Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2019

Phát triển doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng sống còn đối với sự tăng trưởng, thịnh vượng của nền kinh tế thông qua việc tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước và GDP. Để khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và năng động, việc xây dựng môi trường pháp quy chất lượng luôn là điều cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu sự phối hợp linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, từ đó đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là những công cụ vĩ mô quan trọng trong điều hành, quản lý kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Hai chính sách tuy có những khuôn khổ thực thi riêng song việc phối hợp hài hòa linh hoạt sẽ tạo hiệu quả rất lớn trong thực hiện các mục tiêu kinh tế nói chung và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói riêng. Nghiên cứu của Tinbergen (1952) và Theil (1964) cho rằng, Chính phủ cần điều hành hai công cụ CSTK và CSTT độc lập nhằm ổn định và kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải, song việc dựa vào một công cụ chính sách duy nhất là chưa đủ để đạt được nhiều mục tiêu kinh tế cùng lúc mà phải có sự phối hợp các công cụ chính sách trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước trong các chính sách thuế, phí. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... được ban hành, sửa đổi theo hướng giảm thuế suất, tăng cường ưu đãi thuế thông qua miễn thuế, gia hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước...

Nghiên cứu của Chadha và Nolan (2003) cũng khẳng định, ngay cả khi tính bền vững của CSTK không phải là vấn đề cấp thiết, thì CSTT và CSTK vẫn cần có sự phối hợp. Tuy vậy, do các CSTK và CSTT có sự độc lập tương đối, nên để sự phối hợp đạt hiệu quả phải đáp ứng được các điều kiện nhất định về thể chế và hoạt động. Theo Lambertini và Rovelli (2004) các điều kiện này bao gồm: Các mục tiêu về CSTT và CSTK hướng tới cần phải có sự đồng thuận, muốn có sự đồng thuận thì các cơ quan điều hành chính sách phải đạt được các thỏa thuận chung trong từng thời kỳ; Có cơ chế thỏa thuận và sự chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra của cả CSTT và CSTK; Các cơ quan điều hành CSTT và CSTK phải có các cam kết thực thi các mục tiêu chính sách bền vững. Việc đáp ứng được các điều kiện phối hợp chính sách như vậy sẽ giúp giảm thiểu chi phí kiểm soát lạm phát thông qua việc hỗ trợ cho CSTT được thực hiện thông suốt và ổn định, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ Kết quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2019 và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong những tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể:

Một là, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định. Trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp CSTT nhằm ổn định mặt bằng lãi suất trong thời gian qua. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối quý III/2019, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn. Từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế.

Hai là, trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Ba là, tín dụng tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ (Nghị quyết số 55/2017/QH14). Trên cơ sở mức tăng trưởng 13,89% của tín dụng cuối năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tính đến 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng được xem là giải pháp trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi khi lãi suất điều hành giảm, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, từ đó góp phần hạ chi phí đầu vào của doanh nghiệp, kết quả lợi nhuận có xu hướng tăng lên. So với mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2019 có thể thấy, chi phí lãi vay của doanh nghiệp thấp hơn khá nhiều so với kỳ trước đây (thời điểm năm 2008, 2011, 2012 lãi suất cho vay bình quân khoảng 18-20%), từ đó hỗ trợ gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Nguồn thanh khoản được NHNN cung ứng thêm đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư mạnh mẽ hơn vào các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Đối với thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), quy mô thị trường TPCP liên tục tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường trái phiếu Việt Nam. Phát hành TPDN tăng mạnh, hỗ trợ nguồn vốn lớn cho các doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2019, quy mô thị trường TPDN đã tăng lên khoảng 10,5% GDP.

CSTK trong những năm qua đã hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm tỷ lệ động viên vào NSNN trong các chính sách thuế, phí. Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT)... được ban hành, sửa đổi theo hướng giảm thuế suất, tăng cường ưu đãi thuế thông qua miễn thuế; gia hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN… Cụ thể:

- Chú trọng các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp: Ngoài các chính sách miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường chung, bao gồm: Giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông xuống còn 20% từ năm 2016, ưu đãi thuế có thời hạn, miễn thuế từ 2 – 4 năm và giảm tiếp 50% từ 5 – 9 năm theo địa bàn, theo lĩnh vực được áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu từ thực hiện dự án đầu tư mới.

- Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với các doanh nghiệp có dự án mới ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao, lĩnh vực bảo vệ môi trường; doanh nghiệp công nghệ cao hoặc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có điều kiện; doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục công nghiệp hỗ trợ...

- Miễn hoặc giảm thu nhiều khoản phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Theo đó, tùy theo từng khoản phí, lệ phí, mức giảm trong khoảng từ 5% – 25% so với mức hiện hành, cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn lên đến từ 60% - 90%. Việc miễn, giảm các khoản phí, lệ phí được áp dụng đối với rất nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp… Chính phủ ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ từ NSNN cho phát triển doanh nghiệp, đặc biệt các chính sách trợ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, mở rộng thị trường... nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một số tồn tại cần tháo gỡ

Phối hợp CSTT và CSTK đã góp phần quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: 

Thứ nhất, việc phối hợp hai CSTK và CSTT trong việc xây dựng mục tiêu vĩ mô – phát triển doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ và mang tính chiến lược.

Phát triển doanh nghiệp được xem là mục tiêu vĩ mô trọng tâm trong thời gian tới, song trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, mỗi chính sách thường sử dụng công cụ và theo đuổi các mục tiêu chính sách riêng. Mặt khác, trong từng chính sách cụ thể, việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: Chưa có quy định chính sách thuế phân biệt đối với nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp khi chuyển nhượng vốn; Chính sách thuế hiện quy định đánh thuế đối với từng lần chuyển nhượng vốn, từng lần chuyển nhượng chứng khoán…

Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất, ươm tạo doanh nghiệp.

Chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định, các biện pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và khuyến khích việc xếp hạng doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín dụng rất khó, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập.

Thứ hai, phối hợp CSTT và CSTK mới chủ yếu tập trung vào giải quyết mục tiêu vĩ mô cụ thể tại từng thời điểm, chưa hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việc tập trung các giải pháp chống lạm phát, thắt chặt tài khoá có thể ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng. Khi lạm phát có dấu hiệu giảm, CSTT và tài khoá hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhiều hơn có thể khiến lạm phát quay trở lại. Điều này ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Hơn nữa, nhằm đạt được mục tiêu cụ thể cho từng thời điểm, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển thường áp dụng các biện pháp hành chính, mang tính bắt buộc như: Kiểm soát giá cả trong nước, áp dụng trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công... Những biện pháp này có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng có thể khiến nguồn lực được phân bổ không hợp lý, bóp méo thị trường, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu trong dài hạn.

Thứ ba, việc phối hợp giữa CSTT và CSTK chưa tính toán đến năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dòng tiền dù được đẩy vào nền kinh tế với khối lượng lớn nhưng khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình không hấp thụ tốt nguồn vốn này thì dòng tiền dư thừa sẽ đẩy lạm phát tăng, lãi suất tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn khiến sản xuất, kinh doanh trì trệ, tiêu dùng thắt chặt. 

Một số đề xuất, khuyến nghị

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường phối hợp CSTK và tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để đảm bảo việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ trong đó có hệ thống chính sách thuế và thu NSNN và chính sách hỗ trợ tín dụng. Tăng cường công tác tuyên truyền hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách, tạo sự minh bạch, rõ ràng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế cần được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ cho các nhà đầu tư khởi nghiệp, nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đặc thù cho doanh nghiệp nghiệp sáng tạo như áp dụng mức ưu đãi thuế cao hơn, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn trong thời gian đầu hoạt động. Chính sách thuế đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp cần được thiết kế theo hướng hỗ trợ tối đa như giảm thuế thu nhập trong trường hợp có thu nhập từ đầu tư hoặc chuyển nhượng vốn, hay cho phép bù trừ lỗ giữa các dự án đầu tư cho khởi nghiệp. Xây dựng một chương trình tài chính đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, cho vay không thế chấp hoặc bảo lãnh, áp dụng các gói sản phẩm tín dụng riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các ngân hàng thương mại, tăng cường đánh giá khả năng cấp vốn qua tính khả thi của phương án kinh doanh, giảm bớt đánh giá thông qua năng lực tài chính hay xếp hạng tín nhiệm.

Thứ hai, việc phối hợp CSTK và CSTT cần xác định rõ ràng mục tiêu chung cho từng thời kỳ và mọi hoạt động cần nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đó, trong đó có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Mục tiêu dài hạn cần hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Dựa vào mục tiêu chung dài hạn, NHNN và Bộ Tài chính cùng tham gia xác định các mục tiêu trung hạn và cho từng năm tài chính. Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu kinh tế vĩ mô đã được xác định rõ ràng là tập trung tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó chú ý đến các vấn đề về lạm phát và các cân đối vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thay vì mục tiêu hướng tới tăng trưởng nhanh.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ mức độ, liều lượng, thời gian thực hiện các chính sách. Xác định rõ từng chính sách, sự phối hợp và mức độ ưu tiên hợp lý giữa các chính sách trong từng thời kỳ, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp chống lạm phát song nguy cơ lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn, cùng với thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công ở mức cao, sát mức trần mà Quốc hội đề ra khiến cho áp lực đối với lạm phát luôn ở mức cao. Do vậy, CSTK cần thận trọng, tuân thủ chặt chẽ việc kiểm soát nợ công. Phát triển thị trường TPCP là một giải pháp hữu hiệu, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp, tạo thanh khoản cho TPCP.

Thứ ba, phối hợp CSTK và CSTT cần tính toán đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. CSTT cần được điều hành chủ động, linh hoạt, nâng cao chất lượng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả thông qua việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, CSTT cần tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn. Triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường TPDN để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.        

Tài liệu tham khảo:

1. Nợ công của Việt Nam trong 5 năm qua (2019), Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, https://vnexpress.net/infographics/no-cong-cua-viet-nam-trong-5-nam-qua-4004096.html;

2. SSI (2019), Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019;

3. Lambertini và Rovelli (2004), Monetary and fiscal policy coordination and macroeconomic stabilization: A theoretical anallysis. Working Papers number 464;

4. Universita’ di Bologna heil, H. (1964), Optimal decision rules for government and industry. Amsterdam: North Holland;

5. Tinbergen (1956): Economic policies. Principles and Desige.