Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam


Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang đã triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công tác xóa đói giảm nghèo tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay

Sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) đã có tác động tích cực đến việc phát triển của cả nước. Vùng đã có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước (NSNN), phát huy được nội lực và tạo điều kiện hỗ trợ cho các vùng khác phát triển.

Giai đoạn 2011 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Vùng tăng gần 7%. Cơ cấu kinh tế của Vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.

Các địa phương thuộc VKTTĐPN luôn có mức tăng GDP cao hơn bình quân chung cả nước và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất (gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương).

Riêng TP. Hồ Chí Minh được ví như “trụ cột phát triển” của cả Vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của VKTTĐPN. Đáng chú ý, VKTTĐPN là nơi tập trung số lượng các khu công nghiệp lớn nhiều nhất trong cả nước.

Tại vùng này có khu công nghệ cao, 2 khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, Công viên phần mềm Quang Trung và hàng chục khu công nghiệp thu hút khác như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Loteco, Amata (Đồng Nai), Sóng Thần, Việt Nam- Singapore, Việt Hương, Nam Tân Uyên, Mỹ Phước, Đồng An (Bình Dương), Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh)…

Đối với công tác giảm nghèo, các tỉnh trong Vùng xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế để thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Cụ thể, thời gian qua, cùng với triển khai chương trình giảm nghèo theo quy định chung, TP. Hồ Chí Minh còn chủ động ban hành 7 chính sách đặc thù về giảm nghèo với các chính sách thiết thực như: Hỗ trợ giảm học phí cho học sinh phổ thông học 2 buổi; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà…

Nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh như: Hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe miễn phí tại nhà, doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo, các đoàn thể chung tay với người nghèo. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo TP. Hồ Chí Minh đầu giai đoạn 2021 - 2025 (từ tháng 1-10/2021) là 58.019 hộ với 227.743 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,29%/tổng hộ dân TP. Hồ Chí Minh).

Tại Bình Phước, Tỉnh xác định công tác giảm nghèo phải đi trước một bước, bởi thực tế đồng bào đủ ăn mới an tâm bám đất, bám vườn. Vì vậy, tỉnh này đã thành lập ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của Tỉnh.

Các thành viên ban được kiện toàn hằng năm. Cùng với đó là việc ban hành nhiều chủ trương, quyết sách giảm nghèo mang tính chiến lược, dài hơi, phù hợp với đặc trưng riêng của Tỉnh. Đó là các chính sách định canh, định cư, cấp đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trồng casu tạo quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cây-con giống…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân; truyền dạy khoa học - kỹ thuật, tổ chức các mô hình trình diễn, tham quan học tập kinh nghiệm. Nhờ vậy, những năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn Tỉnh giảm được hơn 2.000 hộ nghèo và không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%. Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm, toàn Tỉnh giảm 2.211 hộ nghèo. Giai đoạn 2021- 2025, Bình Phước xác định mỗi năm giảm từ 2.000-2.500 hộ nghèo.

Còn tại Tây Ninh, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh này đã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo và coi đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Nhờ đó, các chính sách, chế độ được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp mang lại hiệu quả. Người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo trong Tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo từng bước cải thiện…

Hay tại tỉnh Bình Dương, với các chính sách giảm nghèo hiệu quả, đến nay, tỉnh này chỉ còn 3.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,31% tổng hộ dân. Việc giảm nghèo hiệu quả là nhờ lãnh đạo Tỉnh xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để giúp người dân dần thoát nghèo.

Hàng năm, Bình Dương tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh với các hộ nghèo để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ; từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến toàn xã hội, tạo nguồn lực lớn thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo trên địa bàn.

Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo đã giải quyết bớt phần nào khó khăn cho người nghèo, hộ nghèo. Vốn vay được giải quyết kịp thời, đúng mục đích nhằm giúp hộ nghèo đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.

Tại Long An, nhờ thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, đến cuối năm 2020, Tỉnh chỉ còn 2.083 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số hộ dân, giảm 7,47% so với đầu năm 2016. Bình quân mỗi năm, số hộ nghèo, cận nghèo giảm 1,49%. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh thoát nghèo là 2.008 hộ/1.770 hộ kế hoạch giao, đạt tỷ lệ 113,47%.

UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030; bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các địa phương còn khó khăn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Có thể thấy, Chương trình mục tiêu giảm nghèo của các địa phương trong Vùng đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nguồn lực to lớn thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo trên địa. Với việc triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo đã giải quyết bớt phần nào khó khăn cho người nghèo, hộ nghèo.

Mặc dù, đạt được kết quả nhất định, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo ở VKTTĐPN vẫn còn những hạn chế, đó là:

Thứ nhất, khoảng cách các nhóm dân cư nghèo nhất ở từng địa phương của Vùng như khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số miền núi... đang rất lớn và vẫn còn xu hướng gia tăng.

Thứ hai, thu nhập của khu vực sản xuất nông nghiệp ở tình trạng thấp và tăng chậm, trong khi người nghèo lại tập trung chủ yếu ở khu vực này. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn còn gặp khó khăn; một bộ phận không nhỏ người nghèo và địa phương nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa chủ động vượt lên để thoát nghèo.

Thứ ba, cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo chưa phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn bất cập nên không tạo được động lực để người nghèo chủ động thoát nghèo. Mức chi phí cho việc khám, chữa bệnh còn thấp; chính sách trợ cấp, trợ giá cũng còn bất hợp lý; mức vốn vay tín dụng ưu đãi còn thấp và chưa thật phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh... Những hạn chế này đã làm cho hiệu quả của chương trình xóa đói, giảm nghèo bị giảm bớt một phần.

Thứ tư, nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói, giảm nghèo trong Vùng còn khiêm tốn. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động huy động hoặc huy động chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn lực tại chỗ; chưa lồng ghép hài hòa các loại nguồn lực trên cùng địa bàn và chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các tổ chức, các cộng đồng và các cá nhân.

Thứ năm, việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương trong Vùng còn chưa đồng đều. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công tác ở một số địa phương vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực. Điều này dẫn tới việc theo dõi, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo còn hạn chế và chưa đồng bộ...

Giải pháp nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo tại VKTTĐPN, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương trong Vùng; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lồng ghép và đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại ở phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người nghèo.

Hai là, thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập. Mặt khác, các địa phương cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ.

Trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu lao động trong các cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn để dạy nghề cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm, tăng thu nhập.

Ba là, các địa phương trong Vùng tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu dân cư, đặc biệt ở xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư và hộ nghèo thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông điện, nước, thông tin liên lạc và phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí. Tăng cường dạy nghề cho vùng nông thôn, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên phát triển sản xuất, vượt qua nghèo đói, tiến tới làm giàu cho mình, cho đất nước.

Bốn là, thực hiện gắn kết giữa hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để tăng cường các dịch vụ xã hội; có biện pháp để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng. Trong đó, việc huy động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành các địa phương trong Vùng là rất quan trọng để hỗ trợ giảm các hộ nghèo.

Năm là, tăng cường tuyên truyền vận động, đồng thời ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của chương trình xóa đói, giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, sáng kiến giảm nghèo, mô hình giảm nghèo hiệu quả để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 47-48, 165;

2. Chính phủ (2008), Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo”;

3. Diệu Hằng (2021), Vai tr. dẫn đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/vai-tro-dan-dau-cua-vung-kinh-tetrong- diem-phia-nam/.

*Theo ThS. Phạm Thị Bích Ngần, ThS. Phạm Thị Kim Ngân, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2022.