Quy định mới về biên lai thu tiền phạt của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính

Nguyễn Trung

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính; trong đó quy định rõ về biên lai thu tiền phạt.

Bbiên lai thu tiền phạt của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Thông tư số 18/2023/TT-BTC.
Bbiên lai thu tiền phạt của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Thông tư số 18/2023/TT-BTC.

Theo Thông tư số 18/2023/TT-BTC, biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá và được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Biên lai được sử dụng cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thu tiền phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức. Biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá bao gồm các loại mệnh giá: 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng.

Đối với biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá, với loại biên lai này được xác định trên đó số tiền thu phạt do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thu phạt ghi. Biên lai này được sử dụng để thu tiền phạt đối với các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính.

Biên lai thu tiền phạt lập và in từ Chương trình ứng dụng thu NSNN của KBNN, ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 328/2016/TT-BTC.

Về hình thức biên lai thu tiền phạt, Thông tư nêu rõ, Biên lai phải được đánh số liên tiếp theo thứ tự, mỗi số có từ 2 liên trở lên tùy theo mỗi loại biên lai. Đối với biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá, mỗi số có 2 liên: Liên 1: Lưu tại cơ quan thu; Liên 2: Giao cho người nộp tiền.

Đối với biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá, mỗi số có 4 liên: Liên 1: Báo soát; Liên 2: Giao cho người nộp tiền; Liên 3: Lưu cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định thu phạt; Liên 4: Lưu tại cuống biên lai...

Các nội dung thông tin trên biên lai thu tiền phạt phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy. Tùy theo từng mẫu biên lai thu tiền phạt, nội dung trên biên lai bao gồm một số hoặc toàn bộ các thông tin sau: Đơn vị thu: tên cơ quan, đơn vị trực tiếp thu tiền phạt; Tên/loại biên lai (in sẵn mệnh giá hoặc không in sẵn mệnh giá); Ký hiệu mẫu biên lai; ký hiệu hoặc xê ri biên lai.

Bên cạnh các nội dung trên, Thông tư hướng dẫn cụ thể việc in, phát hành biên lai thu tiền phạt. Theo đó, Cục Thuế tạo biên lai theo hình thức đặt in cấp cho các Chi cục Thuế và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu tiền phạt, số lượng biên lai đặt in căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương.

Cục Thuế được NSNN bố trí kinh phí để in biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá và không in sẵn mệnh giá để cấp cho các Chi cục Thuế và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu tiền phạt.

Biên lai phải theo đúng mẫu, có ký hiệu, số thứ tự, được đóng thành quyển, mỗi quyển có 50 số đối với biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá và mỗi quyển có 25 số đối với biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá.

Biên lai chỉ được in ở các nhà in có đủ tư cách pháp nhân, khi in phải có hợp đồng in theo mẫu in. Khi in xong phải thực hiện hủy các bản in, bản kẽm, các sản phẩm in thừa, in thử trước khi thanh lý hợp đồng đặt in biên lai.

Biên lai do Cục Thuế đặt in trước khi cấp lần đầu phải lập thông báo phát hành biên lai theo Mẫu số 02/PH-BLP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Thông báo phát hành biên lai phải được gửi đến tất cả các Cục Thuế trong cả nước trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập thông báo phát hành và trước khi cấp.

Trường hợp Cục Thuế đã đưa nội dung Thông báo phát hành biên lai lên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì không phải gửi thông báo phát hành biên lai đến Cục Thuế khác. Trường hợp có sự thay đổi về nội dung đã thông báo phát hành, Cục Thuế phải thực hiện thủ tục thông báo phát hành mới theo hướng dẫn.

Khi thu tiền phạt, KBNN, ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản, người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phải căn cứ vào số tiền ghi trong quyết định xử phạt để thu và phải cấp biên lai thu tiền phạt theo đúng mẫu quy định cho tổ chức, cá nhân nộp phạt để chứng nhận số tiền đã thu.

Liên quan tới việc xử lý biên lai thu tiền phạt trong trường hợp mất, cháy, Thông tư nêu rõ, cơ quan thuế, tổ chức thu tiền phạt nếu phát hiện mất, cháy biên lai (bao gồm biên lai đã lập hoặc chưa lập) phải lập biên bản về việc mất, cháy biên lai và lập báo cáo về việc mất, cháy; đồng thời, thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo Mẫu số BC21/BLP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này chậm nhất không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy biên lai.

Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 5) trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ, ngày lễ đó.

KBNN có trách nhiệm tổ chức thu tiền phạt theo đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền, đảm bảo hạch toán đầy đủ, kịp thời và quản lý chặt chẽ số tiền thu phạt vi phạm hành chính.

Định kỳ hàng tháng, KBNN có trách nhiệm gửi cho cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt bảng kê thu tiền phạt chi tiết trong đó có tiền chậm nộp (nếu có) theo từng cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để đối chiếu.

Tổng cục Thuế hướng dẫn việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Thông tư này thống nhất trong phạm vi cả nước. Cục Thuế chịu trách nhiệm đặt in, thông báo phát hành biên lai thu tiền phạt theo quy định...