Đấu giá trực tuyến: Hướng đi mới cho xử lý tài sản công

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việt Nam có đủ các điều kiện khả thi để xây dựng hệ thống bán đấu giá tài sản công qua mạng, một hình thức giao dịch mang lại hiệu quả cao cả về mặt kinh tế và quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là đánh giá của các chuyên gia Hàn Quốc tại dự án nghiên cứu về tính khả thi của hình thức bán đấu giá tài sản công trực tuyến tại Việt Nam.

Hiệu quả cao về kinh tế, quản lý

Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phối hợp với Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi hoạt động bán đấu giá tài sản công trực tuyến tại Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) năm 2015.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, các chuyên gia của KAMCO cho biết hệ thống đấu giá tài sản công trực tuyến của nước này mang tên Onbid đã được triển khai từ năm 2002. Việc xây dựng hệ thống bắt nguồn từ nhu cầu xử lý nợ xấu lớn của các doanh nghiệp sau khi Hàn Quốc trải qua cơn khủng hoảng. Cơ quan quản lý của nhà nước không đủ năng lực để xử lý lượng tài sản lớn. Chính vì vậy, Bộ Tài chính Hàn Quốc cùng KAMCO đã triển khai xây dựng hệ thống để nâng cao hiệu quả việc xử lý các tài sản công. KAMCO là đơn vị được Chính phủ Hàn Quốc ủy quyền thực hiện bán đấu giá tài sản công để thu hồi tiền về ngân sách.

Qua 13 năm thực hiện, hệ thống ngày càng được hoàn thiện với cả phiên bản cho điện thoại di động. Các loại tài sản đấu giá rất đa dạng, từ đất đai, nhà ở, xe cộ… cho đến các tài sản đã qua sử dụng, thương hiệu, quyền khai thác… Onbid đã được chứng minh là hệ thống đấu giá trực tuyến hiện đại, thông tin được công khai theo thời gian thực, đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện, đồng thời phục vụ cho hoạt động bán tài sản công thu hồi về cho ngân sách nhà nước.

Không chỉ xử lý tài sản công, OnBid cũng cho đấu giá tài sản của các cơ quan khác và thu lợi từ lệ phí tham gia. Chẳng hạn như cơ quan thuế thanh lý tài sản của đối tượng trốn thuế, công ty tài chính thanh lý nợ xấu của doanh nghiệp. Với sự thành công của hệ thống, từ tháng 10/2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thống đã bị huỷ bỏ, chuyển 100% các cuộc đấu giá sang hình thức trực tuyến.

Nhiều điều kiện khả thi để triển khai Onbid tại Việt Nam

Với kinh nghiệm triển khai Onbid, một năm qua các chuyên gia Hàn Quốc trong dự án KSP đã làm việc với DATC và nhiều cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, các ngân hàng… để thực hiện báo cáo tiền khả thi về bán đấu giá tài sản công trực tuyến tại Việt Nam.

Theo đánh giá, các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam phù hợp để triển khai hệ thống đấu giá trực tuyến. Riêng với các cơ quan của Bộ Tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin được đánh giá triển khai đồng bộ hơn so với các bộ ngành khác. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu tài sản công được triển khai tại Bộ Tài chính đang xử lý hàng nghìn tài sản công, với 4 trung tâm dữ liệu đang vận hành.

Tuy nhiên, dù hạ tầng CNTT được đánh giá cao nhưng năng lực ứng dụng CNTT và truyền thông của Việt Nam xét theo tiêu chí toàn cầu vẫn dưới mức trung bình và cần phải cải thiện nhiều. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới là cải thiện năng lực ứng dụng CNTT trong nghiệp vụ tại các cơ quan của Chính phủ. Do đó, theo các chuyên gia, việc triển khai Onbid sẽ rất phù hợp với mục tiêu chính sách này của Việt Nam.

Về cơ sở pháp lý, việc đấu giá tài sản công trực tuyến cơ bản dựa trên các quy định của phương thức đấu giá truyền thống. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Luật Đấu giá tài sản dự kiến thông qua vào năm 2016. Trong đó, đấu giá tài sản công trực tuyến là một hình thức đã được quy định trong dự thảo Luật. Do đó, việc đưa vào ứng dụng và vận hành hệ thống này tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Việc triển khai OnBid còn rất khả thi khi xem xét về yếu tố tài chính. Các khoản thu như lệ phí từ hoạt động đấu giá trực tuyến sẽ lớn hơn chi phí xây dựng, vận hành hệ thống. Không những vậy, đấu giá tài sản công cũng tiết kiệm nhân sự, thời gian xử lý, qua đó tiết kiệm được chi phí điều hành, quản lý tài sản công.

Cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cơ quan

Khuyến nghị cụ thể hơn về những bước đi để triển khai Onbid thành công, các chuyên gia quốc tế cho rằng, đầu tiên nên thực hiện với một số loại tài sản đang được Bộ Tài chính, DATC quản lý. Sau khi thành công và có những kinh nghiệm ban đầu, việc đấu giá có thể mở rộng cho nhiều loại tài sản và ứng dụng tại nhiều cơ quan, địa phương khác trong cả nước.

Đồng thời với việc xây dựng hệ thống, chủ thể vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến được đề nghị giao cho DATC. Theo các chuyên gia, DATC là đơn vị duy nhất đã có nhiều kinh nghiệm trong việc mua bán, xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, đấu giá các tài sản cần phải xử lý, do đó, đây sẽ là cơ quan phù hợp để trở thành chủ thể quản lý và vận hành dự án, tương tự như KAMCO tại Hàn Quốc.

Để tối đa hoá hiệu quả khi xây dựng hệ thống, việc tổ chức hội đồng đấu giá tài sản công (khi bán các tài sản quý, hiếm) cũng được đề nghị thu hẹp và tiến tới bãi bỏ vì nó đi ngược với các nguyên tắc khi triển khai bán đấu giá trên mạng. Hoạt động của hội đồng này sẽ hạn chế hiệu quả của việc đấu giá tài sản công, đặc biệt về tính minh bạch, về lợi ích kinh tế.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, việc xây dựng thành công hệ thống đấu giá tài sản công còn rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan. Sau quá trình nghiên cứu, làm việc với các cơ quan liên quan về đấu giá tài sản công, các chuyên gia nhấn mạnh “sự phối hợp, ủng hộ của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… là rất quan trọng để hỗ trợ xây dựng một hệ thống đấu giá tài sản tối ưu cho Việt Nam”.

Để triển khai Onbid thành công, các chuyên gia quốc tế cho rằng, đầu tiên nên thực hiện với một số loại tài sản đang được Bộ Tài chính, DATC quản lý. Sau khi thành công và có những kinh nghiệm ban đầu, việc đấu giá có thể mở rộng cho nhiều loại tài sản và ứng dụng tại nhiều cơ quan, địa phương khác trong cả nước.