Phát triển nhà ở cho công nhân: Bộ Xây dựng sẽ đến từng điểm nóng

Theo Phương Uyên/batdongsan.enternews.vn

Bộ Xây dựng vừa quyết định thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trực tiếp đến một số địa phương trọng điểm ngay trong quý I/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Yêu cầu cấp thiết

Tổ công tác do ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng là Tổ trưởng; ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Tổ phó; cùng đại diện Lãnh đạo Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội…

Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp).

Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH ở khu vực đô thị; đang tiếp tục triển khai 278 dự án với khoảng 274 nghìn căn hộ, trong đó có khoảng 100 dự án nhà ở công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ.

Đáng chú ý, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra mục tiêu đó là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thông qua điều chỉnh bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn thu, đồng thời hỗ trợ khả năng thanh toán.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất do tập trung đông người dẫn tới khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm.

Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, trong đó đã giao Chính phủ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và bố trí 02 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

5 nhiệm vụ, giải pháp

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Xây dựng đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cục, vụ trực thuộc Bộ và các đơn vị liên quan.

Một là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Tập trung thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Hai là, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở...

Ba là, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, nghiên cứu, xem xét điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng tham gia chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong triển khai các khoản vay của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022-2023)...

Bốn là, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; rà soát, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Năm là, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

“Cùng với Tổ công tác, Bộ đã xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó một trong ba trọng tâm là việc thanh tra tại 11 tỉnh, thành phố về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bộ sẽ khẩn trương thành lập các đoàn Thanh tra theo kế hoạch ngay sau khi nhận được đầy đủ báo cáo của các địa phương phục vụ tổ chức thanh tra” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.