Sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng
Hiện nay hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam (tự sản xuất và nhập khẩu) rất đa dạng đủ loại mẫu mã, giá cả… đáp ứng về mặt số lượng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên các vụ ngộ độc thức ăn vẫn xảy ra, tỷ lệ các chất bảo quản trong sản phẩm cao… khiến người tiêu dùng lo ngại. Vấn đề bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang được Nhà nước và các cơ quan chức năng ráo riết thực hiện.
Thực trạng hàng nông lâm thủy sản:
- Ô nhiễm thực phẩm do thuốc trừ sâu, thuốc thú y, dư lượng hóa chất tồn đọng và chất bảo quản thực phẩm còn cao hơn cho phép… trong nhiều các mặt hàng.
- Khả năng tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế bị hạn chế do không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
- Hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước không có xuất xứ rõ ràng
- Cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do không đủ nhân lực, phương tiện để thực hiện triệt.
Vấn đề cấp bách phải thiết chế lại:
Trong khi ai cũng biết, sản phẩm nông lâm thủy sản hầu hết đều tiêu dùng cho nhu cầu ăn uống, tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, không chỉ tác động ngay lập tức đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn để lại tác hại lâu dài. Trước tình hình phải bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam, Chính phủ đã tìm mọi giải pháp từ khâu tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý vi phạm… Tuy nhiên, để thực hiện được mục đích trên không chỉ có các biện pháp tuyên truyền hay bị động chạy theo xử lý vi phạm, vấn đề là phải đi trước một bước (trước khi người sản xuất cung cấp sản phẩm cho xã hội), để bắt buộc các cơ sở sản xuất phải tuân thủ yêu cầu về các tiêu chuẩn mẫu mã theo chuẩn mực quốc tế…
Chính phủ đã phối hợp với tổ chức FAO thực hiện vấn đề này:
Vừa qua, (ngày 12/8/2015), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Khởi động dự án: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản”. Mục tiêu tổng thể hướng đến của dự án là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Luật An toàn thực phẩm. Dự kiến dự án thực hiện trong 3 năm, qua đó FAO sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố các hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm quốc gia cho chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản, nhằm nâng cao niềm tin của quần chúng đối với các nguồn cung ứng thực phẩm, phù hợp với luật an toàn thực phẩm. Tổng kinh phí là: 500.000 USD, trong đó: Vốn viện trợ không hoàn lại: 450.000 USD và vốn đối ứng của Chính phủ: 50.000 USD. Dự án này không chỉ có mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm mà còn đóng góp vào mục tiêu lớn hơn trong Khung chiến lược chấm dứt đói nghèo của FAO.
Để tăng cường hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm tăng niềm tin vào chuỗi cung ứng thực phẩm, khả năng tương thích và tuân thủ Luật An toàn thực phẩm thì vấn đề cấp bách cần phải làm là kiểm tra, đánh giá và sửa đổi các quy định về kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm theo nguyên tắc dựa trên mối nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng; thiết kế, thử nghiệm và vận hành hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn (từ sản xuất tới tiêu dùng) của một số sản phẩm nông sản cụ thể và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, sản xuất, người tiêu dùng và các tác nhân khác về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm mới với cách tiếp cận là chuỗi giá trị và lợi ích của hệ thống này. Do đó, Dự án Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản hướng tới ba mục tiêu cụ thể:
-Chấn chỉnh Hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; rà soát, đánh giá nhằm đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất, tính thực tiễn, khả thi trong thực hiện;
-Đưa ra Phương thức kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản; tiến đến xây dựng, kiểm chứng và áp dụng trên diện rộng;
-Nâng cấp Năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở trung ương và địa phương và của các đối tượn tham gia chuỗi giá trị; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật An toàn thực phẩm.
Theo Ông JongHa Bae - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, dự án sẽ giúp Bộ NNPTNT nâng cao vị thế của mình trong việc hoàn thành trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm theo Luật an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, và bảo quản nông sản. Ông nhấn mạnh: Với hiện trạng kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam, việc hình thành và thực hiện Dự án này là rất quan trọng, để hỗ trợ cho việc thực thi Luật An toàn thực phẩm.
FAO cam kết sẽ giúp Việt Nam thông qua tăng cường năng lực kỹ thuật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), Bộ Thương mại, và Bộ Y tế, để xây dựng chính sách và đường lối áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát thực phẩm trên toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng và độ an toàn cho nông sản, trong đó có thủy sản.
Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ giúp FAO thực hiện dự án này.
Có đường đi nước bước rồi, chúng ta phải kiên quyết thực hiện vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích kinh tế và trên hết là vì tương lai con em chúng ta.