Siêu thị: Kênh phân phối hàng Việt hiệu quả
Với tỷ lệ hàng Việt lên đến trên 70%, thậm chí có nơi trên 90%, siêu thị đang là kênh phân phối có tỷ lệ hàng Việt Nam cao nhất. Nhiều hệ thống siêu thị đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tiếp tục đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị đã lên đến trên 70%, đặc biệt một số siêu thị như: Co.opMart, Big C, VinMart… có tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%. Nhiều siêu thị tại Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp tiêu thụ hàng Việt.
Được coi là một trong những hệ thống siêu thị đầu tiên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên tỷ lệ hàng Việt tại Metro Cash & Carry luôn chiếm tỷ lệ trên 90%.
Do vậy, năm 2016, khi Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry, không ít người lo ngại vị “đại gia” này sẽ ưu tiên hơn cho hàng Thái Lan - loại hàng hóa đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam (tên thương hiệu mới của Metro Cash & Carry) - cho biết: Để đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, MM Mega Market vẫn cam kết duy trì tỷ lệ hàng Việt Nam ở mức trên 90%, tập trung vào các mặt hàng như rau, quả, thực phẩm, đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu… MM Mega Market Việt Nam còn có nhiều thay đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Cụ thể, nhằm cung ứng cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn, MM Mega Market đã xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, thu mua heo của hơn 400 hộ nông dân nằm trong 23 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với số lượng lên tới 250 tấn/tháng. MM Mega Market sẽ tiếp tục phối hợp với LIFSAP (Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm của Ngân hàng Thế giới) xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại khu vực phía Bắc. Ngoài ra, MM Mega Market còn phối hợp với nhiều địa phương xây dựng chuỗi sản xuất rau, củ, quả, thủy sản an toàn.
Triển khai các giải pháp ủng hộ cuộc vận động, liên tục trong nhiều năm gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã triển khai các chương trình hợp tác thu mua với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long để đưa vào tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Việc thu mua này được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho hay, sau thời gian dài đồng hành và phát triển cùng hàng Việt, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại Co.opMart chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Trong đó ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95%. Co.opMart luôn được nhắc đến như niềm tự hào của siêu thị Việt trong hoạt động phân phối hàng Việt Nam.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ cao không phải do hàng Việt Nam được ưu ái mà thực sự đã có sự cải tiến khi không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao, mà còn khẳng định được vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại. Bên cạnh hàng thực phẩm, nông sản có lợi thế do được sản xuất tại địa phương, ít chi phí vận chuyển so với hàng nhập ngoại, những mặt hàng tiêu dùng, quần áo, hàng điện tử cũng đã có những chính sách giá rất phù hợp, được người tiêu dùng lựa chọn.
Với mạng lưới rộng khắp, là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực thành thị, siêu thị được đánh giá là một trong những kênh phân phối hàng Việt Nam hiệu quả.