Quy trình xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống Kho bạc Nhà nước: Một số nội dung mới cần quan tâm

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 174 (12/2016)

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức, bộ máy Thanh tra - Kiểm tra hệ thống KBNN đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện chức năng, nhiệm vụ Thanh tra - Kiểm tra của hệ thống KBNN ngày càng tăng. Xác định công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra là khâu quan trọng, lãnh đạo KBNN các cấp đã đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hàng năm, trung bình toàn hệ thống KBNN thực hiện được trên một ngàn cuộc kiểm tra. Từ năm 2016, ngoài việc thực hiện kiểm tra nội bộ hệ thống KBNN, bộ máy Thanh tra – Kiểm tra còn phải đảm đương việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) theo Luật Thanh tra năm 2010, trong năm toàn hệ thống đã thực hiện được gần 300 cuộc TTCN tại các đơn vị sử dụng ngân sách và gần 900 cuộc kiểm tra nội bộ tại các KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, các bộ phận nghiệp vụ cũng tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành chế độ, chính sách, quy trình nghiệp vụ do đơn vị mình phụ trách đối với các đơn vị cấp dưới. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị về sửa đổi chính sách, chế độ, về xử lý kinh tế, về xử lý hành chính, kỷ luật đối với đơn vị, cá nhân có sai sót, khuyết điểm…

Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng phát hiện, kiến nghị, xử lý tồn tại, sai sót, nhưng việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời thì hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra sẽ không cao; các tồn tại, sai sót đã được chỉ ra không được khắc phục triệt để mà vẫn tiếp tục xảy ra, có những tồn tại, sai sót lặp đi, lặp lại dễ dẫn đến gây mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước, đồng thời mang lại rủi ro cao cho công chức hệ thống KBNN trong thực thi công vụ.

Xác định công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra là khâu quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo KBNN các cấp đã đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học. Hằng quý, thực hiện tổng hợp các tồn tại, sai sót thường xuyên xảy ra, cảnh báo rủi ro, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống.

Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, trung bình hằng năm, toàn hệ thống KBNN thực hiện được hàng trăm cuộc phúc tra để kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra tại các đơn vị được kiểm tra.

Công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra phải được tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, theo đó đối với công tác xử lý sau TTCN KBNN thực hiện theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ về quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và Thông tư số 01/2013/TTTTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc quy định hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Đối với công tác xử lý sau kiểm tra thực hiện theo Quy trình xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN.

Ngày 25/10/2016, Tổng Giám đốc KBNN đã ký Quyết định số 4567/QĐ-KBNN về việc ban hành Quy trình xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN (Quy trình 4567) thay thế Quy trình xử lý sau thanh tra, kiểm tra trong hệ thống KBNN ban hành kèm theo Quyết định số 1540/QĐ-KBNN ngày 11/12/2007 (Quy trình số 1540).

Quy trình xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN ban hành lần này được xây dựng trên cơ sở tham khảo, vận dụng một số nội dung hướng dẫn về công tác xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm tổ chức công tác xử lý sau kiểm tra trong nội bộ hệ thống KBNN một cách khoa học, theo dõi đầy đủ, chi tiết, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, dễ thực hiện. Vì vậy, Quy trình sẽ thay đổi về cơ bản để khắc phục những hạn chế, thay đổi một số nội dung không còn phù hợp của Quy trình 1540.

Sau đây là một số nội dung cơ bản của Quy trình 4567:

Về căn cứ ban hành quy trình: Ngoài căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; quy chế hoạt động kiểm tra nội bộ, Quy trình 4567 còn căn cứ vào Quyết định số 2316/QĐBTC ngày 09/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 2316) để quy định việc tổng hợp báo cáo định kỳ công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN.

Về phạm vi điều chỉnh: Quy trình chỉ áp dụng đối với công tác xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, trừ các nghiệp vụ kiểm tra đã có quy chế, quy trình riêng về nội dung xử lý sau kiểm tra của Bộ Tài chính, KBNN như: Công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý tài chính, kế toán, tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý vụ việc gây mất an toàn tiền và tài sản trong hoạt động nghiệp vụ KBNN…

Khác với trước đây, Quy trình 4567 không áp dụng đối với công tác xử lý sau thanh tra, cụ thể là TTCN KBNN tại các đơn vị sử dụng ngân sách mà công tác xử lý sau thanh tra thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính.

Đối với công tác tự kiểm tra, Thủ trưởng các đơn vị KBNN các cấp căn cứ vào nội dung, phạm vi tự kiểm tra được giao để vận dụng quy trình xử lý sau kiểm tra vào việc thực hiện công tác xử lý sau tự kiểm tra phù hợp và thực hiện tổng hợp báo cáo cùng thời kỳ với báo cáo xử lý sau kiểm tra.

Về trách nhiệm tổ chức công tác xử lý sau kiểm tra: Quy trình 4567 quy định các đơn vị chủ trì thực hiện kiểm tra chịu trách nhiệm tổ chức theo dõi xử lý sau kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra, báo cáo công tác xử lý sau kiểm tra đối với các cuộc kiểm tra do đơn vị mình thực hiện thay cho quy định trước đây do Thanh tra - Kiểm tra thực hiện.

Khắc phục tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ công tác xử lý sau kiểm tra đối với các cuộc kiểm tra của các bộ phận nghiệp vụ thực hiện do Thanh tra - Kiểm tra không được cung cấp đầy đủ hồ sơ để thực hiện theo dõi xử lý sau kiểm tra.

Về phân công nhiệm vụ xử lý sau kiểm tra: Lãnh đạo đơn vị theo dõi xử lý sau kiểm tra căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, số lượng công chức của đơn vị để phân công, bố trí công chức, viên chức của đơn vị đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ xử lý sau kiểm tra của đơn vị.

Về nội dung công tác xử lý sau kiểm tra bao gồm các bước cơ bản sau:

Tiếp nhận và xử lý hồ sơ kiểm tra, mở sổ theo dõi các kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra (Điều 5, 6). Tiến hành theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của đơn vị được kiểm tra (Điều 7).

Đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm tra đối với đơn vị được kiểm tra chưa thực hiện, thực hiện chưa triệt để hoặc thực hiện chưa đảm bảo đúng quy định các kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra (Điều 8). Kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra (phúc tra - Điều 9, 10, 11).

Về báo cáo công tác xử lý sau kiểm tra:

Quy trình 4567 quy định 2 loại báo cáo, đây là nội dung mới so với Quy trình 1540. Theo đó Báo cáo kết quả các cuộc kiểm tra trong quý được tổng hợp và trình Thủ trưởng đơn vị xem xét và chỉ đạo xử lý đối với các kiến nghị, kết luận kiểm tra. Báo cáo kết quả công tác xử lý sau kiểm tra hằng quý được tổng hợp trong toàn hệ thống KBNN để báo cáo Bộ Tài chính theo Quyết định 2316.

Về lưu trữ hồ sơ xử lý sau kiểm tra:

Khi kết thúc năm kế hoạch, công chức xử lý sau kiểm tra lập danh mục Hồ sơ xử lý sau kiểm tra và thực hiện theo dõi, quản lý tại đơn vị. Hằng năm, thực hiện rà soát các Hồ sơ xử lý sau kiểm tra đủ điều kiện nộp vào Lưu trữ cơ quan theo quy định của Luật lưu trữ và quy chế về công tác văn thư, lưu trữ hiện hành.

Như vậy Quy trình 4567 đã quy định đầy đủ các nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện công tác xử lý sau kiểm tra, với mục tiêu nhằm theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra một cách khoa học, kịp thời, đầy đủ, hiệu quả, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, dễ thực hiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN.