Phiên sáng 11/4: Nhà đầu tư ôm tiền đứng nhìn

Theo Lạc Nhạn/tinnhanhchungkhoan.vn

Dòng tiền chững lại ở gần như tất cả các nhóm ngành cổ phiếu khi nhà đầu tư thận trọng, chọn cách giữ tiền đứng ngoài quan sát.

Dòng tiền chững lại khi nhà đầu tư thận trọng.
Dòng tiền chững lại khi nhà đầu tư thận trọng.

Trong phiên hôm qua, thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ, sau đó, bị đẩy mạnh xuống tiếp do áp lực cung gia tăng tại nhiều mã lớn và chỉ bị chặn lại nhờ lực cầu bắt đáy tại 980 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu bắt đáy tiếp tục hoạt động, kéo VN-Index lên 985 điểm, nhưng sau đó lượng cung gia tăng tại các mã lớn đã đẩy chỉ số trở lại và may mắn mới giữ được ngưỡng 980 điểm khi đóng cửa.

Theo BVSC, Chỉ báo ADX tiếp tục sụt giảm dưới mức 20 cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động không có xu hướng.

Thêm vào đó, việc dải Bollinger Band đang có dấu hiệu thu hẹp cũng cho thấy khả năng VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp với những phiên tăng giảm điểm đan xen.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 11/4, ngay khi mở cửa, lực mua kỹ thuật giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại ngưỡng 985 điểm, nhưng mức điểm này cũng không duy trì được lâu, khi sau đó, chỉ số nhanh chóng rơi dần và thậm chí còn thủng tham chiếu, trước khi xanh trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch, nhưng điểm tiêu cực là thanh khoản toàn thị trường xuống khá thấp, chưa đến 900 tỷ đồng được giao dịch trên HOSE.

Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khá nhàm chán, khi phân hóa mạnh, nhưng biên độ tăng/giảm lại khá thấp.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút nhà đầu tư gần đây cũng đã chững lại trong phiên sáng nay, khi dòng tiền bắt đầu trở nên thận trọng.

Mặc dù vậy, vẫn cò một số mã được mua mạnh và tăng kịch trần từ khá sớm như GTN, VHG, KSH, QCG. Mặc dù QCG đánh mất sắc tím, nhưng vẫn đang tăng khá và có thanh khoản khớp lệnh cao nhất trong 4 mã nêu trên, với hơn 1,2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý vài phiên gần đây là CTD, sau 2 ngày giảm sàn liên tiếp trước đó đã ổn định trở lại, thậm chí còn tăng điểm khi mở cửa, nhưng chưa thật sự có thông tin mạnh hỗ trợ đã kéo mã này xuống dưới tham chiếu, tuy nhiên thì mức giảm cũng chỉ dưới 1%.

YEG sau thông tin sẽ xin ý kiến tại Đại hội cổ đông ngày 10/5 về việc mua cổ phiếu quỹ theo hướng dẫn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đã tăng khá mạnh gần 4%.

Mặc dù, theo luật chứng khoán hiện nay, việc mua lượng cổ phiếu quỹ đến tối đa 10% số lượng cổ phiếu đang lưu hành (số lượng cổ phiếu quỹ YEG đăng ký mua là 3,6 triệu, tương ứng 9,99%) thì thuộc thẩm quyền của HĐQT, không cần Đại hội cổ đông thông qua.

Có lẽ sáng nay là phiên giao dịch nhàm chán và buồn tẻ nhất thị trường từ đầu năm tới nay. Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến các mã chỉ lình xình quanh tham chiếu. Chỉ số VN-Index sau khi tạo sức bật lúc mở cửa đã chùng xuống nhanh chóng và giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong thời gian còn lại.

Sáng nay là phiên giao dịch được đánh giá là nhàm chán và buồn tẻ nhất thị trường từ đầu năm tới nay.
Sáng nay là phiên giao dịch được đánh giá là nhàm chán và buồn tẻ nhất thị trường từ đầu năm tới nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 138 mã tăng và 117 mã giảm, VN-Index tăng 1,32 điểm (+0,13%), lên 983,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 64 triệu đơn vị, giá trị 1.178 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 63,5 tỷ đồng.

Như đã đề cập, các nhóm cổ phiếu, kể cả các bluechip đều khá ảm đạm. Trong đó, tăng cao nhất là VIC, nhưng cũng chỉ +0,9% lên 112/800 đồng, tiếp đó là VJC +0,8% lên 113.800 đồng. Còn lại chỉ có sắc xanh nhạt với VNM, SAB, GAS, MSN, CTG, PLX…

Ngược lại, giảm điểm cũng không có mã nào đáng chú ý ngoài ROS -3,1% xuống 31.300 đồng. Giảm mạnh hơn chỉ là VCB, mất 0,7% xuống 68.400 đồng; BVH -0,6% xuống 93.900 đồng. Còn lại cũng chỉ giảm nhẹ như TCB -0,2%; VRE -0,4%; VPB -0,5%...

Trong số kể trên, khớp lệnh cao nhất là ROS với 2,74 triệu đơn vị; CTG có 1,05 triệu đơn vị là đáng kể.

Nhóm cổ phiếu thị trường được quan tâm và vượt trội về mức tăng giá là QCG +6,4% lên 6.300 đồng, khớp hơn 1,6 triệu đơn vị. Cùng sắc tím tại GTN, VHG, nhưng thanh khoản thấp hơn, với chỉ trên dưới 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu còn lại có sắc xanh là HQC, ITA, ASM, FLC, HAG, TTF, BCG, HSG…nhưng mức tăng khiêm tốn, khớp lệnh có từ 1 triệu đến 3,4 triệu đơn vị.

Một số mã khác thu hút sự chú ý của thị trường gần đây như CTD, kết phiên đứng tham chiếu tại 121.800 đồng; YEG +0,7% lên 108.500 đồng.

ACL sau thông tin có kết quả kinh doanh quý I/2019 với doanh thu thuần đạt 446,2 tỷ đồng tăng 34,26% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên đạt 54,5 tỷ đồng, cao gấp hơn 9 lần cùng kỳ, đã tăng kịch trần phiên hôm qua và tiếp tục tăng tốt, thậm chí có thời điểm có sắc tím. Chốt phiên ACL +5,4% lên 41.700 đồng, khớp hơn 230.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương đồng trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index bật tăng từ sớm, sau đó dần bị đẩy lui về tham chiếu và giằng co nhẹ trong thời gian còn lại.

Giao dịch cũng buồn tẻ không kém HOSE, khi nhiều cổ phiếu thanh khoản thấp, trong đó có nhiều mã lớn như ACB, VCS, NTP, VNR, CEO, PGS, TV2, SHS kết phiên tại mức giá tham chiếu.

Tăng điểm lác đác còn SHB +1,3% lên 7.600 đồng; DGC +1,3% lên 38.100 đồng; NVB +2,3% lên 8.800 đồng; MBS +1,3% lên 15.400 đồng; TNG +2,2% lên 23.600 đồng…

Trong khi đó, VCG -0,4% xuống 26.800 đồng; PVS -0,4% xuống 23.100 đồng; HUT -2,6% xuống 3.800 đồng…

Khớp lệnh toàn sàn chỉ có 2 mã trên 1 triệu đơn vị là ART (+6,2%), có 1,75 triệu đơn vị; PVS có 1,37 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,1%), lên 107,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,78 triệu đơn vị, giá trị 135,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 18,55 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng mở cửa trong vùng tích cực, nhưng tương tự trên 2 sàn chính, chỉ số này bị đẩy lui sau đó, nhưng kém may mắn hơn khi tạm nghỉ giờ trưa trong sắc đỏ.

Giao dịch cũng kém sắc, khi GEG khớp lệnh cao nhất cũng chỉ hơn 0,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác phân hóa với sắc xanh tại QNS, VGI, MPC, MSR, VIB…và ngược lại là HVN, LPB, VEA, NTC, DVN, ACV mất điểm, cùng hàng loạt đứng tham chiếu BSR, OIL, VGR, VGT, CTR…

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%), xuống 56,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,83 triệu đơn vị, giá trị 73,04 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.