Bộ Tài chính
Quyết liệt thực hiện kỷ cương ngân sách
(Taichinh) - Trong thời gian tới, Bộ Tài chính xác định tiếp tục tăng cường kỷ luật ngân sách thông qua việc chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống thất thu Ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt tình trạng chuyển giá...
Kiểm soát chặt hoàn thuế giá trị gia tăng
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp chống thất thu NSNN, kiểm soát chặt tình trạng chuyển giá làm thất thu NSNN.
Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT, đặc biệt là hoàn thuế GTGT qua biên giới đất liền, chống thất thu trong lĩnh vực hoàn thuế GTGT; Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 về hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong lĩnh vực thuế để hạn chế tình trạng chuyển giá; Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 16/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế; Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác thu và thực hiện tiết kiệm chi NSNN; Quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/5/2012 về ban hành chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 và nhiều văn bản có liên quan khác nhằm chống thất thu NSNN, kiểm soát tình trạng chuyển giá...
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo theo phương pháp phân tích rủi ro, tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có nhiều rủi ro cao về thuế, các lĩnh vực còn nhiều dư địa thu và các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ tình hình hoàn thuế GTGT, chống các hành vi gian lận về thuế. Hàng năm Bộ Tài chính đều giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp; chỉ tiêu thu hồi nợ đọng thuế cho cơ quan thuế các cấp…
Kết quả, năm 2013:đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 64.119 doanh nghiệp (tăng 8% so với năm 2012); xử lý truy thu, phạt và truy hoàn số tiền là 13.657,08 tỷ đồng (tăng 3,3% so vớinăm 2012); giảm lỗ 15.711,99 tỷ đồng (tăng 5,6% so với năm 2012); giảm khấu trừ 1.233,83 tỷ đồng (tăng 45% so vớinăm 2012). Trong đó đã thanh tra, kiểm tra đối với 2.110 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, kiến nghị xử lý truy thu, phạt, truy hoàn 988,1 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng; giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng.Công tác thu hồi nợ đọng đến thời điểm 31/12/2013, cơ quan thuế các cấp đã thu được 49% tổng tiền thuế nợcủa năm 2012 chuyển sang năm 2013.
Năm 2014: đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 67.053 doanh nghiệp; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.224,85 tỷ đồng trong đó truy thu là 8.022,76 tỷ đồng, truy hoàn 379,78 tỷ đồng, xử phạt là 2920,86 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.127,41 tỷ đồng; tổng số giảm lỗ là 22.027,12 tỷ đồng, tăng 46,69 % so cùng kỳ; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 9.214,93 tỷ đồng. Trong đó đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.661 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 7.503,8 tỷ; truy thu, truy hoàn và phạt 2.045,38 tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ đọng thuế tính đến thời điểm 31/12/2014, cơ quan thuế các cấp đã thu được 52% tổng số nợ thuế của năm 2013 chuyển sang năm 2014.
Tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực ải quan
Trong lĩnh vực hải quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác chống thất thu NSNN trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính cũng đã ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp.
Trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Thực hiện rà soát, tổng hợp đầy đủ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa phù hợp, làm giảm nguồn thu ngân sách để báo cáo, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn, đảm bảo cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ các khoản thu vào NSNN.
Ngoài ra, theo dõi, phân tích kim ngạch XNK, kết quả thu và tác động của hoạt động kinh tế xã hội để đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả; tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh có khả năng thu lớn để kịp thời để xuất, tham mưu các cấp trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2014, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2015.
Tập trung lực lượng xây dựng, cập nhật, ứng dụng Danh mục hàng hóa rủi ro về trị giá, Danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại, Danh mục hàng hóa miễn thuế hàng đầu tư; cập nhật dữ liệu để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp thực hiện không đúng quy định. Chủ động tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý giá, áp mã tại các đơn vị, qua đó ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận qua áp giá, áp mã tính thuế, tập trung vào các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, kết quả, thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan hải quan tính đến ngày 31/12/2013: tổng số nợ thuế chuyên thu thu hồi được của những tờ khai đăng ký trước 31/12/2012 là 1.863 tỷ đồng; Công tác kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra 2.431 cuộc, ra quyết định ấn định và truy thu đạt 1.643,7 tỷ đồng. Đã thu nộp ngân sách 1.407 tỷ đồng.
Năm 2014 thu hồi nợ đọng thuế tính đến ngày 31/12/2014 đã thu hồi và xử lý nợ thuế là 2.054,13 tỷ đồng. Công tác kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 3.412 cuộc, quyết định truy thu 1.091 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 1.096 tỷ đồng (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước chuyển sang).
Sẽ có biện pháp thanh kiểm tra mới
Thực hiện luật Quản lý thuế, từ ngày 1-7-2007 nâng cao quyền chủ động của tổ chức cá nhân trong vấn đề tự khai, tự tính, tự nộp thuế vào NSNN và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thông tin kê khai của DN để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách theo quy định của pháp luật và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, xử lý nợ đọng, nhằm đảm bảo sự công bằng cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Khẳng định trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những nguyên nhân hoàn thành dự toán ngân sách năm 2013 đó là công tác phòng, chống và chống gian lận thuế được thực hiện hiệu quả. Nhiệm vụ này ngành Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, cũng như thu đúng, thu đủ và ngân sách. “Tinh thần là chúng tôi đang triển khai rất quyết liệt và mình kết hợp với minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời bên cạnh việc DN tự khai, tự nộp thì ngành Tài chính phải tăng cường thanh tra, kiểm tra”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các biện pháp thanh tra, kiểm tra mới để phù hợp với cải cách thủ tục hành chính như: thanh tra, kiểm tra thông qua hệ thống tiêu chí rủi ro phù hợp; thông qua hệ thống tài khoản giao dịch, vòng luân chuyển dòng tiền…để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế.Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN có nhiều rủi ro cao về thuế, các DN có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa về thuế.
Bên cạnh đó,Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng chính sách chế độ về thuế, các chế tài xử lý vi phạm về thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố vai trò răn đe, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và tội phạm nảy sinh trong việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế.
Đồng thời, sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2010/TT-BTC về hướng dẫn xác định giá thị trường đối với sản phẩm chuyển giao trong giao dịch liên kết theo hướng xác định rõ, cụ thể các dấu hiệu của việc chuyển giá; nội dung, phương pháp thực hiện thanh tra chống chuyển giá; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước, thu hồi nợ đọng thuế...