Sửa đổi quy định về phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Trần Huyền

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 156/2016/TT-BTC ngày 21/10/2016 quy định phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ảnh minh họa.Nguồn: internet
Ảnh minh họa.Nguồn: internet

Theo Bộ Tài chính, ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, trong đó tổ chức lại “Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng” thành “Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia”.

Do đó, để đảm bảo đồng bộ với pháp luật chuyên ngành và không phải sửa đổi Thông tư thu phí, lệ phí (chỉ sửa tên tổ chức thu phí, lệ phí) khi các Bộ giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tại Thông tư thu phí quy định tổ chức thu phí theo hướng căn cứ quy định pháp luật chuyên ngành (Luật, Nghị định) về cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể tên đơn vị (Cục, Tổng cục) trực thuộc các Bộ thực hiện cung cấp dịch vụ công thì Thông tư thu phí, lệ phí quy định cụ thể tên các đơn vị (Cục, Tổng cục) là tổ chức thu phí, lệ phí.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định các Bộ thực hiện cung cấp dịch vụ công thì Thông tư thu phí, lệ phí quy định Bộ hoặc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ được giao thực hiện dịch vụ công theo quy định pháp luật là tổ chức thu phí, lệ phí.

Tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định, Bộ Công Thương thực hiện cung cấp dịch vụ công. Do đó, quy định về tổ chức thu phí, lệ phí theo trường hợp 02 nêu trên.

Theo đó, dự thảo quy định, tổ chức thu phí theo quy định gồm: Bộ Công Thương hoặc cơ quan nhà nước thuộc Bộ Công Thương được giao thực hiện thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật.

Về quản lý và sử dụng phí, dự thảo Thông tư thay thế quy định, tổ chức thu phí được trích để lại 90% trên tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Số tiền phí còn lại (10%), tổ chức thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định về hình thức thu, nộp, kê khai phí, lệ phí theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC. Đồng thời, sửa đổi về tổ chức thực hiện theo hướng trích dẫn quy định in, phát hành chứng từ thu phí, lệ phí thực hiện theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.