Tác động của vốn ngoại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Hơn 2 năm trước, chứng khoán Maybank Kimeng luôn khuyên nhà đầu tư (NĐT) từ cá nhân, đến tổ chức không nên tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, do nhận thấy sự thay đổi đến "kinh ngạc" của chứng khoán Việt Nam, nên dòng vốn ngoại đã quay lại thị trường. Do vậy, chứng khoán đã tăng trưởng rất mạnh, khi giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài lên tới 12 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm trước.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Nguồn: internet
Từ đầu năm 2014 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Nguồn: internet
Theo phân tích của ông Ong SengYeow, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng, do giá trị đồng tiền Việt Nam khá ổn định so với USD, nên niềm tin của NĐT nước ngoài đã trở lại mạnh mẽ và đánh cược vào thị trường cổ phiếu để hưởng lợi nhuận.

Thực tế, trong năm 2013, khi thị trường Mỹ giảm gói cứu trợ, kích thích nền kinh tế, hàng loạt thị trường mới nổi bị rút vốn ra và sụt giảm mạnh, trong đó có cả Việt Nam. Tuy nhiên, sang đến quý IV/2013, nguồn vốn ngoại trên thị trường Việt Nam đã mạnh mẽ góp phần đưa chứng khoán thăng hoa.

Đảo chiều dòng vốn

Dòng vốn đảo ngược này đã hoạt động mạnh mẽ khi chảy mạnh vào thị trường Việt Nam so với các nước trong khu vực. NĐT tăng cường mua chứng chỉ quỹ ETF tại Việt Nam, dẫn đến vốn hoá tăng mạnh.

Điều đó chứng tỏ quỹ đầu tư nước ngoài lại kỳ vọng tăng trưởng vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, trong đó có nguyên nhân là việc tái cấu trúc nền kinh tế đến năm 2013 đã mang lại hiệu quả nhất định. Chính sách tài khóa thắt chặt khiến lạm phát giảm, làm cho tích lũy ngoại hối tăng cao, cộng với các gói kích thích tín dụng, bất động sản, giảm thuế thu nhập… cùng thúc đẩy thị trường đi lên.

Xu hướng mà các quỹ lớn nhìn vào tin tưởng chính sách đầu tư vào Việt Nam, đang thâm hụt khoảng 5% so với GDP. Để điều chỉnh thâm hụt là phải tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và xử lý nợ xấu rất quyết liệt trong thời gian tới.

Với những dấu hiệu hiện nay, kỳ vọng mức GDP sẽ tăng trưởng 7% trong tương lai không xa. Dòng tiền vào thị trường mới nổi sẽ hồi phục, với nhiều lạc quan. Hơn nữa, định giá của thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn các NĐT nước ngoài.

Mặc dù, không đánh giá mọi chuyển biến của kinh tế Việt Nam đã tốt hơn những nền kinh tế mới nổi khác, nhưng ông Seng Yeow cho rằng NĐT tổ chức nước ngoài đang quan tâm đến thị TTCK Việt Nam.

Chỉ báo rõ nhất là sự dịch chuyển dòng tiền từ một số nước mới nổi vào chứng khoán Việt Nam năm 2014. Hiện các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) đã không rút khỏi Việt Nam, mà thậm chí vốn hóa của các quỹ này còn tăng mạnh.

Theo phân tích, dấu hiệu rút ra khỏi các thị trường mới nổi thường có chu kỳ khoảng 40 - 50 tuần, nên có thể thì dòng vốn sẽ sớm quay lại. Ông Seng Yeow cho rằng NĐT nước ngoài kỳ vọng Việt Nam sẽ xử lý được trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.

Cơ hội giải ngân của dòng vốn ngoại trong thời gian này ở khu vực châu Á rất ít như Thái Lan có khủng hoảng về chính trị, Indonesia sẽ bầu cử lại trong tháng 4, 5, thị trường Philippines đang bị định giá quá cao, Singapore ít cổ phiếu tăng trưởng mà giá rẻ, thì cơ hội của Việt Nam rất lớn.

Việt Nam cần nhanh chóng cho áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) để tăng thanh khoản thị trường giống như Thái Lan đã áp dụng thành công, qua đó kéo thêm dòng vốn nước ngoài.

Vấn đề cổ phần hóa DNNN cũng được NĐT nước ngoài trông mong, vì sẽ giúp tăng thêm hàng hóa trên TTCK Việt Nam, giúp NĐT nước ngoài có thêm nhiều lựa chọn.

Cẩn trọng lựa chọn cổ phiếu

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Theo MBKE, diễn biến mua ròng của khối ngoại vẫn đang đi theo chiều hướng tăng dần kể từ giữa năm 2013 đến nay.

Chính phủ đã thi hành các biện pháp nhằm giảm sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế, giúp cho sự tăng trưởng đi theo hướng bền vững hơn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, quỹ ETF đã tăng mạnh hơn 27% trong khi chỉ tiêu này cả năm 2013 chỉ tăng 24,3%.

Họ tiếp tục kỳ vọng Việt Nam sẽ được lợi khi TPP được thông qua do thuế suất giảm sâu. Dòng vốn FDI sẽ gia tăng để tận dụng lợi thế mới khi Việt Nam gia nhập TPP.

Tuy nhiên, dù kinh tế có rất nhiều tín hiệu khả quan đã xuất hiện, bức tranh chung vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á khác đang ở vào giai đoạn tăng trưởng chậm. Bất động sản kỳ vọng sẽ phục hồi, nhưng chủ yếu là phân khúc nhà ở bình dân, vì vậy lợi tức đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng không cao.

Theo Phòng phân tích MBKE khuyến nghị, NĐT mua và nắm giữ cổ phiếu một cách thận trọng vì điểm đảo chiều đã nhen nhóm xuất hiện. Không nên mua bán liên tục quá nhiều mã trong giai đoạn này mà chờ đợi dấu hiệu đảo chiều để chốt lời nhanh chóng.

Các nhóm ngành được MBKE khuyến nghị nên mua trong thời gian tới gồm dầu khí, dệt may, tiêu dùng. Đây là những ngành được đánh giá sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai.

Cũng theo khuyến cáo của MBKE, cổ phiếu các ngành cần xem xét bán gồm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản (phân khúc cao cấp). Ngân hàng được khuyến nghị bán vì Nhà nước đang thực hiện giải quyết nợ xấu. Động thái này đi đúng hướng nhưng cần phải có thời gian.

Về dài hạn, có thể xem xét mua vào cổ phiếu một vài ngân hàng như VCB và MBB. Đây là 2 ngân hàng có quản lý rủi ro tốt trong hệ thống ngân hàng, vì vậy trong dài hạn có triển vọng hơn.

Theo MBKE, để tạo nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới, cần cải thiện rủi ro tín dụng, đẩy mạnh gói hỗ trợ giải ngân ra thị trường, nâng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài...