4 tháng đầu năm 2023:

Số thu ngân sách của ngành Thuế đạt hơn 42% dự toán

Thùy Linh

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 578.035 tỷ đồng, bằng 42,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 4, có 25/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá. Ảnh Thuỳ Linh.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 4, có 25/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá. Ảnh Thuỳ Linh.

Nhiều khoản thu, sắc thuế đạt khá

Cụ thể, theo thống kê, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 38%); Có 8/20 khoản thu đạt dưới mức 38%; có 13/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy, có 7/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường ước bằng 49,7%; Lệ phí trước bạ ước bằng 78,7%; Thu tiền sử dụng đất ước bằng 45,7%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 48,8%.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 4, có 25/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 38%); có 17/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (33-38%). Ngoài ra, cũng còn 21/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 33%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm (dưới 30% dự toán) như: Cao Bằng, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lai Châu, Hà Giang...

Theo Tổng cục Thuế, để có được kết quả này, trong những tháng đầu năm 2023, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới, Tổng cục Thuế đã phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 và Chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế, các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế.

Tổng cục Thuế cũng đã triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hoá đơn điện tử có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử...

Mới đây, Tổng cục Thuế đã triển khai Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tử giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.

Chủ động tham mưu các kịch bản, giải pháp trong điều hành thu ngân sách 

Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 5, ngành Thuế sẽ tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước trong tháng 5/2023.

Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2023-2025 đã được phê duyệt tại các quyết định của Bộ Tài chính và hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ triển khai giải pháp Trụ cột 1 (Phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập của các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh dịch vụ kinh tế số và kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, tiếp tục bám sát quá trình Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (IF) để xây dựng Hiệp định đa phương, phối hợp với các nước thành viên của Diễn đàn IF để xây dựng, hoàn thiện các nội dung dự thảo của Hiệp định, đảm bảo quyền và lợi ích của các nước thành viên của Diễn đàn IF/OECD về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Đồng thời, triển khai giải pháp Trụ cột 2 (nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD), trong đó tiếp tục rà soát đánh giá tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, trình Quốc hội để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.