Tác động từ nhân khẩu học đến hành vi quản lý tài chính của khách hàng cá nhân tại tỉnh An Giang
Nghiên cứu xác định mức độ tác động của nhân tố nhân khẩu học đến hành vi quản lý tài chính của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn 200 khách hàng cá nhân. Kết quả có 190 bảng câu hỏi đạt yêu cầu và được làm sạch, mã hóa và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả cũng đưa ra kết luận và kiến nghị giúp khách hàng cá nhân nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, phát huy những lợi thế, những biện pháp phù hợp về cách thức quản lý tài chính của mình.
Giới thiệu
Tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân, các gia đình mà còn đối với tổng thể nền kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức về quản lý tài chính sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cá nhân nói riêng; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, cũng như sự phát triển bền vững của xã hội nói chung.
Đối với cá nhân, việc quản lý tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong suốt hành trình cuộc sống của họ. Với sự quan tâm về tình hình tài chính của mình, có kế hoạch cụ thể cho tương lai, các cá nhân sẽ tránh được những sai lầm trước các quyết định tài chính, xa hơn nữa họ sẽ có các con đường ngắn nhất để đạt được các kế hoạch về tài chính trong tương lai. Việc quản lý tài chính cá nhân tốt sẽ giúp các cá nhân vượt qua những giai đoạn khó khăn, giúp họ tránh những tình huống bấp bênh không đáng có trong cuộc sống. Hơn nữa, quản lý tài chính cá nhân còn giúp các cá nhân có thể tăng lượng tài sản một cách hiệu quả; ngăn ngừa sự suy giảm của tài sản trong trường hợp xấu và ổn định cho việc tiêu dùng của bản thân họ.
Để tạo nên sự vững vàng về tài chính, các cá nhân cần có kế hoạch “chi tiêu ít hơn thu nhập”. Tuy nhiên, để quản lý tài chính tốt không chỉ đơn giản là biết cách chi tiêu và sử dụng nguồn tài chính do mình tạo ra, mà việc quản lý tài chính còn bao gồm cả kế hoạch phân chia chi tiêu khoa học, xây dựng quỹ tiết kiệm, lựa chọn các kênh đầu tư hiệu quả. Do đó, tài chính cá nhân cần phải quản lý một cách hợp lý. Việc cải thiện cách thức quản lý tài chính quan trọng hơn là tăng các khoản thu nhập; lập kế hoạch sử dụng thu nhập phù hợp cho hôm nay và tương lai nhằm tạo ra sự cân bằng giữa tiêu dùng và tiết kiệm và phát triển chất lượng cuộc sống, phát triển hạnh phúc gia đình (Deacon và Firebaugh, 1988)
Xuất phát từ tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, nghiên cứu tập trung xác định rõ tác động của nhân tố nhân khẩu học đến hành vi quản lý tài chính của khách hàng cá nhân. Từ đó đề xuất một số kiến nghị giúp các khách hàng cá nhân khắc phục những hạn chế, phát huy những lợi thế, những biện pháp phù hợp về cách thức quản lý tài chính của mình. Ngoài ra còn là cơ sở tham khảo cho các doanh nghiệp trong việc bán hàng trả góp và tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động cho vay khách hàng cá nhân.
Cơ sở lý thuyết
Nhân khẩu học (Demographic) là số liệu giúp phân chia các đặc điểm của một nhóm người ví dụ như độ tuổi, thu nhập, chủng tộc, giới tính, quốc tịch… nhằm xác định phân khúc thị trường và giúp thương hiệu tìm ra đối tượng khách hàng cho mình. Trong bản kế hoạch marketing, thương hiệu thường dùng Demographic để tìm những đặc điểm nhận dạng khách hàng như nhóm tuổi (già hay trẻ), giới tính, thu nhập bình quân. Ngoài ra, các thương hiệu ưa thích sử dụng nhân khẩu học cùng với geographic và psychographic để hiệu quả tạo phân khúc khách hàng tốt hơn nhưng demographic vẫn được chú trọng nhất.
Quản lý tài chính
Quản lý tài chính là khái niệm bao gồm các cá nhân và gia đình cố gắng hoàn thành mục tiêu của họ bằng sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của gia đình (Deacon và Firebaugh, 1988; Kerkmann, Lee, Lown, và Allgood, 2000). Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết giải thích các hành vi quản lý tài chính là tiết kiệm và tiêu dùng. Qua đó, quan điểm lý thuyết nghiên cứu của tác giả là các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý tài chính của các gia đình được phát triển bởi (Deacon và Firebaugh, 1988).
Quản lý tài chính cũng được công nhận như có cả thành phần tinh thần và thể chất (Deacon và Firebaugh, 1988). Trong thực tế, quản lý tài chính bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như tình trạng hôn nhân, thu nhập gia đình, giáo dục và độ tuổi của các hộ gia đình, số trẻ em phụ thuộc và giai đoạn sống của gia đình, nhu cầu của các thành viên trong gia đình và số lượng tiền có sẵn để phân bổ (T. Hira, 1987) (Godwin, 1990; Raijas, 2011).
Do đó, ngày nay, tổ chức thu nhập của gia đình đóng vai trò quan trọng cho phúc lợi của các thành viên trong gia đình (Heimdal và Houseknecht, 2003; Raijas, 2011).
(T. K. Hira và Mueller, 1987) báo cáo rằng, đã cải thiện thực hành quản lý tiền quan trọng hơn là tăng nguồn tiền. Cải thiện quản lý tiền có thể giúp các gia đình đối phó với khó khăn tài chính và đáp ứng nhu cầu gia đình. Do vậy, cần lập kế hoạch sử dụng thu nhập cho hôm nay, tương lai và để tạo ra sự cân bằng thành công giữa tiêu dùng và tiết kiệm để phát triển chất lượng cuộc sống và cung cấp tài chính phúc lợi.
Nhân khẩu học tác động đến hành vi quản lý tài chính
Trên thế giới, các mối quan hệ giữa tài chính nguồn, quản lý tiền, điều kiện tài chính, vấn đề áp lực kinh tế và mức độ hài lòng của gia đình đã được phân tích cho 50 năm qua. Những nghiên cứu này đã kiểm tra và xác định các biến nhân khẩu học ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế, các biến số kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập (Sumarwan và Hira, 1993), sự hài lòng từ quản lý tiền giữa những người có thu nhập kép hộ gia đình (T. Hira, 1987), mối quan hệ đầy đủ giữa các nguồn lực và kinh tế - xã hội và đặc điểm gia đình, cách các gia đình quản lý nền kinh tế khó khăn của họ, hành vi quản lý tài chính và sự hài lòng về cuộc sống (Xiao, 2008), quản lý tài chính, vấn đề tài chính và sự hài lòng trong hôn nhân của những sinh viên đại học kết hôn gần đây (Kerkmann et al., 2000), tác động của thái độ và kiến thức tài chính đối với quản lý tài chính và sự hài lòng của cá nhân đã kết hôn.
Các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến hành vi tài chính của gia đình như môi trường, xã hội, văn hóa, điều kiện kinh tế của đất nước và các yếu tố nhân khẩu học. Trong các yếu tố nhân khẩu học, yếu tố thu nhập thể hiện tình hình tài chính của các gia đình. Mặt khác, tình hình tài chính của các gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực đến thu nhập. Đánh giá mức độ đầy đủ của thu nhập có thể là thước đo của phúc lợi (Ormsby và Fairchild, 1987). Trong đạo luật kinh tế (SES), thu nhập đã được sử dụng rộng rãi như thước đo của xã hội.
Theo các nghiên cứu về thu nhập chỉ ra rằng, thu nhập có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng về tài chính (Davis và Helmick, 1985; T. Hira, 1987; Sumarwan và Hira, 1993), đưa ra các quyết định tài chính (Schultz, 1991) và chuẩn bị tài chính cho trường hợp khẩn cấp (Sumarwan và Hira, 1993) đã phát hiện ra các biến số kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sự thỏa đáng về tài chính, kết quả cho thấy giới tính, tuổi tác và thu nhập hộ gia đình có ảnh hưởng trực tiếp về nhận thức đầy đủ của thu nhập.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập thông qua khảo sát trực tiếp bằng bảng câu hỏi giấy và bảng hỏi khảo sát được đưa lên các công cụ internet gửi qua gmail, zalo. Áp dụng quy tắc chọn mẫu của (Saunders, Lewis, và Thornhill, 2007) trong nghiên cứu này. Tổng thể của một nghiên cứu thường lớn nên việc điều tra toàn bộ là không khả thi. Vì thế, việc chọn mẫu là việc cần thiết để giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Bằng cách thu thập thông tin từ mẫu nhỏ nên vẫn có thể phân tích và suy ra được khá chính xác về đặc điểm của tổng thể đó. Vì vậy, số lượng phiếu phỏng vấn dự kiến là 200 phiếu.
Các dữ liệu thu thập được tiến hành làm sạch, mã hóa thông tin, nhập liệu và sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích các dữ liệu cần thiết, phục vụ cho yêu cầu của bài nghiên cứu. Phương pháp phân tích dữ liệu được áp dụng chủ yếu là phương pháp thống kê mô tả. Thống kê mô tả là tập hợp các phương pháp đo lường, mô tả và trình bày số liệu.
Phương pháp này được sử dụng trong bài nghiên cứu nhằm phân tích thống kê mô tả đặc điểm của mẫu nghiên cứu và mô tả sơ lược kết quả dữ liệu thu thập, dữ liệu được đưa vào phân tích thống kê mô tả nhằm xác định thực trạng hành vi quản lý tài chính có tác động đến đời sống của cá nhân thông qua những đánh giá của họ.
Kết quả nghiên cứu
Có sự khác biệt giữa nam và nữ ở các hộ gia đình trong việc quản lý tiền mặt và đầu tư vào vàng. Phụ nữ quan tâm đến việc quản lý tiền mặt và đầu tư vào vàng nhiều hơn là nam giới, vì phụ nữ là người đưa ra các quyết định kinh tế của gia đình đặc biệt là việc chi tiêu nên phụ nữ thường xuyên quan tâm đến việc quản lý tiền mặt như là so sánh giá cả hàng hóa sản phẩm và dịch vụ khi đi mua sắm hoặc ghi chép lại chi phí vào sổ tay, điện thoại hoặc máy tính, điều mà nam giới rất ít khi để tâm đến.
Giữa các cá nhân có độ tuổi khác nhau có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về hành vi tiết kiệm, đầu tư và hành vi bảo hiểm. Độ tuổi càng cao thì hành vi tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm của các hộ gia đình càng tăng. Trong đó, trung bình của hành vi tiết kiệm và đầu tư ở độ tuổi từ 18 - 40 tuổi không có sự khác biệt nhiều, nhưng khi ở độ tuổi từ 41 tuổi trở lên, thì trung bình của hành vi tiết kiệm và đầu tư tăng cao, cao nhất nằm ở độ tuổi trên 51. Điều này cho thấy rằng, các gia đình ở độ tuổi càng cao thì họ càng quan tâm đến việc gia tăng nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống và tham gia các gói bảo hiểm để dự phòng rủi ro trong tương lai hơn là các gia đình có độ tuổi trẻ hơn.
Trình độ học vấn ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của các hộ gia đình. Tình trạng hôn nhân, thời gian kết hôn và số con của các gia đình có sự khác biệt trong việc tiết kiệm tiền lương, tiết kiệm cho các kế hoạch dài hạn và thanh toán đúng hạn các khoản chi phí hàng tháng. Thời gian kết hôn của các gia đình càng dài, thì việc tiết kiệm của họ nhiều hơn so với các gia đình còn lại và các gia đình đó sẽ luôn có kế hoạch cho việc tiết kiệm và chi tiêu của họ nên việc thanh toán đúng hạn các khoản chi phí hàng tháng sẽ tốt hơn các gia đình có thời gian kết hôn ít hơn.
Gia đình có 3 thế hệ trở lên ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính nhiều hơn các gia đình gồm hai thế hệ. Vì gia đình có 3 thế hệ trở lên, đòi hỏi nguồn thu nhập của cả gia đình phải ổn định và người nắm giữ tài chính trong gia đình phải cân đối giữa việc tiêu dùng và tiết kiệm cho gia đình. Đồng thời, cần có những kế hoạch và hoạch định cụ thể trong quản lý tiền mặt, tiết kiệm và đầu tư cũng như tham gia các gói bảo hiểm cho gia đình.
Thu nhập hàng tháng của cả gia đình có sự khác biệt trong hành vi ghi chép lại các chi phí, tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn và hành vi bảo hiểm của gia đình. Các gia đình có thu nhập ít hơn sẽ ít khi ghi chép lại các chi phí và không có nhiều khoản tiết kiệm cho các kế hoạch chi tiêu dài hạn như mua nhà cửa, xe cộ, học hành và ít tham gia các gói bảo hiểm hơn là những gia đình có thu nhập cao hơn.
Phụ nữ đóng vai trò quyết định rất lớn trong các quyết định kinh tế của gia đình. Ở hầu hết các gia đình được khảo sát, phần lớn phụ nữ là người quản lý tài chính, người nắm giữ ngân sách của gia đình, đặc biệt người phụ nữ có trình độ chuyên môn cao và mức thu nhập ổn định sẽ làm tăng khả năng quyết định kinh tế chung trong gia đình hơn (có khoảng 44% phụ nữ luôn luôn quyết định về kinh tế chung của gia đình). Về mặt chi tiêu hầu như là phụ nữ luôn là người đưa ra quyết định về các vấn đề này, khảo sát đa phần cho thấy, có đến 62,9% phụ nữ luôn là người đưa ra các quyết định chi tiêu trong gia đình, trong đó đàn ông chỉ chiếm 4,3%.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác trong kinh tế của gia đình cả hai vợ chồng cùng nhau đưa ra các quyết định chiếm tỷ lệ khá cao như quyết định về nợ và các khoản vay mượn là 50%, quyết định về tiết kiệm và đầu tư lên đến 71%, quyết định về kinh tế chung của gia đình là 41%.
Vì đa số các gia đình, cả hai vợ chồng đều đi làm, đều có nguồn thu nhập ổn định, có trình học vấn như nhau nên họ có quyền quyết định ngang nhau do đó, khi có những vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình thì cả hai vợ chồng cùng bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng.
Như vậy, các hộ gia đình ở An Giang khi chi tiêu đa phần là người phụ nữ, người quản lý tài chính trong gia đình quyết định. Còn các quyết định về kinh tế chung của gia đình, nợ và các khoản vay mượn, tiết kiệm và đầu tư là do cả hai vợ chồng cùng nhau đưa ra ý kiến, trao đổi thảo luận và sau cùng là đưa ra các quyết định chung.
Kết luận và kiến nghị
Kết luận
Nghiên cứu này tập trung vào tác động của biến nhân khẩu học đến hành vi quản lý tài chính của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến nhân khẩu học (giới tính, trình độ học vấn, thu nhập, độ tuổi) có ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang.
Kiến nghị
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh và các tổ chức tín dụng thường xuyên tiến hành các khảo sát, điều tra xã hội học, nhằm đưa ra những chính sách phù hợp để tiếp cận đến khách hàng cá nhân và những chính sách này cần được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tivi, internet, loa phát thanh, báo giấy, báo điện tử…
Thứ hai, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hợp tác, các hiệp hội… doanh nghiệp kinh doanh và các tổ chức tín dụng có thể nắm bắt nhu cầu của từng nhóm khách hàng cá nhân để đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Thứ ba, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đưa ra nhiều hơn những chính sách ưu đãi và tư vấn cụ thể các sản phẩm tài chính đối với từng phân khúc khách hàng cá nhân, cụ thể từng giới, từng độ tuổi, từng khu vực địa phương sinh sống…
Thứ tư, các nhà quản trị, các tổ chức tài chính cần có những phương pháp để cho các cá nhân hiểu biết nhiều hơn về các hoạt động tín dụng, các gói lãi suất cho vay hoặc lãi suất tiền gửi để khách hàng quan tâm hơn đến các hoạt động gửi tiết kiệm ở ngân hàng, hoặc đi vay, hoặc sử dụng thẻ tín dụng.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các diễn đàn trao đổi, gặp gỡ với khách hàng cá nhân nhằm phát hiện những điều bất hợp lý, những điểm bất cập khi triển khai các sản phẩm tài chính, từ đó có những giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ sáu, cần phát triển nhiều hơn các khóa học online hướng dẫn về cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và phát triển nó nhiều hơn nữa trong tương lai gần.
Tài liệu tham khảo:
- Davis, E. P., & Helmick, S. A. (1985), Family financial satisfaction: The impact of reference points. Home Economics research journal, 14(1), 123-131l;
- Deacon, R. E., & Firebaugh, F. M. (1988), Family resource management: Principles and applications: Allyn & Bacon;
- Godwin, D. D. (1990), Family financial management. Family Relations, 39(2), 221-228;
- Heimdal, K. R., & Houseknecht, S. K. (2003), Cohabiting and married couples' income organization: Approaches in Sweden and the United States. Journal of Marriage and Family, 65(3), 525-538;
- Hira, T. (1987), Satisfaction with money management: Practices among dual-earner households. Journal of Home Economics;
- Hira, T. K., & Mueller, M. J. (1987), The application of managerial systems to money management practices. Iowa State Journal of Research, 62(2), 219-233;
- Kerkmann, B. C., Lee, T. R., Lown, J. M., & Allgood, S. M. (2000), Financial management, financial problems and marital satisfaction among recently married university students. Journal of Financial Counseling and Planning, 11(2), 55;
- Ormsby, P., & Fairchild, G. T. (1987), Perceived income adequacy and selected financial management practices among families in Chile and Mexico. Social Indicators Research, 19(3), 317-327;
- Raijas, A. (2011), Money management in blended and nuclear families. Journal of Economic Psychology, 32(4), 556-563;
- Saunders, M., Lewis, P., & Thornhill, A. (2007), Research methods. Business Students 4th edition Pearson Education Limited, England;
- Sumarwan, U., & Hira, T. K. (1993), The effects of perceived locus of control and perceived income adequacy on satisfaction with financial status of rural households. Journal of family and economic Issues, 14(4), 343-364;
- Xiao, J. J. (2008), Applying behavior theories to financial behavior. In Handbook of consumer finance research (pp. 69-81): Springer.