Sẽ mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử

Theo baohaiquan.vn

Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ. Năm 2014, Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 04/2014/NĐ-CP. 2 Nghị định này đã thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, góp phần quản lý rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế. Song, do thực tế có nhiều thay đổi, việc sửa đổi, bổ sung là tất yếu.

Nghị định 51 và Nghị định 04 đã thay đổi phương thức quản lý hóa đơn. Ảnh: Thuỳ Linh.
Nghị định 51 và Nghị định 04 đã thay đổi phương thức quản lý hóa đơn. Ảnh: Thuỳ Linh.

656 doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Nghị định về hóa đơn đã chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn của doanh nghiệp DN từ cơ chế “mua hóa đơn của cơ quan Thuế” sang cơ chế “DN tự đặt in, tự in hóa đơn” để sử dụng và chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn (giấy) của cơ quan Thuế bằng việc phân quyền cho Cục Thuế các địa phương được đặt in hóa đơn bán cho các tổ chức, cá nhân không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh.
Như vậy, quy định này đã tạo ra sự đổi mới trong việc trao quyền tự chủ về hóa đơn cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thuế địa phương trong công tác quản lý hóa đơn. Bên cạnh đó, Nghị định số 51 về hoá đơn với nội dung cơ bản là phát hành, sử dụng hóa đơn giấy nhưng đã có quy định về hóa đơn điện tử. Việc bổ sung hình thức hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị DN phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Quy định về việc DN rủi ro phải mua hóa đơn của cơ quan Thuế để sử dụng trong thời gian 12 tháng; hộ kinh doanh không được đặt in, không được tự in hóa đơn; DN mới thành lập khi tự in hóa đơn lần đầu, đặt in hóa đơn lần đầu phải thông báo với cơ quan Thuế,... đã hạn chế được một phần tình trạng hộ kinh doanh, DN đặt in, tự in hóa đơn để xuất hóa đơn khống, mua bán lòng vòng, sử dụng bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước, gian lận thương mại, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Các Nghị định về hoá đơn đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hóa đơn, như: Quy chuẩn hóa các quy trình quản lý, thanh tra, kiểm tra hóa đơn trong nội bộ cơ quan Thuế, xây dựng phần mềm cập nhật các thông tin hóa đơn đã phát hành và hóa đơn không còn giá trị sử dụng để hỗ trợ DN, hỗ trợ cơ quan Thuế trong việc tra cứu hóa đơn của các DN đã phát hành hóa đơn và hóa đơn của các DN bỏ trốn.

Việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử do các DN lựa chọn cũng đã đem lại nhiều lợi ích. Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có 656 DN thực hiện hoá đơn điện tử với số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng khoảng 277,98 triệu hoá đơn/năm 2016. Cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có DN sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và là các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn-Hà Nội,...).

Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các DN nêu trên được đánh giá có kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận, mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho DN; qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của DN. Về phía khách hàng, thói quen sử dụng hóa đơn giấy của khách hàng đã dần thay đổi, khách hàng đã hợp tác hơn với DN sử dụng hóa đơn điện tử. Khách hàng cũng đã thuận tiện trong thanh toán, có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy.

Đặc biệt, việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hoá đơn cho DN, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Hiện nay, đã có 315 DN đăng ký với cơ quan thuế phát hành hóa đơn mã xác thực của cơ quan Thuế. Trong đó Hà Nội có 201 DN; TP.HCM có 114 DN. Tính đến hết ngày 2/12/2016, tổng số hóa đơn đã phát hành và được xác thực là 2.449.548 hóa đơn, tổng tiền doanh thu đã xác thực là 18.934 tỷ đồng và tổng số thuế đã xác thực là 880,8 tỷ đồng). Thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho DN, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.

Mở rộng đối tượng áp dụng

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song, nhiều vướng mắc, bất cập đã xuất hiện cần phải được giải quyết, do đó, Bộ Tài chính đang dự tính sửa Nghị định về hoá đơn với những quy định cụ thể hơn về hoá đơn điện tử.

Trước tiên, Bộ Tài chính đề nghị quy định tách biệt giữa hóa đơn giấy theo hình thức đặt in, tự in và hóa đơn điện tử. Cùng với đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ bản thực hiện hoá đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018, Bộ Tài chính dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử của DN và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế.

Cụ thể, đối với hóa đơn điện tử của DN, đối tượng áp dụng sẽ là những DN đã áp dụng sẽ tiếp tục áp dụng hóa đơn điện tử của DN; DN, tổ chức kinh doanh đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan Thuế, hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; DN, tổ chức kinh doanh có mã số thuế đang sử dụng hóa đơn giấy in từ hệ thống máy tính trước ngày 1/1/2018 nếu có đủ điều kiện nêu trên thì sử dụng hóa đơn điện tử của DN từ ngày 1/1/2018 trong hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; DN, tổ chức kinh doanh mới thành lập nếu đủ điều kiện.

Để sử dụng hóa đơn điện tử của DN, tổ chức kinh tế chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện là: Cơ sở kinh doanh đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan Thuế hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật; có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm.

Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng sử dụng gồm: DN, tổ chức kinh doanh đang sử dụng trước ngày 1/1/2018; DN, tổ chức kinh doanh thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan Thuế trước ngày 1/1/2018; tổ chức kinh doanh có mã số thuế đang sử dụng hóa đơn giấy in từ hệ thống máy tính trước ngày 1/1/2018 nhưng không sử dụng hóa đơn điện tử của DN;

Các DN vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; DN có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế; DN mới thành lập nếu không sử dụng hóa đơn điện tử của DN, không mua hóa đơn do cơ quan Thuế đặt in thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế trong thời gian 6 tháng; DN vừa và nhỏ ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn nếu không sử dụng hóa đơn điện tử của DN thì được cơ quan Thuế hỗ trợ để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế; hộ kinh doanh theo lộ trình của Bộ Tài chính phù hợp với quy mô, ngành nghề, địa bàn.

Dự thảo Nghị định đang được Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành vào cuối năm 2017.