Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng BIDV Bắc Quảng Bình
Kết quả hoạt động tín dụng xấu đi do hậu quả của những bất ổn trong kinh doanh ngày càng tăng lên đang đặt ra yêu cầu, cần tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bắc Quảng Bình thời gian qua còn một số bất cập như năng lực nhận diện rủi ro chưa tốt, việc xác định và bù đắp tổn thất khi rủi ro cho vay chưa hiệu quả, quản lý khách hàng vay chưa chặt chẽ... Trên cơ sở phân tích thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Quảng Bình, bài viết chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường công tác quả trị rủi ro trong thời gian tới.
Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Quảng Bình
Nhận diện rủi ro tín dụng
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Quảng Bình (BIDV Bắc Quảng Bình) nhận diện rủi ro tín dụng theo các dấu hiệu chủ yếu sau đây:
Năng lực tài chính của khách hàng: Doanh thu bán hàng giảm, hàng tồn kho gần như không bán được; Lưu chuyển tiền mặt ròng giảm; Lợi nhuận giảm, giá trị của tài sản giảm, tình hình tài chính không minh bạch.
Năng lực cán bộ quản lý khách hàng: Các dự án phê duyệt kinh doanh từ các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân lâu năm của ngân hàng có lịch sử tín dụng tốt khiến cán bộ cho vay chủ quan trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay. Các trường hợp cán bộ có các mối quan hệ cá nhân quen biết, nể nang, hoặc áp lực đạt chuẩn KPIs cũng dẫn đến các rủi ro rín dụng (RRTD).
Đo lường rủi ro tín dụng
Dựa vào các chỉ tiêu về dư nợ, nợ quá hạn, nợ xấu và các nhóm nợ để biết mức độ rủi ro tín dụng của BIDV Bắc Quảng Bình đang ở ngưỡng an toàn hay dưới ngưỡng an toàn. Tình hình về dư nợ và nợ xấu của Ngân hàng thể hiện ở bảng 1:
Bảng1: Tổng dư nợ và nợ xấu của BIDV Bắc Quảng Bình |
|||
Chỉ tiêu |
Năm |
||
2020 |
2021 |
2022 |
|
Tổng dư nợ |
3.871 |
3962 |
4398 |
Nợ quá hạn |
212,91 |
219,89 |
224,29 |
Nợ xấu |
96,78 |
101,03 |
102,22 |
Nợ quá hạn khó đòi |
12,39 |
13,87 |
15,39 |
Dự phòng rủi ro được trích lập |
46,40 |
48,97 |
49,24 |
Nguồn: BIDV Bắc Quảng Bình
Cụ thể, nợ xấu trong giai đoạn 2020 - 2022 tăng lên, với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,5% (năm 2020) lên 2,55% (năm 2021), nhưng năm 2022 giảm xuống còn 2,33%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh ở năm 2021 và chững lại ở năm 2022, tỷ lệ này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn là nhỏ hơn 3%. Nợ quá hạn khó đòi năm 2020 là 12,39 tỷ đồng, năm 2021 là 13,87 tỷ đồng, tăng 11,95% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ quá hạn khó đòi tăng lên qua các năm, song vẫn đang ở mức thấp, cách xa ngưỡng an toàn (1%).
Phòng ngừa rủi ro tín dụng
Trích lập dự phòng các khoản rủi ro
Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) tại BIDV Bắc Quảng Bình, năm 2021 tăng 2,86% so với năm 2020; năm 2022 tăng 3,74% so với năm 2021. Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (Nợ nghi ngờ), nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) được xem là nhóm nợ xấu, trong đó nhóm 3 tăng 3,16% ở năm 2021, năm 2022 tăng mạnh mạnh hơn 3,5%. Tuy nhiên, BIDV Bắc Quảng Bình đã kiểm soát được nợ nhóm 4 và nhóm 5 không tăng ở năm 2022. Đây là dấu hiệu tốt trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh năm 2022. Tỷ lệ mức trích lập dự phòng giảm hàng năm và duy trì dưới 2% tổng dư nợ. Điều này cho thấy Chi nhánh ngân hàng đang thực hiện tốt kiểm soát các mức nợ có nguy cơ rủi ro cao.
Sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa rủi ro tín dụng, BIDV Bắc Quảng Bình đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, đa dạng hoá các biện pháp phòng ngừa, cụ thể các nội dung như sau: Sử dụng các công cụ đảm bảo; Đa dạng hóa tín dụng; Thực hiện đầy đủ và đúng quy trình tín dụng; Đánh giá khách hàng; Tăng cường công tác kiểm tra của ngân hàng…
Kiểm soát rủi ro tín dụng
Các biện pháp kiểm soát rủi ro
Căn cứ vào quy định kiểm tra giám sát khoản vay, BIDV Bắc Quảng Bình quy định việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất với tất cả các khoản vay, loại hình cho vay, ví dụ kiểm tra theo chu kỳ 30, 60, hay 90 ngày đối với các khoản vay lớn đồng thời tiến hành kiểm tra bất thường đối với các khoản vay quy mô vừa và nhỏ, tổ chức quá trình kiểm soát cẩn thận và nghiêm túc để đảm bảo xem xét và đánh giá được tất cả những đặc tính quan trọng nhất đối với mỗi khoản vay.
Quy định kiểm soát rủi ro tín dụng
Việc kiểm soát rủi ro dựa trên các quy định cụ thể bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV, văn bản nội bộ và sổ tay tín dụng của BIDV Bắc Quảng Bình.
Xử lý rủi ro tín dụng
Ngân hàng thực hiện biện pháp cơ cấu lại nợ của các nhóm khách hàng. Năm 2020, khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu về dư nợ với 64,4%, khách hàng cá nhân chiếm 35,6%. Năm 2022, Chi nhánh cơ cấu lại lượng khách hàng vay vốn và tỷ trọng nợ nên tổng dư nợ cuối kỳ của năm 2022 tăng 10% so với năm 2021, dư nợ của khách hàng cá nhân tăng 12%. Cơ cấu nợ về đảm bảo tài sản tiền vay có thay đổi rõ ràng. Năm 2022, tỷ trọng tài sản không đảm bảo của khách hàng cá nhân còn 13,36% (giảm so với năm 2021) và khách hàng doanh nghiệp giảm còn 13,64% (tương ứng mức giảm 10,0% so với năm 2021).
Tài trợ rủi ro tín dụng
Ngân hàng đã thực hiện mức trích lập dự phòng rủi ro năm 2020 là 1,2% trên tổng dư nợ, năm 2021 là 1,24% và năm 2022 là 1,12%. Hệ số bù đắp RRTD cho biết khả năng bù đắp của tín dụng đối với các khoản nợ khó đòi khi xảy ra rủi ro. Hệ số này năm 2020 là 3,75 lần, năm 2021 là 3,53 lần, năm 2022 là 3,2 lần, có nghĩa khi nợ khó đòi dẫn đến mất vốn thì ngân hàng có khả năng bù đắp 3 lần so với mức nợ quá hạn khó đòi hiện tại. Hệ số RRTD của BIDV Bắc Quảng Bình đều lớn hơn 3,0. Điều này cho thấy ngân hàng rất chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro tín dụng.
Đánh giá về thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Quảng Bình
Kết quả đạt được
BIDV Bắc Quảng Bình đã thực hiện đo lường rủi ro thông qua nhiều chỉ tiêu như: Tăng trưởng dư nợ, nợ quá hạn, nợ khó đòi, phân tích các nhóm nợ cụ thể, cơ cấu các nhóm nợ, từ đó thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho phù hợp; Vận dụng được các công cụ nhằm hạn chế và phòng ngừa rủi ro tín dụng bằng các công cụ đảm bảo, đa dạng hoá tín dụng; Thực hiện tốt quy trình tín dụng; Đánh giá khách hàng thường xuyên để kiểm soát nguồn vay và kỳ hạn trả nợ của khách hàng…
Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập quy trình và thực hiện quy trình tín dụng của các cán bộ cho vay chưa thực sự chặt chẽ, đặc biệt là khâu thẩm định tài sản đảm bảo chưa thực sự đa dạng và sát thực tế. Các căn cứ trích lập dự phòng rủi ro còn mang tính định tính. Các khoản thiếu sự quan tâm đến các nhóm nợ theo ngành… Công tác kiểm soát rủi ro đặt nặng ở bộ phận quản lý rủi ro và cán bộ tín dụng, trong khi các quyết định là từ cấp trên chỉ đạo nên nhiều cán bộ tín dụng thiếu chủ động.
Những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân như hệ thống cán bộ kiểm soát RRTD chưa phân cấp, phân quyền rõ ràng. Hệ thống đo lường RRTD đang thực hiện theo mô hình điểm số tín dụng của các tổ chức chuyên xếp hạng quốc tế như: Fitch Ratings, Moody's và Standard & Poor nhưng chưa hoàn thiện để ứng dụng tốt cho trường hợp cụ thể của Chi nhánh. Năng lực nhân sự về các vấn đề về nhận diện, đo lường, phán đoán RRTD đối với các món nợ quá hạn cũng ảnh hưởng lớn đến công tác xử lý rủi ro. Việc lựa chọn phương pháp xử lý chưa thực sự uyển chuyển, năng động cho từng đối tượng đặc thù của khách hàng và khả năng của BIDV - Bắc Quảng Bình, đảm bảo hiệu quả cao với chi phí hợp lý.
Giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Quảng Bình
Trên cơ sở phân tích thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Quảng Bình, bài viết chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường công tác quả trị rủi ro trong thời gian tới.
Thứ nhất, quá trình nhận diện rủi ro cần phải thực hiện theo trình tự cập nhật hàng quý, và cập nhật hàng tháng nếu thấy dấu hiệu nguy cơ rủi ro lớn hơn. Quy trình giải ngân tại Chi nhánh cần thực hiện qua các khẩu kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khách quan, độc lập giữa các bộ phận.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chấm điểm và xếp hạng tín dụng cho 3 nhóm khách hàng cụ thể như: khách hàng doanh nghiệp, khách hàng bán lẻ và định chế cho các tổ chức phi tín dụng. Hệ thống chấm điểm xếp hạng nội bộ nên được thực hiện theo 6 bước sau: (1) Xác định ngành kinh tế; (2) Xác định quy mô; (3) Xác định loại hình sở hữu khách hàng; (4) Chấm điểm các chỉ tiêu tài chính; (5) Chấm điểm các chỉ tiêu phi tài chính; (6) Tổng hợp điểm và xếp hạng. Hệ thống đo lường rủi ro tín dụng riêng biệt và mô phỏng theo mô hình điểm số tín dụng của các tổ chức chuyên xếp hạng quốc tế của Fitch Ratings, Moody's và Standard & Poor.
Thứ ba, tăng cường sử dụng các công cụ đảm bảo, cần thực hiện tốt việc trích lập dự phòng rủi ro, bán bảo hiểm tiền vay cho khách hàng. Ngân hàng nên đa dạng hoá các lĩnh vực đầu tư gồm cho vay nông nghiệp, cho vay công nghiệp, đầu tư vào dịch vụ bảo hiểm và các ngành tài chính khác; Chủ động phân loại nợ theo tính chất, khả năng thu hồi nợ của khoản vay, kiên quyết chuyển nợ quá hạn đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng tín dụng có nguy cơ gây ra rủi ro và hạ bậc nợ; Thực hiện trích lập dự phòng nhằm bù đắp tổn thất khi rủi ro xảy ra.
Thứ tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đầu vào nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, đo lường rủi ro tín dụng, thực hiện chấm điểm tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho việc kiểm soát đánh giá chính xác hơn các nguy cơ rủi ro, chú trọng thực hiện phân nhóm khách hàng.
Thứ năm, phương pháp xử lý rủi ro cần uyển chuyển, áp dụng phù hợp với đặc thù của từng khách hàng và khả năng của BIDV Bắc Quảng Bình, đảm bảo hiệu quả cao với chi phí hợp lý. Nhiệm vụ xử lý nợ xấu nên giao cho Phòng quản trị tín dụng, một bộ phận ít quan hệ với khách hàng nhưng lại thường xuyên nắm bắt được các thông tin về khoản vay sẽ nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu hơn. Cơ cấu lại khoản nợ đối với khi đến hạn thanh toán lãi và gốc mà khách hàng gặp khó khăn về tài chính chưa có nguồn bố trí để trả nợ với các lý do hàng hoá đang sản xuất dở dang, hàng hoá chưa thu tiền, hàng tồn kho.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2017), Luật Các tổ chức tín dụng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), Quyết định số 22/2014/VBHN-NHNN ngày 04/06/2014 Ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), Thông tư số 14/2014/TT-NHNN ngày 20/5/2014 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005, Hà Nội;
- BIDV Bắc Quảng Bình (2020 - 2022), Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh các năm từ 2020 đến 2022.