Quản lý thu ngân sách hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi
Với việc kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.
Thu ngân sách nhà nước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm tích cực, các địa bàn, lĩnh vực, khoản thu quan trọng tiến độ dự toán đều đạt khá và tăng so với cùng kỳ, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán (thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt xấp xỉ 67% dự toán), tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021.
Trong tổng số thu trên, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 55%), còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (48% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (40,5% dự toán).
Thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán, tăng 87,2% so với cùng kỳ, giá dầu bình quân 6 tháng đạt khoảng 100,4 USD/thùng, cao hơn 40,4 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng đạt 4,21 triệu tấn, bằng 60,1% kế hoạch. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.
Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng tích cực; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đến ngày 30/6/2022 đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch các mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh như: xăng dầu, chất dẻo, hóa chất, điện thoại và linh kiện, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu... đã góp phần tăng thu ngân sách trong lĩnh vực này.
Công tác quản lý chi ngân sách cũng được triển khai chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022 chi ngân sách nhà nước ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm.
Miễn, giảm, gia hạn khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí
Cùng với nhiệm vụ thu, chi ngân sách, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, cân đối đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình.
Về thu ngân sách nhà nước, cùng với việc tổ chức thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.
Song song với các giải pháp về thu ngân sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của ngân sách trung ương năm 2021, trong đó bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình.
Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo trong bối cảnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cho thấy sự linh hoạt, hiệu quả trong triển khai các giải pháp điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính thời gian qua. Đây là tiền đề vững chắc để Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách nhà nước trong năm 2022, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.