Quyết toán Ngân sách Nhà nước: Đảm bảo tính trung thực, minh bạch

ThS. ĐOÀN THỊ THÀNH VINH

(Taichinh) - Ngày 20/5/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kết quả thu, chi NSNN, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bội chi ngân sách chủ yếu cho đầu tư phát triển

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII đã nêu rõ, tại Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10/11/2012, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, sau đó được Quốc hội điều chỉnh mức bội chi là 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP tại Nghị quyết số 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013.

Theo đó, quyết toán số bội chi là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh. Nguyên nhân số bội chi năm 2013 là do tăng chi từ nguồn vốn ODA là 29.422 tỷ đồng và tăng chi trả nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Số tăng chi vốn ODA chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng) gồm các dự án cần đẩy nhanh tiến độ nên giải ngân cao hơn dự kiến như: Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Đường sắt Đô thị Hà Nội - Hà Đông… và 5.773 tỷ đồng giải ngân từ năm trước. Số tăng chi đầu tư này chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, nông và lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước giảm 1.343 tỷ đồng nên mức tăng bội chi NSNN là 41.269 tỷ đồng. Để có nguồn bù đắp khoản bội chi, Chính phủ đã cho phép thực hiện vay trong nước 180.347 tỷ đồng; vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng.

Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5%. Như vậy, tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn theo quy định của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 32/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi NSNN. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/05/2013 về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2013, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả NSNN; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; rà soát sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết...

Năm 2013, dự toán chi NSNN là 978.000 tỷ đồng, quyết toán 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% (110.153 tỷ đồng), chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (96.680 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang. Số chi đầu tư phát triển chiếm 24,9% tổng chi NSNN, bằng 7,6% GDP. Tính cả đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (62.570 tỷ đồng) và xổ số kiến thiết (13.188 tỷ đồng), thì chi đầu tư phát triển đạt 347.438 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng chi NSNN và bằng 9,7% GDP.

Quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương là 84.484 tỷ đồng, tăng 88,6% (39.689 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do nguồn vốn ngoài nước giải ngân tăng so với dự kiến (24.028 tỷ đồng) và nguồn ghi thu ghi chi đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam 11.526 tỷ đồng. Quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương 187.196 tỷ đồng, tăng 43,8% (56.991 tỷ đồng) so với dự toán, nhờ nguồn năm trước chuyển sang và tăng thu của địa phương (41.000 tỷ đồng) và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định để đầu tư cơ sở hạ tầng…

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, bội chi ngân sách năm 2013 tăng chủ yếu do: Tăng chi trả nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng; Chi từ nguồn vốn ngoài nước 29.422 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng) các dự án cần đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân…

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đánh giá, báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 đã được Bộ Tài chính lập trên cơ sở thẩm định, tổng hợp từ quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố đã được Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn và quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương đã được thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương duyệt, đã được đối chiếu và xác nhận của Kho bạc Nhà nước.

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 cũng đã được cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp. Nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được các cơ quan của Chính phủ xem xét tiếp thu và thực hiện theo quy định của Luật NSNN.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu năm 2015

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, chưa phục hồi rõ nét, giá dầu thô giảm mạnh… đã ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ thu – chi NSNN trong năm 2015. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, cùng quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, kết quả thu – chi ngân sách những tháng đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%); thu từ dầu thô đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2014; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2014. Mặc dù, thu từ dầu thô đạt thấp nhưng tiến độ thu NSNN 4 tháng đầu năm vẫn đạt khá.

Để có được kết quả trên, những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN. Giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...

Đặc biệt, trong những tháng còn lại của năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai số nợ đọng thuế của từng địa phương, doanh nghiệp. Tiếp tục chấn chỉnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Để đảm bảo cân đối thu chi NSNN từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu thực hiện tốt các giải pháp tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các bộ, cơ quan hữu quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư; rà soát cắt giảm các dự án chưa cần thiết để tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án có điều kiện hoàn thành trong năm 2015, 2016; tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ. Quản lý chặt chẽ, điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh; tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.