Sửa đổi chính sách pháp lý để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán

Minh Lâm

Nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như chính sách pháp lý, theo ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Thị trường chứng khoán tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ 2. Ảnh: Internet
Thị trường chứng khoán tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ 2. Ảnh: Internet

Tổ chức FTSE Russell chính thức công bố Báo cáo Phân loại thị trường chứng khoán mới nhất. Theo đó, Việt Nam tiếp tục là thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong Danh sách theo dõi khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).

Lý do chưa nâng hạng thị trường

Theo đánh giá của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí “Chu kỳ Thanh toán (DvP)” và bị đánh giá là “Hạn chế” do thông lệ thị trường về việc kiểm tra sự sẵn có về vốn trước khi tiến hành giao dịch.

Ngoài ra, tổ chức này cho rằng, việc đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với các chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài cũng được coi là quan trọng.

Bên cạnh việc cập nhật những nội dung mới về mặt chính sách phát triển và quản lý thị trường, các tổ chức xếp hạng còn trao đổi trực tiếp với các thành viên thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam để đánh giá về việc áp dụng các chính sách, sự liên kết giữa các chính sách của các ngành, ví dụ như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngành nghề khác nhau.

Trong đánh giá mới nhất, FTSE Russell cũng ghi nhận một số hoạt động mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua, đó là việc tổ chức các cuộc thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ giữa các cơ quan quản lý thị trường có liên quan và các nhóm thành viên thị trường. Hệ thống giao dịch mới cũng đang được chạy kiểm thử nghiệm thu của người dùng bắt đầu từ tháng 2/2023 giữa Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) với các thành viên của mình.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiến trình nâng hạng

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết, UBCKNN đã chủ động tích cực rà soát các nội dung còn vướng mắc về nâng hạng, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên có liên quan để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại.

UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp để giải quyết hai vướng mắc chính về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài theo đánh giá của tổ chức xếp hạng.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, hiện tại, Việt Nam vẫn quy định phải đảm bảo đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch theo các quy định tại Thông tư số 120/2020/TT-BTC, trong khi các tổ chức xếp hạng “Không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”. Do vậy, phương án để có thể tháo gỡ được đặt ra thông qua việc triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch.

Hiện nay, VSDC và UBCKNN đã chuẩn bị 2 mô hình xây dựng CCP cho thị trường cơ sở. Mô hình 1 là khi ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ. Mô hình 2 là khi ngân hàng lưu ký không được chấp thuận là thành viên bù trừ.

“Trong thời gian qua, UBCKNN và VSDC đã tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để có các trao đổi kỹ thuật chi tiết nhằm tháo gỡ vướng mắc về quy định ký quỹ”, đại diện UBCKNN cho biết.

Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài, theo ông Vũ Chí Dũng, giải pháp được đưa ra là cần quy định rõ phương pháp xác định giới hạn sở hữu nước ngoài đối với từng ngành nghề kinh doanh. Trong đó, cần quy định rõ danh mục ngành nghề kinh doanh tương ứng với tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang được quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế và pháp luật chuyên ngành.

 

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như của các thành viên thị trường.

Vấn đề giới hạn về sở hữu nước ngoài không chỉ thuộc thẩm quyền của UBCKNN mà cần sự phối hợp nghiên cứu và giải quyết giữa các bộ, ngành khác nhau.

Trong thời gian qua, gỡ vướng cho vấn đề này, UBCKNN đã tổ chức một số cuộc họp với các tổ chức xếp hạng, thành viên thị trường, và các cơ quan quản lý ở các bộ, ngành để trao đổi đưa ra các phương án xử lý.

Ông Vũ Chí Dũng cho rằng, để gỡ vướng cho vấn đề giới hạn room ngoại, một trong những giải pháp trước mắt là triển khai NVDR. Việc quy định NVDR để giúp các nhà đầu tư nước ngoài muốn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng đã hết room ngoại hoặc thuộc ngành nghề có điều kiện. Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đã đặt ra quy định khung liên quan đến NVDR, tạo tiền đề cho việc xây dựng khung pháp lý để triển khai sản phẩm sau này.

Bên cạnh đó, để triển khai sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cần phải chuẩn bị về hệ thống giao dịch, cơ chế vận hành cũng như các quy định hướng dẫn cụ thể… Thông qua Chương trình Phát triển thị trường vốn chung (J-CAP), Ngân hàng Thế giới hiện đang hỗ trợ UBCKNN tìm kiếm chuyên gia xây dựng Đề án Nghiên cứu NVDR cho thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, giải pháp triển khai cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room ngoại cũng được nghiên cứu. Đây là giải pháp cung cấp các thông tin về các giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả thông tin về giá, theo sát với thời gian thực.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cần thiết của các Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán.