Nhiều ưu đãi về thuế, phí, lệ phí với phát triển nhà ở xã hội
Việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Nhà nước quan tâm. Chính sách thuế, phí và lệ phí theo đó đã có nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, việc triển khai các chính sách về phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả nhất định. Tổng số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai từ trước tới nay trên toàn quốc đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội, đang triển khai 401 dự án.
Kết quả nêu trên là đáng ghi nhận, góp phần hỗ trợ hàng trăm ngàn hộ gia đình có nhà ở và có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng cũng như mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tại Việt Nam, mô hình phát triển nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là thông qua các dự án của doanh nghiệp. Theo đó, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, trong đó có pháp luật về thuế, phí và lệ phí nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Theo Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện dự án bất động sản, dự án nhà ở, khu đô thị được quy định tại hơn 10 Luật khác nhau, trong đó có pháp luật về thuế. Pháp luật về thuế hiện hành đã có nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Đã có nhiều ưu đãi về thuế, phí, lệ phí
Về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), trước ngày 01/7/2013, theo quy định tại Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các loại nhà ở (bao gồm cả nhà ở xã hội) là 10%.
Để tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội, ngày 19/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Theo đó, Luật đã quy định, từ ngày 01/7/2013, áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội, giảm 5% so với mức thuế suất 10% trước đó. Đây cũng là mức thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất phổ thông 10%.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 14, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ. Như vậy, chính sách thuế GTGT đã có ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế TNDN hiện hành đã có quy định ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Luật nhà ở được áp dụng thuế suất 10%. Đây là mức thuế suất ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế TNDN (pháp luật thuế TNDN hiện hành chỉ có các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17%).
Ngoài ra, các tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình nêu trên; bể chứa nước sạch, nhà để xe; xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động... được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo đó, chính sách thuế TNDN hiện hành đã có quy định về ưu đãi thuế TNDN ở mức cao đối với dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động trong và ngoài KCN nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà và cho người lao động ở miễn phí.
Đối với cá nhân người lao động cũng không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng đã có ưu đã cho nhà ở xã hội. Theo Bộ Tài chính, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành đã có các quy định cụ thể về ưu đãi miễn, giảm thuế ở mức cao nhất đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo quy định của Luật đầu tư thì xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư sẽ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế ở mức cao nhất.
Ngoài các chính sách nêu trên, chính sách lệ phí trước bạ (LPTB) hiện hành cũng quy định miễn LPTB đối với: Đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng, bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng; Nhà, đất được bồi thường, tái định cư (kể cả nhà, đất mua bằng tiền được bồi thường, hỗ trợ) khi Nhà nước thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, trong những năm qua, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan (pháp luật về nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản...). Các ưu đãi về chính sách thuế, phí, lệ phí là giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cả về cung và cầu, góp phần thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung, kinh tế địa phương nói riêng, khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đất nước, nhất là các đối tượng là các đối tượng khó khăn về nhà ở, công nhân khu công nghiệp, người lao động nghèo.