Sửa chính sách cổ phần hóa, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu

Nguyễn Huy Long - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp

(Tài chính) Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2014, Nghị định 189/2013/NĐ-CP với 8 nội dung lớn được điều chỉnh sẽ góp phần hoàn thành 1 trong những giải pháp quan trọng và trọng tâm của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đó là triển khai thành công kế hoạch cổ phần hóa (CPH) các DN 100% vốn nhà nước.

Nghị định 189/2013/NĐ-CP khắc phục một số bất cập trong xác định giá trị quyền sử dụng đất. Nguồn: internet
Nghị định 189/2013/NĐ-CP khắc phục một số bất cập trong xác định giá trị quyền sử dụng đất. Nguồn: internet

Ngày 20/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Việc sửa đổi bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các DNNN thực hiện CPH đúng lộ trình.

Khắc phục bất cập trong xác định giá trị quyền sử dụng đất

Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của DN CPH đã thực hiện điều chỉnh quy định về nguyên tắc tất cả diện tích đất DN CPH đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền (trừ những trường hợp đặc biệt thì có cơ chế xử lý riêng).

Đối với những diện tích đất DN CPH đã được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN.

Giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao) xác định nhưng không thấp hơn bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định và công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm tính giá đất vào giá trị DN CPH theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với diện tích đất đã giao cho DN và DN đã sử dụng để góp vốn thành lập pháp nhân mới thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án CPH xem xét xử lý theo nguyên tắc: Chuyển giao cho DN 100% vốn nhà nước khác làm đối tác nếu được các đối tác góp vốn trong pháp nhân mới chấp thuận; hoặc DN tiếp tục kế thừa tính vào giá trị DN CPH.

Đối với diện tích đất còn lại DN CPH thực hiện hình thức thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị DN. Trường hợp DN đã được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nay thực hiện hình thức thuê đất thì phải hoàn tất thủ tục chuyển sang thuê đất.

Các quy định trên nhằm khắc phục bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các DN trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai thực hiện các quy hoạch, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, tránh thất thoát; khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá.

Phải đối chiếu toàn bộ công nợ

Theo quy định, DN CPH phải tiến hành đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định. Quy định này là phù hợp vì theo cơ chế quản lý tài chính  hiện hành thì DN phải thực hiện đối chiếu công nợ thường xuyên, định kỳ khi kết thúc năm tài chính (không chỉ khi CPH).

Tuy nhiên, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới, Nghị định đã điều chỉnh trong một số trường hợp do thời điểm CPH không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều, không kịp đối chiếu hết thì DN CPH phải báo cáo các Bộ, địa phương xem xét, xử lý theo hướng:

Đến thời điểm xác định giá trị DN có thể chấp thuận một số khoản công nợ có đầy đủ hồ sơ chưa được đối chiếu, xác nhận thì Hội đồng thành viên DN CPH phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm DN CPH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN xem xét, quyết định theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán; đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị DN cũng như phương án cổ phần hoá làm cơ sở bán đấu giá cổ phần.

Tại thời điểm DN CPH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ này vẫn chưa được đối chiếu, xác nhận thì xem xét, xử lý theo hướng: Đối với nợ phải trả DN đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ nhưng không xác nhận được chủ nợ thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước tương ứng và công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi chủ nợ yêu cầu.

Đối với nợ phải thu DN đã làm thủ tục đối chiếu nhưng vẫn chưa đối chiếu được thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm bồi thường đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Giá trị khoản nợ còn lại (sau khi bù trừ khoản bồi thường của các cá nhân, tập thể, quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN CPH.

Tháo gỡ khó khăn cho những DN đã CPH

Điểm đáng chú ý là quy định tháo gỡ khó khăn cho những DN đã CPH theo cơ chế trước đây gặp vướng mắc về việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị DN.

Theo Nghị định 189/2013/NĐ-CP thì đối với các DN đã xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê vào giá trị DN và hạch toán tăng phần vốn nhà nước tại DN khi xác định giá trị DN để CPH được cấp có thẩm quyền công bố giá trị DN theo quy định trước ngày Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực thì được khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp của DN CPH. Đối với các DN CPH theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP mà chưa tính giá trị lợi thế vị trí địa lý thì được áp dụng Nghị định số 59/20111/NĐ-CP  không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý và điều chỉnh vốn Nhà nước tại DN.

Với những nội dung điều chỉnh nêu trên sẽ góp phần hoàn thành một trong những giải pháp quan trọng và trọng tâm của quá trình tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 đó là triển khai thành công kế hoạch CPH các DN 100% vốn nhà nước.