Tác động của Năng lực phân tích dữ liệu lớn và hệ thống thông tin kế toán năng động đến hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn

PGS. TS. Phạm Quang Huy - Khoa Kế toán, Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh ThS. Vũ Kiến Phúc - Khoa kế toán, Phân hiệu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu tác động của Năng lực phân tích dữ liệu lớn (BDAC) đến hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn (CEP), đồng thời cũng hướng đến việc khám phá vai trò của năng lực hệ thống thông tin kế toán năng động (DAISC) trong mối quan hệ giữa BDAC và CEP. Bằng việc sử dụng phương pháp mô tả thông qua việc thu thập các tài liệu được công bố trên thế giới, kết quả nghiên cứu cho thấy, BDAC có tác động tích cực đến CEP. Đồng thời, DAISC đóng vai trò là yếu tố trung gian trong mối quan hệ giữa BDAC và CEP. Dựa trên kết quả thu được, bài viết đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm cải thiện và nâng cao CEP tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) ngày càng nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, học giả và các nhà hoạch định chính sách như một cách tiếp cận thực tế để giải quyết những thách thức hiện tại có liên quan đến vấn đề bền vững và chuyển đổi từ mô hình sản xuất và tiêu dùng tuyến tính thành mô hình quản lý tài nguyên tuần hoàn.

Các học giả cho rằng, việc triển khai KTTH đang diễn ra ở ba cấp độ khác nhau, bao gồm cấp độ vĩ mô, trung bình và vi mô. Mặc dù, khu vực công và khu vực tư nhân được nêu bật là những tác nhân chính trong quá trình chuyển đổi KTTH, phần lớn các nghiên cứu về KTTH ở cấp độ vi mô của các tổ chức tập trung vào các công ty tư nhân, trong khi khu vực công dường như chủ yếu được xem xét ở cấp độ vĩ mô (các chính sách và quy định). Cùng với đó, các nghiên cứu về việc áp dụng KTTH trong các tổ chức tại khu vực công vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ các nhà nghiên cứu.

Một trong những rào cản khiến các tổ chức gặp nhiều khó khăn khi triển khai KTTH xuất phát từ việc thiếu thông tin hữu ích (Gupta và cộng sự, 2019). Trong bối cảnh đó, phân tích dữ liệu lớn (BDA) giúp các tổ chức đạt được mục tiêu này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, BDA là một cách tiếp cận hiệu quả giúp các tổ chức ra quyết định đúng đắn về các chiến lược và hành động trong quá trình thực hiện KTTH. Đồng thời, BDAC cũng được chứng minh sẽ góp phần đáng kể trong việc giúp tổ chức thực hiện KTTH. Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa BDAC và KTTH trong bối cảnh các đơn vị thuộc khu vực công vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa thực hiện KTTH và công tác kế toán đã được thực hiện bởi các học giả trên thế giới. Đáng chú ý, những lợi thế của hệ thống thông tin kế toán năng động vốn được xem là một trong những mối quan tâm của nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Theo Al-Matari và cộng sự (2022), các thành phần trong DAISC tác động đáng kể đến hiệu suất thực hiện các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho tổ chức đạt được sự phát triển theo định hướng bền vững. Mặt khác, việc áp dụng mô hình KTTH tại các tổ chức được cho rằng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức đạt được sự phát triển theo định hướng bền vững. Do đó, những đơn vị có tiềm năng về DAISC càng cao sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thực hiện KTTH. Xuất phát từ những phân tích nêu trên, bài viết này hướng đến việc giải quyết các câu hỏi như: BDAC có tác động như thế nào đến CEP? DAISC có vai trò gì trong mối quan hệ giữa BDAC và CEP?

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết năng lực động (DCT): DCT được xây dựng với mục tiêu khắc phục một số hạn chế của lý thuyết phụ thuộc nguồn lực. DCT cung cấp những hiểu biết sâu sắc về vai trò quan trọng của năng lực trong việc nâng cao hiệu suất hoạt động của tổ chức (Teece và cộng sự, 1997). Theo DCT, tất cả các tổ chức nên tích hợp, trau dồi và tái cấu trúc các nguồn lực bên trong và bên ngoài để đáp ứng với những thay đổi của môi trường nhằm nâng cao năng lực cốt lõi (Teece và cộng sự, 1997). DCT đã được vận dụng trong nhiều nghiên cứu trước đây nhằm làm sáng rõ cách thức nhà lãnh đạo sử dụng nguồn lực để thực hiện các chiến lược để đạt được hiệu suất tối ưu. Do đó, DCT được đánh giá là nền tảng lý thuyết phù hợp để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc vận dụng KTTH trong các tổ chức vì việc vận dụng khung lý thuyết này cho phép nhà nghiên cứu và những người làm thực tiễn nắm bắt được các chiến lược cần thực hiện để đạt mục tiêu hoạt động của đơn vị trong môi trường kinh doanh năng động.

Kinh tế tuần hoàn: KTTH được coi như là một chiến lược tách rời tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên (Govindan và Hasanagic, 2018), một cơ chế để duy trì các giá trị bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh các đơn vị công, mô hình KTTH được vận dụng trong các hoạt động thu mua, tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ có liên quan đến người sử dụng dịch vụ, bên liên quan bên trong và bên liên quan bên ngoài đơn vị (Klein và cộng sự, 2022).

Năng lực phân tích dữ liệu lớn (BDAC): được xem là một nguồn lực đặc thù của tổ chức, có thể giúp khắc phục nghịch lý dữ liệu lớn và giúp tổ chức đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững trong môi trường dữ liệu lớn. Theo Wamba và cộng sự (2020), BDAC được xem như một quy trình tổng thể, bao gồm việc thu thập, phân tích, sử dụng và giải thích dữ liệu cho các bộ phận chức năng khác nhau để đạt được những hiểu biết có thể ứng dụng vào hoạt động thực tiễn tại đơn vị để tạo ra giá trị kinh doanh và thiết lập lợi thế cạnh tranh.

Năng lực hệ thống thông tin kế toán năng động (DAISC): Đề cập đến khả năng của tổ chức trong việc tích hợp, xây dựng và cấu hình lại các năng lực của tổ chức để nhanh chóng xây dựng lại các quy trình và hoạt động kế toán (Prasad và Green, 2015). Do đó, DAISC có thể được phát triển từ sự tương tác tích cực giữa hệ thống thông tin kế toán và các năng lực liên quan của tổ chức (Prasad và Green, 2015). Theo Al-Matari và cộng sự (2022), DAISC là kết quả của sự kết hợp của 3 thành phần, bao gồm hệ thống thông tin kế toán linh hoạt, quy trình kinh doanh năng động và năng lực nguồn nhân lực liên quan đến hệ thống thông tin kế toán.

Phương pháp và kết quả nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được những mục tiêu đề ra, nghiên cứu hiện tại vận dụng phương pháp mô tả thông qua việc thu thập các tài liệu được công bố trên thế giới có liên quan đến dữ liệu lớn, BDAC, hệ thống thông tin kế toán và KTTH.

Kết quả nghiên cứu

Tác động của năng lực phân tích dữ liệu lớn đến hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn

Vai trò của BDAC trong việc hỗ trợ tổ chức nâng cao năng lực đổi mới và đưa ra các quyết định hiệu quả trong quá trình hoạt động đã được thừa nhận bởi nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Vì BDAC đóng vai trò là một công cụ để quản lý tài nguyên, cải thiện quy trình xử lý chất thải, giảm thời gian sản xuất và tối đa hóa mức tiêu thụ năng lượng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nên việc áp dụng BDAC cho phép các đơn vị tối ưu hóa hoạt động sản xuất và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu người sử dụng và bên liên quan. Theo Jabbour và cộng sự (2019), BDA tạo thành một công cụ hỗ trợ cho việc ra quyết định trong quá trình thực hiện KTTH tại đơn vị thông qua việc tạo điều kiện cho tổ chức tích hợp các quy trình và chia sẻ nguồn lực. Tương tự, những phát hiện thu được trong nghiên cứu của Gupta và cộng sự (2019) đã cho thấy, BDAC cung cấp hỗ trợ đáng kể để truy xuất thông tin cần thiết để hỗ trợ tổ chức đưa ra các quyết định sáng suốt trong thực hiện các hoạt động kinh doanh theo các nguyên tắc của KTTH. Trên sơ sở đó, BDAC đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình quá trình ra quyết định của các tổ chức, từ đó, giúp tổ chức cải thiện và nâng cao CEP. Do đó, BDAC sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính sự nghiệp đạt được năng lực vượt trội trong việc thu thập, phân tích, sử dụng và truyền đạt thông tin cho các bộ phận chức năng khác nhau trong đơn vị để đạt được những hiểu biết và thực hiện KTTH một cách có hiệu quả. Nói cách khác, BDAC có tác động tích cực đến CEP.

Vai trò của năng lực hệ thống thông tin kế toán năng động trong mối quan hệ giữa năng lực phân tích dữ liệu lớn và hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn

Sự phát triển và tồn tại của tổ chức phụ thuộc vào năng lực của tổ chức trong việc đảm bảo sử dụng hiệu quả dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để đạt được các mục tiêu chiến lược và hoạt động của tổ chức (Qadir và cộng sự, 2016). Hệ thống thông tin kế toán là một yếu tố quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức đối phó với môi trường bên ngoài và bên trong cũng như giúp cho tổ chức có thể dự đoán, chuẩn bị, ứng phó và thích nghi với những thay đổi bất ngờ từ môi trường kinh doanh. Việc vận dụng dữ liệu lớn sẽ cho phép các đơn vị thực hiện phân tích dữ liệu, tổ chức và xử lý thông tin để đảm bảo việc ra quyết định hiệu quả trong bất kỳ tình huống nào.

Ngoài ra, việc áp dụng BDAC sẽ cung cấp cho hệ thống thông tin kế toán khả năng đưa ra dự đoán chính xác về các cơ hội kinh doanh, rủi ro tiềm ẩn, dự báo tình hình tài chính cũng như ngăn ngừa gian lận tài chính (Omitogun và Al-Adeem, 2019). Do đó, việc tăng cường đầu tư vào công nghệ sẽ giúp tổ chức tối ưu hóa hoạt động của hệ thống thông tin kế toán linh hoạt, quy trình kinh doanh năng động và nâng cao năng lực nguồn nhân lực vận hành hệ thống thông tin kế toán. Thông qua đó, quy trình kế toán của tổ chức cũng từng bước được cải thiện và nâng cao, từ đó, giúp cho nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định một cách hiệu quả để phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa bên ngoài và bên trong cũng như xác định các cơ hội và rủi ro trong các tình huống kinh doanh.

Dựa theo phân tích trên, các đơn vị hành chính sự nghiệp với BDAC cao sẽ có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng của DAISC nhằm giúp các đơn vị này xác định các mối đe dọa và cơ hội để xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động nhằm cải thiện và nâng cao CEP. Nói cách khác, để phát huy tiềm năng của BDAC trong việc cải thiện và nâng cao CEP, các đơn vị hành chính sự nghiệp cần trang bị DAISC. Do đó, DAISC sẽ đóng vai trò là yếu tố trung gian trong mối quan hệ giữa BDAC và CEP.

Hàm ý quản trị

Kết quả phân tích thu được trong nghiên cứu hiện tại đã chứng minh việc không ngừng nâng cao BDAC sẽ góp phần cải thiện và nâng cao CEP tại các đơn vị hành chính sự nghiệp. Kết quả này cũng góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của BDAC trong việc cải thiện và nâng cao CEP cho những nhà quản lý tại các đơn vị công nói chung và các đơn vị hành chính sự nghiệp nói riêng, từ đó, giúp cho nhà quản lý xây dựng những định hướng chiến lược và kế hoach hành động phù hợp với đặc điểm tại đơn vị.

Ngoài ra, kết quả phân tích trong nghiên cứu này cũng nhấn mạnh vai trò trung gian của DAISC trong mối quan hệ giữa BDAC và CEP. Theo Prasad và Green (2015), các tổ chức sẽ thất bại khi bỏ qua việc thiết lập và vận hành hệ thống thông tin kế toán năng động. Do đó, nhà quản lý các đơn vị công nói chung và các đơn vị hành chính sự nghiệp nói riêng cần xây dựng các giải pháp phù hợp để từng bước thiết lập hệ thống thông tin kế toán năng động, quy trình kinh doanh năng động cũng như có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Kết quả nghiên cứu còn đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc xây dựng và ban hành các chính sách có liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và thực hiện KTTH tại các đơn vị công nói chung và các cơ quan hành chính sự nghiệp nói riêng.

Đáng chú ý, kết quả thu được trong nghiên cứu này còn giúp cho những đơn vị cung cấp các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có những định hướng trong việc thiết kế và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ phù hợp với yêu cầu của các đơn vị công nói chung và các đơn vị hành chính sự nghiệp nói riêng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Al-Matari, A.S., Amiruddin, R., Aziz, K.A., và Al-Sharafi, M.A. (2022), The Impact of Dynamic Accounting Information System on Organizational Resilience: The Mediating Role of Business Processes Capabilities. Sustainability, 14, 1-22. doi: 10.3390/su14094967;
  2. Govindan, K., và Hasanagic, M. (2018), A systematic review on drivers, barriers, and practices towards circular economy: a supply chain perspective. International Journal of Production Research, 56(1-2), 278–311. doi:10.1080/00207543.2017.1402141;
  3. Gupta, S., Chen, H., Hazen, B. T., Kaur, S., và Santibañez Gonzalez, E. D. R. (2019), Circular economy and big data analytics: A stakeholder perspective. Technological Forecasting and Social Change, 144, 466-474. doi:10.1016/j.techfore.2018.06.030;
  4. Klein, N., Ramos, T.B. và Deutz, P. (2022), Advancing the Circular Economy in Public Sector Organisations: Employees’ Perspectives on Practices. Circular Economy and Sustainability, 2, 759–781. doi: 10.1007/s43615-021-00044-x.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023