Năm 2014: Triệt để quản lý chi ngân sách

Trang Trần

(Tài chính) Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Tài chính trong năm 2013 đồng thời cũng là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014.

Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014. Nguồn: internet
Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014. Nguồn: internet

Kết quả của những nỗ lực

Trong điều hành, mặc dù thu ngân sách khó khăn nhưng ngành Tài chính đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách tiền lương, an sinh xã hội nhưng mức chi luôn giữ ở mức hợp lý.

Tính đến ngày 31/12/2013, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát ở mức 5,3% GDP, nằm trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh. Tổng số kinh phí cắt giảm, giãn chi năm 2013 khoảng 22.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 13.700 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng.

Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc thật sự của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của ngành Tài chính trong công tác quản lý chi tiêu.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 với nội dung trọng tâm là yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên, tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013.

Bên cạnh đó, trước tình hình thu ngân sách khó khăn, ngay từ đầu năm, Bộ đã hướng dẫn các cơ quan trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành thu hồi các khoản kinh phí đến ngày 30/6/2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ, sử dụng không đúng quy đinh; dành tối thiểu 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Tiếp tục siết chặt

Tiếp tục phát huy những kết quả về thực hiện chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm đã đạt được trong năm 2013, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp chi trong năm 2014, cụ thể:

Một là, rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ đã ban hành, trên cơ sở đó lồng ghép, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng đảm bảo của ngân sách nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm.

Hai là, tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án trọng điểm, quan trọng; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015; bố trí hoàn trả các khoản vốn ứng trước; hạn chế tối đa khởi công mới các dự án, chỉ bố trí vốn cho các dự án cấp bách khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện trong phạm vi mức vốn được giao, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ba là, ngoài việc tập trung phân bổ, bố trí vốn đầu tư như trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bố trí trả đủ các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước đến hạn phải trả trong năm 2014; trả các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long đến hạn phải trả trong năm 2014. Đảm bảo bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu dự án, chương trình.

Đối với chi thường xuyên, sau khi đảm bảo tiền lương và các chế độ, chính sách an sinh xã hội đã được quyết định, bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc triệt để tiết kiệm; không bố trí kinh phí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); bố trí dự toán chi cho các nhiệm vụ tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đi công tác trong và ngoài nước...tối đa không quá 70% mức dự toán năm 2013; từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng biên chế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng phân bổ kinh phí có trọng tâm, trọng điểm cho các mục tiêu thật cần thiết; các đia phương chủ động lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, dự án khác có cùng nội dung, cùng thực hiện trên địa bàn để đạt mục tiêu chung, đàm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách nhà nước và huy động các nguôn lực họp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Năm là, đối với cho vay tín dụng ưu đãi, thực hiện soát xét theo hướng thu gọn các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế. Tiếp tục cho vay tín dụng ưu đãi đối với một số nhóm đối tượng nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.