“SK Group thoái vốn tại Masan, Vingroup không đến từ áp lực phải bán tống bán tháo”
Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các quỹ đầu tư để giao dịch lượng lớn cổ phiếu mà SK Group thoái vốn.
Hoạt động bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vốn đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Thêm thông tin SK Group thoái vốn tại hai doanh nghiệp lớn trên sàn khiến tâm lý nhà đầu tư thêm phần thận trọng.
Xoay quanh chủ đề trên, Tạp chí Tài chính trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Phóng viên: Khối ngoại bán ròng vẫn đang là lực cản tâm lý với nhà đầu tư trong nước. Đánh giá của ông về xu hướng giao dịch của khối này trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thế Minh: Xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài nằm trong dự báo. Khi mà xu hướng tăng của tỷ giá vẫn diễn ra, áp lực rút ròng của khối ngoại vẫn có thể diễn ra trong thời gian tới. Điều này có thể ảnh hướng tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh bởi nhiều yếu tố. Lịch sử cho thấy, nếu họ bán ròng đến từ lý do áp lực tỷ giá thì không ảnh hưởng tới diễn biến thị trường. Điển hình giai đoạn 2020 - 2021, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 85.000 tỷ đồng nhưng VN-Index lại tăng điểm mạnh ở giai đoạn này.
Năm 2022, khối ngoại mua ròng thì thị trường lại giảm. Năm 2023, họ rút ròng thì thị trường lại nhích tăng. Năm 2024, khối này lại tiếp tục bán ròng và thị trường vẫn xu hướng đi lên, đạt mức tăng xấp xỉ 12% từ đầu năm đến nay.
Về định lượng, khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng giá trị giao dịch, tỷ lệ sở hữu khối này trên thị trường giảm xuống dưới mức 18%. Như vậy, hoạt động bán ròng của khối ngoại chủ yếu gây tâm lý quan ngại cho các nhà đầu tư, không ảnh hưởng tới diễn biến thị trường.
Phóng viên: Vậy theo ông, khi nào khối ngoại có thể ngừng đà bán ròng tại thị trường Việt?
Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng, xu hướng của khối ngoại sẽ đảo chiều mua ròng khi và chỉ khi xảy ra 2 yếu tố. Một là sẽ rơi vào khoảng thời điểm 6 tháng cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái bắt đầu giảm lãi suất. Hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có động thái nâng lãi suất cơ bản, thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất VND và USD, hạ nhiệt áp lực tỷ giá xuống.
Khi tỷ giá hạ nhiệt thì khả năng khối ngoại mới quay trở lại mua ròng. Sớm muộn gì Fed cũng sẽ hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có khả năng nâng tăng lãi suất trở lại, và sớm muộn gì khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng.
Phóng viên: Câu chuyện thoái vốn của SK Group tại Masan Group (MSN) và Vingroup (VIC) đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Chúng ta biết, các khoản đầu tư của SK Group vào MSN và VIC là từ lâu. Với nhà đầu tư tổ chức lớn họ có “timing” để đầu tư. Ví dụ thời điểm đầu tư, họ xác định thời gian nắm giữ là 5 năm, đến thời điểm đúng theo thỏa thuận cam kết hoặc chu kỳ đầu tư của họ thì xem xét việc bán ra.
Thực ra, thông thường những khoản đầu tư của SK Group vào các cổ phiếu MSN, VIC lại đến từ khoản phát hành trái phiếu và chuyển đổi thành cổ phiếu. Bản chất đầu tư theo hình thức này thì tổ chức đầu tư đã có một mức sinh lời từ trái phiếu. Cho nên khi họ bán ra không đến từ áp lực phải bán tống bán tháo. Khi SK Group xác định thoái vốn, thông thường các doanh nghiệp sẽ đi tìm các buyer - đối tác khác để mua vào ví dụ như các quỹ đầu tư để thỏa thuận giao dịch lượng thoái vốn của SK Group.
Cho nên, khi nghe thông tin thoái vốn thì tưởng chừng lo ngại nhưng doanh nghiệp khó để SK Group bán ra cổ phiếu trên sàn. Bởi vì bán ra cổ phiếu trên sàn với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Đây là điều các ông chủ lớn không muốn. Lúc mua thỏa thuận thì tất nhiên khi bán cũng theo thỏa thuận. Tóm lại, tôi nghĩ họ không dại dột gì bán trên sàn mà đã có những đối tác thỏa thuận.
Phóng viên: Chỉ còn một tuần nữa là kết thúc quý II/2024, ông có nhìn nhận ra sao về bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong quý này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, bức tranh quý II/2024 có thể khả quan ở hầu hết các nhóm ngành nghề so với cùng kỳ năm 2023. Vì quý II/2023 kết quả kinh doanh không khả quan, tức là nền thấp. Chưa kể, lãi suất bắt đầu giảm từ cuối năm 2023, chi phí lãi vay đóng góp nhiều vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Với nhóm phi tài chính có thể là nhóm tăng trưởng dẫn đầu quý II như sản xuất thực phẩm, hóa chất, bán lẻ, vận tải. Ngoài ra, còn có nhóm vực dậy sau thời gian khó khăn như hàng không, du lịch giải trí.
Nhóm tài chính có chứng khoán dự kiến cũng đạt kết quả tốt. Với ngân hàng, con số có thể tương đương cùng kỳ và có sự phân hóa lớn. Với bất động sản vẫn chưa có sự khả quan, điểm sáng nhóm này vẫn là bất động sản khu công nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!