây ô nhiễm thực tế của họ; đánh vào các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; hoặc đánh gián tiếp vào các sản phẩm mà việc sản xuất, kinh doanh, lưu trữ, sử dụng chúng có tác hại đến môi trường.
Thuế BVMT được sử dụng nhằm tác động tới các hành vi, nhận thức của các chủ thể trong nền kinh tế, qua đó làm thay đổi hành vi của họ theo hướng nâng cao ý thức BVMT.
Chính sách thuế nhằm bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, từ nhiều năm qua, các chính sách Thuế BVMT tại Việt Nam đã được thể hiện vào các sắc thuế sau:
- Thuế BVMT: Luật Thuế BVMT ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật này có đối tượng chịu thuế là các sản phẩm gây ô nhiễm như: Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Có thể thấy, Luật Thuế BVMT thể hiện rõ quan điểm sử dụng thuế điều tiết vào các hàng hóa gây ô nhiễm nhằm BVMT sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng phát triển của thế giới.
- Thuế TNDN: Là sắc thuế thuộc loại thuế trực thu, trực tiếp quản lý và điều tiết đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong nền kinh tế nên thuế TNDN đã có nhiều các quy định mang tính định hướng, điều tiết; khuyến khích đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng, thiết yếu tại các địa bàn cần thiết và có tính hạn chế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thật cần thiết, gây tổn hại đến đời sống văn hóa, xã hội và môi trường.
Thực tế triển khai Luật Thuế TNDN qua các năm cho thấy, thông qua các quy định về khuyến khích, ưu đãi đối với các dự án BVMT, các hoạt động thân thiện với môi trường, Luật Thuế TNDN đã có những đóng góp nhất định trong việc định hướng, tạo điều kiện cho các DN quan tâm, đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi cho môi trường sinh thái, giảm thiểu các hoạt động gây tác hại đến môi trường.
- Thuế TTĐB: Thuế TTĐB đánh vào một số hàng hoá cần hạn chế sản xuất và tiêu dùng như thuốc lá, xăng, ôtô, bia, rượu, điều hòa nhiệt độ... đã góp phần giảm thiểu các tác hại đến môi trường.
Thực tế cho thấy, mỗi khi điều chỉnh đối tượng chịu thuế hay điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB, mức độ tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế lập tức có sự thay đổi, góp phần hạn chế tiêu dùng những sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng xấu đến môi trường.
- Thuế tài nguyên: Mức thuế suất thuế tài nguyên được phân biệt theo từng nhóm, loại tài nguyên; mức thuế suất từ 1% (đối với nước mặt sử dụng để sản xuất nước sạch) đến 20%, 30%, 35% (đối với yến sào, gỗ quý hiếm…) đã có tác động đến việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần BVMT sinh thái.
Thuế tài nguyên còn là một công cụ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định, các quy định của các sắc thuế liên quan đến môi trường hiện hành như trong hệ thống thuế Việt Nam đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN; đồng thời, có tác động làm thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT.
Tuy nhiên, tác động thực tế của chính sách thuế đến mục tiêu BVMT tự nhiên ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, vai trò của chính sách thuế đối với việc BVMT vẫn còn mờ nhạt. Những nguyên nhân chủ yếu có thể đề cập tới đó là:
- Việc điều chỉnh các hành vi gây tác động xấu tới môi trường sinh thái tự nhiên trong các sắc thuế khác chủ yếu mang tính lồng ghép nên tác dụng của chúng đối với BVMT là không lớn, chưa thực sự tác động đến hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng gây tác động xấu đến môi trường.
- Môi trường sinh thái chịu tác động rất lớn từ các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều dự án, công trình, nhà máy được xây dựng kéo theo rất nhiều các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường trong khi năng lực thẩm định và quản lý của các cơ quan có thẩm quyền chưa theo kịp.
Nhiều DN vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện việc khai thác, xây dựng, sản xuất, kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu đối với BVMT, gây ra các tác hại rất lớn đến môi trường. Trong điều kiện đó, rõ ràng, chính sách thuế đối với môi trường không thể phát huy được vai trò của mình.
- Trên góc độ toàn xã hội và các DN, nhìn nhận về vai trò của chính sách thuế trong việc BVMT còn mờ nhạt, do vậy, trong chính sách và hoạt động triển khai chính sách, mặc dù đã có hướng đến mục tiêu này nhưng cách hiểu và thực hiện của cộng đồng xã hội còn chưa triệt để.
Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Thuế bảo vệ môi trường
Thuế BVMT được hoàn thiện theo hướng:
- Cần quy định đầy đủ, chi tiết, cụ thể hơn về đối tượng chịu thuế, các trường hợp không chịu thuế BVMT.
Thực tế hiện nay, việc xác định một hàng hóa có thuộc đối tượng chịu thuế BVMT hay không là rất phức tạp, không chỉ phụ thuộc vào thực thể hàng hóa đó mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như các chất cấu thành trong hàng hóa, khâu kinh doanh hàng hóa, mục đích sử dụng của hàng hóa...
Việc quy định đầy đủ, chi tiết về đối tượng chịu thuế cũng như cách thức, phương pháp xác định sẽ đảm bảo được việc quản lý thu thuế chính xác, tránh các trường hợp gian lận, sai sót trong kê khai, tính thuế cũng như quản lý thuế, phát huy được vai trò BVMT của sắc thuế này.
- Cần rà soát, tính toán, đánh giá mức độ gây ô nhiễm của các hàng hóa chịu thuế để xây dựng mức thuế phù hợp với từng hàng hóa, đảm bảo mức thuế BVMT được xây dựng tương ứng với mức độ gây ô nhiễm của hàng hóa.
- Xem xét, rà soát các quy định của các sắc thuế có tính chất tương đồng như thuế BVMT, thuế TTĐB cũng như các khoản phí BVMT để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo, trùng lặp và đặc biệt, đảm bảo sự phù hợp với nguyên tắc, mục đích chính của từng sắc thuế, khoản phí.
- Cần có các quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn thu thuế BVMT. Tất cả các khoản thuế thu được từ các sắc thuế khác nhau được tập trung và phục vụ cho nhu cầu chi nói chung của NSNN, trong đó, cho mục tiêu BVMT.
Điều này thể hiện rõ quan điểm, cách thức, mục tiêu sử dụng thuế nhằm BVMT của luật thuế này, đồng thời, giải thích rõ hơn việc tồn tại Luật thuế BVMT bên cạnh các sắc thuế khác đã điều tiết vào hàng hóa, dịch vụ như thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB, thuế XKNK.
Những sắc thuế khác
Bên cạnh thuế BVMT, các sắc thuế liên quan cũng cần được rà soát, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp:
- Tiếp tục sử dụng ưu đãi thuế TNDN một cách hợp lý để khuyến khích các DN có hoạt động BVMT, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch, công nghệ sạch, giảm thiểu các tác hại đối với môi trường.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ, khuyến khích các DN trong lĩnh vực xử lý chất thải, chất gây ô nhiễm, các dự án làm sạch môi trường thông qua việc áp dụng thuế suất ưu đãi trong thời gian dài hoặc suốt đời dự án.
Khuyến khích các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch, sử sụng công nghệ thân thiện với môi trường... với mức thuế suất ưu đãi kèm theo việc miễn, giảm thuế có thời hạn.
Đồng thời, cần có biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế TNDN để khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Những ưu đãi này sẽ là động lực để các DN có những đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực, hoạt động có lợi cho môi trường sinh thái.
- Đối với thuế tài nguyên, tiếp tục hoàn thiện về chính sách cũng như quản lý thuế để thuế tài nguyên thực sự là công cụ để Nhà nước quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Giá tính thuế tài nguyên cần được xác định trên cơ sở giá của tài nguyên nguyên khai, các chi phí phát sinh trong quá trình sàng tuyển, phân loại, chọn lọc, xử lý sạch, chế biến sâu tài nguyên cần được trừ ra khỏi giá tính thuế tài nguyên.
Tránh trường hợp DN đầu tư công nghệ nhiều, xử lý sau khai thác để tiêu thụ tài nguyên chất lượng cao sẽ bị tính thuế tài nguyên cao hơn so với DN không có các đầu tư nói trên. Điều này sẽ khuyến khích DN đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khai thác tài nguyên, coi trọng tính hiệu quả của hoạt động khai thác, đảm bảo hiệu quả môi trường và sự công bằng giữa các DN.
Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên cũng cần thu hẹp biên độ, trong đó tăng mức thuế suất sàn đối với các nhóm tài nguyên không tái tạo, giảm thuế suất trần đối với các tài nguyên tái tạo... nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:
- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, ý thức BVMT.
- Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá và hướng dẫn đầy đủ Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học; sửa đổi, bổ sung các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự. Quy định các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT...
- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác BVMT, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia BVMT.
- Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia; Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực vì môi trường; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về BVMT. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác BVMT.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Thanh Hoài, Sử dụng chính sách thuế nhằm BVMT ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, số 1-2014;
2. Nguyễn Đình Chiến, Hoàn thiện các quy định về thuế BVMT ở Việt Nam,
Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, số 01 (150) – 2016;
3. Đinh Trọng Khang, BVMT bằng công cụ thuế, phí môi trường và hiệu quả của giải pháp hiện nay ở Việt Nam, Tạp chí Giao thông vận tải, số tháng 8-2016.