Sự chuyển đổi ngành Luật Việt Nam dưới ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo
Thời gian qua, ngành Luật Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn nhờ ứng dụng các dịch vụ và dữ liệu tự động hóa. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các công nghệ kỹ thuật số mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) đã đặt ra những thách thức cho quá trình chuyển đổi lĩnh vực pháp lý. Bài viết này phân tích những ảnh hưởng sâu rộng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo đối với ngành Luật tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện hiệu suất làm việc và tối ưu hóa quy trình pháp lý, qua đó chỉ ra sự tương tác ngày càng chặt chẽ giữa công nghệ và pháp luật.
Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã mở ra một kỷ nguyên mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) và mang lại những ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống. Các nền tảng AI tiên tiến như: ChatGPT (OpenAI), BingAI (Microsoft), Google Bard (Google) không chỉ cải thiện đáng kể khả năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin mà còn vượt xa giới hạn của các công cụ truyền thống, giúp giải quyết những vấn đề phức tạp một cách nhanh chóng, hiệu quả. AI được sử dụng ngày càng nhiều trong những lĩnh vực trước đây chỉ dành riêng cho con người (Nguyễn Văn Quân, 2019).
Thời gian qua, ngành Luật Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn nhờ ứng dụng các dịch vụ và dữ liệu tự động hóa. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các công nghệ kỹ thuật số mới, nhất là AI đã đặt ra những thách thức cho quá trình chuyển đổi lĩnh vực pháp lý. Theo Đặng Minh Phương và cộng sự (2023), không khó để nhận thấy, AI sẽ phá vỡ nhiều khuôn khổ pháp lý truyền thống. Do đó, những vấn đề mới liên quan đến học tập, quản trị và vận hành trong ngành Luật cần được nghiên cứu chuyên sâu và giải quyết kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu của đất nước.
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và AI đối với ngành Luật
Theo Đặng Thị Bích Phượng và cộng sự (2018), CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như: sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo rô-bốt, phát triển internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Các công nghệ mới ra đời trong thời kỳ CMCN 4.0 đang mở ra sự kết nối chặt chẽ giữa nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật như: vật lý, sinh học, cơ khí, điện tử và công nghệ sinh học. Sự giao thoa này không chỉ tạo ra bước tiến đột phá về mặt kỹ thuật mà còn thúc đẩy sự hình thành của các ngành nghề mới, nơi mà con người và máy móc phối hợp với nhau một cách hiệu quả.
AI đã và đang làm thay đổi, ảnh hưởng tới pháp luật, quản trị. Cụ thể, AI mở ra những hướng đi mới trong lĩnh vực pháp luật và quản trị, giúp tối ưu hóa quy trình và cải thiện tính minh bạch. Nguyễn Thị Quế Anh (2022) cho rằng, mặc dù AI mang đặc trưng nổi bật của một công cụ kỹ thuật được con người sáng tạo, nó lại sở hữu khả năng “độc lập” mà các công nghệ trước đây chưa đạt được. AI được con người phát triển nhằm phục vụ lợi ích của con người, nhưng nó lại phản ánh bản chất xã hội nhân loại, thể hiện qua khả năng tương tác không chỉ với con người mà còn với các AI khác một cách tương đối tự chủ. Trong pháp luật, các hệ thống AI có khả năng phân tích, xử lý khối lượng lớn văn bản pháp luật, án lệ và các tài liệu pháp lý khác chỉ trong thời gian ngắn. Điều này giúp luật sư và thẩm phán tìm kiếm các quy định liên quan, đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn. AI còn được sử dụng để dự đoán kết quả vụ án dựa trên phân tích dữ liệu lịch sử, hỗ trợ các chuyên gia pháp lý xây dựng chiến lược tranh tụng hiệu quả. Một bước tiến đột phá khác là hợp đồng thông minh (Smart Contracts), được triển khai trên nền tảng blockchain. Đây là loại hợp đồng tự động hóa các điều khoản, điều kiện, đảm bảo các giao dịch pháp lý được thực hiện minh bạch, an toàn mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.
Với AI và những thách thức đặt ra cho ngành Luật, Nguyễn Văn Quân (2019) cho rằng, về mặt kỹ thuật, AI ứng dụng trong lĩnh vực pháp luật đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các yếu tố sau: dữ liệu lớn (big data), học máy hay machine learning có khả năng thích ứng với các điều kiện môi trường xung quanh để rút ra các nguyên lý từ tri thức thu nhận được, phục vụ cho việc ra quyết định. Đồng thời, sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của AI, cùng các công cụ như: ChatGPT, BingAI, Bard, dApps và Smart Contract đã đem đến nhiều thay đổi to lớn, nhưng cũng gây ra không ít khó khăn và thách thức đối với ngành Luật.
Một trong những thách thức lớn nhất mà ngành Luật đối mặt khi AI phát triển là tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Với sự trợ giúp của AI, các hành vi phạm pháp như đánh cắp dữ liệu, gian lận tài chính, hoặc tạo ra các nội dung giả mạo tinh vi như deepfake (công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh, giọng nói) trở nên phức tạp và khó phát hiện hơn bao giờ hết. Các tội phạm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư, an toàn thông tin của cá nhân và tổ chức. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn trong việc xác định thủ phạm vì các dấu vết để lại trên không gian mạng rất dễ bị xóa bỏ hoặc làm giả bằng công nghệ cao. Việc thu thập, xử lý chứng cứ điện tử cũng trở thành một thách thức lớn. Trong thời đại số hóa, nhiều bằng chứng quan trọng không còn tồn tại dưới dạng văn bản truyền thống mà chuyển sang các dạng dữ liệu kỹ thuật số như: email, tin nhắn, nhật ký giao dịch điện tử hoặc các tập tin mã hóa.
Theo nghiên cứu của Doãn Hồng Nhung và cộng sự (2024), việc đào tạo sinh viên ngành Luật đã đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi của xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất là nhu cầu về kỹ năng mới. Việc sử dụng AI đòi hỏi giảng viên và sinh viên cần có kỹ năng sử dụng, khai thác tối đa công nghệ này. Việc triển khai AI cần nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt cho các trường đại học ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, sử dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra nhiều vấn đề đạo đức như thiên vị thuật toán, gian lận học tập và bảo mật dữ liệu. Sự phát triển nhanh chóng của AI đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động đào tạo ngành Luật trong các trường đại học. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện nay thường không theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, dẫn đến việc sinh viên không được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết để đối phó với các vấn đề mới như pháp luật liên quan đến AI, Blockchain và Smart Contract.
AI và những thách thức đối với nghề luật sư, khi mà sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ: AI như ChatGPT, Google Bard hay Bing AI đã và đang tái định hình công việc của luật sư, mang lại nhiều lợi ích vượt trội nhưng cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi sự thích nghi. Trước đây, luật sư thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, soạn thảo hợp đồng, quản lý hồ sơ một cách thủ công, dẫn đến khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự chính xác cao trong từng chi tiết. AI mang lại lợi thế lớn về hiệu quả, tiết kiệm thời gian khi có khả năng phân tích nhanh chóng hàng triệu trang văn bản pháp lý, án lệ, cung cấp thông tin chính xác mà không yêu cầu con người phải đọc thủ công từng tài liệu. Những công cụ như ChatGPT không chỉ tìm kiếm các điều luật liên quan mà còn có thể so sánh các phán quyết của những vụ án tương tự, đưa ra tóm tắt chi tiết và gợi ý những điểm pháp lý quan trọng. Với khả năng tìm kiếm, tổng hợp thông tin hiệu quả, ChatGPT hỗ trợ người dùng trả lời các câu hỏi nhanh chóng mà không tốn thời gian tra cứu. Công cụ này sẽ tự động phân loại, chọn lọc thông tin từ các nguồn dữ liệu có sẵn, sau đó tổng hợp thành một văn bản thống nhất (Bùi Trọng Vinh, 2023). Nhờ đó, luật sư có thể tập trung hơn vào khía cạnh chiến lược của vụ án thay vì bị cuốn vào các công việc hành chính phức tạp.
Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ soạn thảo hợp đồng và tài liệu pháp lý với độ chính xác cao và khả năng tự động hóa. Thay vì phải xây dựng hợp đồng từ đầu hoặc rà soát từng chi tiết nhỏ, luật sư có thể sử dụng các hệ thống AI để tạo ra hợp đồng mẫu dựa trên những điều khoản được cung cấp trước đó. AI cũng có thể phát hiện lỗi hoặc mâu thuẫn trong văn bản, đề xuất cải thiện các điều khoản để đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế rủi ro pháp lý. Ngoài ra, sử dụng hợp đồng thông minh (smart contracts) trên nền tảng blockchain giúp tự động hóa các điều khoản giao dịch và đảm bảo tính minh bạch, bảo mật cao mà không cần bên thứ ba can thiệp. Trong quản lý dữ liệu, AI được tích hợp vào các hệ thống quản lý thông minh có khả năng tự động phân loại, sắp xếp, tìm kiếm thông tin nhanh chóng từ các hồ sơ vụ án. Không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ, AI còn phân tích dữ liệu lịch sử để dự đoán kết quả của các vụ án tương tự, từ đó hỗ trợ luật sư xây dựng chiến lược pháp lý tối ưu.
Giải pháp chuyển đổi và định hình lại ngành Luật dưới sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo
Tương tự như nhiều hiện tượng mới trong nền kinh tế số, bản chất pháp lý của AI vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, vẫn còn những khoảng trống trong xây dựng các quy định pháp lý cho hiện tượng này, đặc biệt là về cơ sở, điều kiện tồn tại và khả năng tích hợp của nó với các hệ thống khác. Do đó, trước sự tác động mạnh mẽ của AI đến ngành Luật, Việt Nam cần thích ứng và thực hiện các bước chuyển đổi căn bản để không chỉ đảm bảo hiệu quả hoạt động, mà còn duy trì tính công bằng, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Cụ thể như sau:
Một là, quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng, đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả. Do đó, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để quy định các nguyên tắc sử dụng AI, từ bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư đến trách nhiệm pháp lý khi AI gây ra sai sót hoặc tác động tiêu cực.
Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý mới để đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi các bên liên quan. Cụ thể: (i) Cập nhật và ban hành luật mới về AI, xây dựng các quy định về việc sử dụng AI trong ngành Luật, bao gồm trách nhiệm pháp lý đối với sai sót do AI gây ra và các quy tắc bảo vệ quyền riêng tư; (ii) Hướng dẫn pháp lý về chứng cứ điện tử: Các quy định liên quan đến chứng cứ số cần được cập nhật để đảm bảo quá trình thu thập, xác minh và sử dụng dữ liệu do AI xử lý được công nhận trong xét xử; (iii) Giám sát và quản trị AI trong hệ thống pháp luật: Thành lập cơ quan chuyên trách quản lý ứng dụng AI nhằm đảm bảo các công cụ này được sử dụng đúng quy định và minh bạch trong các hoạt động pháp lý.
Hai là, tích hợp AI vào quy trình tư pháp và hành chính. Đây là việc làm cần thiết để tối ưu hóa hoạt động và giảm tải cho các cơ quan công quyền. Cụ thể: (i) Phát triển tòa án điện tử thông minh: Ứng dụng AI trong quản lý hồ sơ và tự động hóa quy trình xử lý các vụ án đơn giản, giúp giảm bớt khối lượng công việc cho thẩm phán và nhân viên tư pháp; (ii) Sử dụng AI để tra cứu và phân tích án lệ: AI có thể phân tích dữ liệu pháp lý và cung cấp các án lệ liên quan, giúp quá trình xét xử diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn; (iii) Triển khai chatbot tư pháp: Xây dựng trợ lý ảo AI hỗ trợ người dân giải đáp các thắc mắc về thủ tục pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận công lý một cách thuận tiện và dễ dàng.
Kết luận
CMCN 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của AI đang tái định hình ngành Luật tại Việt Nam tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các chuyên gia pháp lý. AI giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, từ nghiên cứu tài liệu pháp lý, soạn thảo hợp đồng đến quản lý hồ sơ vụ án, mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nghệ mới như: Blockchain, Smart Contract và dApps cũng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm pháp lý, quyền riêng tư và quản lý giao dịch. Bên cạnh đó, tội phạm mạng và việc thu thập, xử lý chứng cứ điện tử trở thành thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải nhanh chóng thích ứng.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Trọng Vinh (2023), ChatGPT và sự tác động đến pháp luật hình sự ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học Kiểm sát, 6(68);
- Doãn Hồng Nhung và cộng sự (2024), Cơ hội và thách thức của Trí tuệ Nhân tạo trong giáo dục đại học, một số khuyến nghị đối với hoạt động đào tạo nghề Luật ở Việt Nam. Tạp chí Công thương, Số 7 (4/2024);
- Đặng Minh Phương và cộng sự (2023), Nhận biết những tác động của trí tuệ nhân tạo đến pháp luật sáng chế của Liên minh Châu Âu. VNU Journal of Science: Legal Studies. Vol. 38, No. 3 (2022) 30-38;
- Đặng Thị Bích Phượng và cộng sự (2018), Cơ hội và thách thức của lực lượng lao động trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo khoa học:
- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Lực lượng lao động - Cách mạng Công nghiệp 4.0 (152-159);
- Nguyễn Thị Quế Anh (2022), Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo. VNU Journal of Science: Legal Studies. Vol. 38, No. 3 (2022) 1-16;
- Nguyễn Văn Quân (2019), Một số tác động của Trí tuệ Nhân tạo tới nghề luật. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Số 12(388), T6/2019, (12-18) - ISSN.1859-2953.