Quyết liệt tăng thu, giảm nợ bảo hiểm
Toàn ngành cần quyết liệt hơn nữa, thường xuyên, liên tục với tinh thần trách nhiệm cao nhất; triển khai hiệu quả công tác thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); áp dụng các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 4/2019 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.
Tập trung thanh tra, kiểm tra
Theo báo cáo tình hình thực hiện công tác thu 3 tháng đầu năm 2019 của BHXH Việt Nam, cả nước hiện có 14,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 93,4% kế hoạch (giảm 156.000 người so với năm 2018). Trong đó, các tỉnh giảm nhiều như Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Trà Vinh. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH giảm mạnh, là do một số doanh nghiệp lớn cắt giảm lao động, đơn cử Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong giảm 10.142 lao động.
Liên quan đến thực hiện chỉ tiêu thu, Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng Đinh Văn Hiệp cho biết, ngay từ đầu năm nay, BHXH thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản chỉ đạo mạnh mẽ về công tác giảm nợ đọng.
Đơn cử, ở Đà Nẵng có Công ty Quảng An (kinh doanh vận tải xe buýt) nợ 6 tỷ đồng, trong đó xe buýt có trợ giá của thành phố, nên cơ quan BHXH đã có văn bản phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước khi chuyển hơn 10 tỷ đồng trợ giá năm 2018 thì chuyển số nợ BHXH về cho cơ quan BHXH. BHXH thành phố sẽ lần lượt làm như vậy với các đơn vị nợ BHXH khác trên địa bàn, để đạt được chỉ tiêu đề ra.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ, quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến thu là những lĩnh vực mang tính trọng yếu của ngành, cần thực hiện tốt.
Song, trên thực tế, hoạt động này còn nhiều tồn tại như một số tỉnh, thành chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác đôn đốc thu, thu nợ, xử lý nợ ngay sau khi có phát sinh; chưa tăng cường thanh tra đột xuất và xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp. Một số trường hợp tổ chức thanh tra nhưng không ra quyết định xử lý.
Trước thực trạng trong công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Đinh Duy Hùng cho rằng, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung thanh tra, kể cả thanh tra đột xuất tất cả đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định.
Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng cung cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Đồng thời, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản; hàng tháng, hàng quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để khen thưởng kịp thời và sơ kết rút kinh nghiệm trong công tác giảm nợ.
Chú trọng phát triển đối tượng
Cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước phát triển mới được 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên 306.000 người. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, 306.000 người là con số khá thấp so với kế hoạch. Do đó, trong 9 tháng còn lại của năm, các địa phương cần phải chú trọng để phát triển được ít nhất 185.000 người nữa.
Chia sẻ về nội dung này, Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, việc phát triển đối tượng trên địa bàn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. BHXH thành phố đã có nhiều giải pháp, đặc biệt phối hợp với Bưu điện đã tổ chức được 77 hội nghị tuyên truyền và phát triển mới được 700 người tham gia BHXH tự nguyện.
Trong tháng 4 sẽ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cao hơn so với quý I, bởi hiện đang triển khai ở nhóm đối tượng tiềm năng như Ban quản lý chợ, các tiểu thương đồng thời chú trọng vào 2 doanh nghiệp lớn là Grale và Âu Việt (những doanh nghiệp này đang sử dụng trên 20.000 lao động).
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phối hợp, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức, toàn hệ thống Bưu điện coi công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tính đến cuối tháng 3, Bưu điện các cấp phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức được 1.780 cuộc hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, với 40.921 người tham gia đạt được kết quả rất khả quan. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ cao là Sóc Trăng, Quảng Trị, Bắc Kạn, Hậu Giang, Bến Tre…
“Để đạt mục tiêu phát triển 220 nghìn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019, Bưu điện Việt Nam đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bưu điện địa phương. Theo đó, bưu điện từ tỉnh xuống huyện phải lập kế hoạch cụ thể theo từng tuần, từng tháng, từng quý về số lượng hội nghị, số người tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đến hết quý II đạt 60% kế hoạch giao.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, ngoài tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng, Bưu điện cam kết sẽ thực hiện chuyển phát hồ sơ, kết quả của ngành BHXH đến đơn vị và người lao động đầy đủ, kịp thời, đúng quy định” - ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đề ra, ngoài giao chỉ tiêu số hội nghị tổ chức, Bưu điện cần nghiệm thu số lượng, chất lượng hội nghị thông qua kết quả số người đăng ký tham gia.
Bên cạnh phát triển đối tượng, ngành bưu điện và BHXH phải tích cực theo dõi, quản lý, thông báo, đôn đốc đối tượng trước mỗi kỳ đóng BHXH tự nguyện để bảo đảm đối tượng tiếp tục tham gia. Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần phải phát huy vai trò chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng.