Quy chế mới về nguyên tắc sử dụng, đầu tư vốn của DATC
Ngày 08/09/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 134/2016/TT-BTC quy định về quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Theo đó, từ ngày 01/11/2016, Công ty được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận (trừ các trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền), thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được coi như một loại hàng hóa đặc biệt, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua.
Với các Khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này
Về nguyên tắc sử dụng vốn
Công ty được quyền chủ động sử dụng vốn của Công ty để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó cụ thê:
Công ty sử dụng vốn để mua nợ, tài sản cho Mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên phục vụ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Công ty được sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty.
Công ty được chủ động sử dụng nguồn vốn hoạt động của mình để sửa chữa, nâng cấp tài sản nhằm Mục đích gia tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi vốn. Chi phí cho việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản được hạch toán tăng giá trị tài sản. Những hoạt động đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản thuộc về đầu tư xây dựng cơ bản phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
Việc sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty phải đảm bảo: Trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của Công ty và tuân thủ các quy định của Nhà nước; Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định; Hạch toán theo dõi tài sản đầu tư, mua sắm theo quy định hiện hành của pháp luật.
Công ty có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Công ty. Định kỳ 6 tháng, kết thúc năm, DATC báo cáo Bộ Tài chính tình hình biến động về tăng, giảm và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước để theo dõi, giám sát.
Việc bảo toàn vốn nhà nước tại Công ty được thực hiện bằng các biện pháp: Thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật; mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại quy chế này và hướng dẫn của Bộ Tài chính; các biện pháp khác về bảo toàn vốn nhà nước tại Công ty theo quy định của pháp luật.
Đầu tư vốn ra ngoài Công ty
Công ty được quyền sử dụng tài sản (bao gồm tiền, tài sản cố định, tài sản lưu động và các tài sản khác) thuộc quyền quản lý của Công ty để đầu tư ra ngoài Công ty, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn, phù hợp với Điều lệ và các quy định của pháp luật và chiến lược kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty được chủ sở hữu phê duyệt.
Công ty không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại Ngân hàng, Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc Công ty đầu tư chứng khoán, trừ các trường hợp:
Một là, góp vốn thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Trường hợp này Hội đồng thành viên phải có phương án cơ cấu lại và có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.
Hai là, đầu tư, nâng cấp tài sản tiếp nhận, tài sản nhận thay thế nghĩa vụ trả nợ (bao gồm cả quyền sử dụng đất) để khai thác, thu hồi;
Ba là, các trường hợp khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
DATC được chủ động quyết định mua, bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà Công ty có cổ phần hoặc có phương án tái cơ cấu nhằm tạo Điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ và xử lý các Khoản nợ, tài sản đã mua, tiếp nhận.
Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định DATC không được đầu tư ra ngoài Công ty trong 2 trường hợp:
(1) Tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Công ty.
(2) Góp vốn cùng doanh nghiệp mà DATC giữ vốn góp chi phối để thành lập Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, Công ty không được sử dụng tài sản do Công ty đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ (ngoại trừ tài sản tiếp nhận) để đầu tư ra ngoài Công ty.
Hàng năm, Công ty có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính tình hình, hiệu quả đầu tư của Công ty để kiểm tra, giám sát theo quy định.