Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế

PV.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Quản lý thuế hiện hành, đồng thời, sửa đổi theo hướng hiện đại, thống nhất và phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết. Nguồn: internet
Ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết. Nguồn: internet

Tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động quản lý thuế

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khi hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, phải tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế đã có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết Hiệp định thuế đa phương, triển khai BEPS...

Bên cạnh đó, Luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hoá quản lý thuế mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.

Các quy định về thủ tục quản lý thuế, từ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế đến thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản lý thông tin về người nộp thuế... trong Luật quản lý thuế hiện hành cơ bản được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống đã bộc lộ những bất hợp lý cản trở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ và tiến trình hiện đại hóa quản lý thuế.

Trong quá trình thực hiện quản lý thu thuế, các quy định liên quan đến chính sách quản lý thu theo các Luật thuế đã thay đổi hoặc ban hành mới chưa được quy định đồng bộ trong Luật Quản lý thuế dẫn đến những hạn chế trong công tác tổ chức thu thuế.

Bởi vậy, ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động quản lý thuế, áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế

Bộ Tài chính cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

Theo đó, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước.

Theo dự thảo Tờ trình, một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi trong Luật Quản lý thuế là ấn định thuế. Theo Bộ Tài chính, thực tế trong những năm gần đây và đến nay vẫn còn tình trạng người nộp thuế mua bán hàng hoá trôi nổi trên thị trường với giá thấp, để hợp thức hoá hàng hoá mua vào trước đó không có hoá đơn với giá cao hơn nhằm mục đích giảm số thuế GTGT phải nộp, hoặc tăng số thuế GTGT được hoàn và giảm số thuế TNDN phải nộp. Bởi vậy, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm trường hợp ấn định thuế để bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn đối với trường hợp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hợp thức cho hoá hàng hoá mua vào, bán ra.

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi về quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Theo Bộ Tài chính, loại hình kinh doanh này ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo cách quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp hiện nay, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh này do giao dịch thương mại điện tử có những đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, tính rộng lớn, tính quốc tế, dễ dàng tiếp nhận, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi.

Hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Đây cũng là một khó khăn cho ngành thuế trong việc quản lý thuế đối với các mạng nước ngoài kinh doanh theo hình thức thông qua mạng internet.

Bởi vậy, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đạt được hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam. Đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook, Apple...) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân bán hàng qua mạng như phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới. Bộ Tài chính đề xuất mức thu đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 01 triệu đồng/lần trở lên thì thu thuế GTGT và thuế TNCN theo một tỷ lệ (%), không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 01 triệu đồng/lần. Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 01 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế GTGT và TNCN theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi nhiều chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuế; thủ tục khai thuế; Sửa đổi khai bổ sung hồ sơ khai thuế để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và đồng bộ với pháp luật về hải quan; Sửa đổi về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo hướng khoản nợ nào phát sinh trước được thanh toán trước, không phân biệt nội dung khoản nợ; Sửa đổi quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Tăng cường chức năng kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo cơ chế quản lý rủi ro, bổ sung chức năng điều tra thuế để phù hợp với tình hình mới…

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung ba lần tại: Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.