Áp dụng kế toán dồn tích trong doanh nghiệp


Cơ sở kế toán dồn tích là một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản nhất chi phối các phương pháp kế toán cụ thể trong kế toán doanh nghiệp. Kế toán dồn tích là phương pháp kế toán nhằm đánh giá hiệu suất hoạt động và vị thế của một doanh nghiệp bằng cách ghi nhận các sự kiện kinh tế bất kể khi nào có giao dịch bằng tiền diễn ra. Phương pháp này cung cấp một bức tranh chính xác hơn về tình hình tài chính hiện tại cũng như cung cấp được báo cáo chi tiết, thực tế về tình hình thu-chi của doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn kế toán dồn tích bởi phương thức này hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực kế toán hiện hành.

Tổng quan về kế toán dồn tích Khái niệm về kế toán dồn tích

Kế toán dồn tích là nguyên tắc kế toán theo đó thu nhập và chi phí được kế toán ghi nhận khi chúng phát sinh và đủ điều kiện ghi nhận là thu nhập và chi phí mà không nhất thiết phải gắn với dòng tiền thu hoặc chi. Đây là phương pháp kế toán nhằm đánh giá hiệu suất hoạt động và vị thế của một công ty bằng cách ghi nhận các sự kiện kinh tế bất kể khi nào có giao dịch bằng tiền diễn ra.

Kế toán dồn tích cung cấp một bức tranh chính xác hơn về tình hình tài chính hiện tại của công ty, nhưng việc thực hiện lại tốn kém hơn do phương pháp này tương đối phức tạp. Phương pháp này trái ngược với phương pháp kế toán tiền mặt-chỉ công nhận các giao dịch khi có sự trao đổi tiền mặt.

Theo định nghĩa của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS 01), kế toán dồn tích là: “Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Lợi ích của kế toán dồn tích

Phương pháp chung của kế toán dồn tích là các sự kiện kinh tế được ghi nhận bằng cách kết hợp doanh thu với chi phí (theo nguyên tắc phù hợp) tại thời điểm khi giao dịch xảy ra thay vì khi thực hiện thanh toán (hay nhận thanh toán). Phương pháp này cho phép dòng tiền ra/vào ở thời điểm hiện tại được kết hợp với dòng tiền ra/vào dự kiến trong tương lai để đưa ra một bức tranh chính xác về tình hình tài chính hiện tại của công ty.

Nghiên cứu của Young K.Kwon (1989) chứng minh rằng, phương pháp kế toán dồn tích vượt trội hơn so với phương pháp kế toán tiền mặt. Vì thông tin mà kế toán dồn tích phản ánh đầy đủ tác động tổng thể của nhà quản lý đối với dòng tiền trong tương lai; hơn nữa thông tin kế toán dồn tích phản ánh tới nhà quản trị hiệu quả hơn thông tin từ kế toán tiền mặt.

Áp dụng kế toán dồn tích trong doanh nghiệp - Ảnh 1

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính được lập trên cơ sở dồn tích giúp cho người sử dụng thông tin có thể đánh giá được mức độ sử dụng nguồn lực, đánh giá hiệu quả của quá trình thực hiện công việc cùng với tình hình tài chính của doanh nghiệp giúp cho việc lập kế hoạch, quản lý tài chính và ra quyết định trở nên hiệu quả hơn. Việc áp dụng kế toán dồn tích có tác động tích cực đến tính minh bạch của thông tin kế toán bởi vì nó giúp tạo ra các báo cáo tài chính toàn diện và chất lượng cao.

Theo các chuyên gia kế toán, sự cần thiết của phương pháp kế toán dồn tích nảy sinh từ sự phức tạp ngày càng tăng của các giao dịch kinh doanh cũng như mong muốn thông tin tài chính chính xác hơn. Chẳng hạn, hình thức bán chịu và các dự án cung cấp doanh thu trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty tại thời điểm giao dịch. Do đó, việc phản ánh các sự kiện này trên báo cáo tài chính trong cùng kỳ báo cáo của các giao dịch này là phù hợp. Hiện nay, kế toán dồn tích là phương pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và cơ sở kế toán dồn tích hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực kế toán hiện hành. Phương pháp này cũng cấp được báo cáo chi tiết, thực tế về tình hình thu-chi của doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể.

Sự khác biệt giữa kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt

Kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt là hai phương pháp kế toán ghi nhận doanh thu, nguồn vốn, tài sản và chi phí dựa trên những khoảng thời gian khác nhau. Khác với kế toán dồn tích, trong kế toán tiền mặt, doanh thu - chi phí được ghi nhận tại thời điểm có sự thay đổi của dòng tiền (khi doanh nghiệp nhận được tiền bán hàng hóa hay khi doanh nghiệp chi tiền mua hàng). Do đó, trong quá trình kế toán hạch toán, không có tài khoản phải thu, tài khoản phải chi như doanh nghiệp hạch toán theo cơ sở kế toán dồn tích.

Chẳng hạn, khi một công ty bán máy giặt cho một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, phương pháp kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt sẽ ghi nhận sự kiện này khác nhau. Doanh thu được tạo ra từ việc bán hàng này sẽ chỉ được ghi nhận bằng phương pháp kế toán tiền mặt khi công ty nhận được tiền. Tuy nhiên, nếu máy giặt được mua chịu, doanh thu này có thể không được ghi nhận cho đến tháng sau hoặc năm sau. Trong khi đó, phương thức kế toán dồn tích cho rằng kế toán tiền mặt là không chính xác bởi vì một khi việc bán hàng đã diễn ra/hoàn tất, thì công ty sẽ nhận được tiền mặt vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Do đó, cần ghi nhận việc bán hàng tại thời điểm mà mặt hàng đó thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Mặc dù tiền vẫn chưa có trong tài khoản ngân hàng, nhưng doanh thu từ việc bán hàng được ghi nhận vào tài khoản kế toán "các khoản phải thu", và làm tăng doanh thu của người bán.

Nếu như kế toán tiền mặt thường được áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và hoạt động chủ yếu dựa trên các luồng tiền vào, tiền ra mà ít liên quan đến hàng hóa tồn kho thì ngược lại, với sự phát triển của các loại hình kinh doanh mới, quy mô doanh nghiệp lớn, thậm chí đa quốc gia trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán dồn tích lại trở nên phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp. Kế toán dồn tích cũng có thể được áp dụng đối với những doanh nghiệp có kết cấu phức tạp, không phân biệt doanh thu bán chịu hay bán thu tiền ngay, hoạt động kinh doanh gắn liền với hàng hóa tồn kho...

Áp dụng kế toán dồn tích trong doanh nghiệp - Ảnh 2

Tuy nhiên, nếu như kế toán tiền mặt thực hiện đơn giản, dễ hiểu, tính toán dễ dàng đối với công tác kế toán thì việc thực hiện kế toán dồn tích lại tốn kém hơn do phương pháp này tương đối phức tạp. Đặc biệt, nếu bộ phận kế toán không theo dõi cẩn thận khi áp dụng phương pháp kế toán dồn tích, có thể dẫn đến tình trạng thiếu vốn ngay cả khi công ty đang sinh lời.

Kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt đều có những thế mạnh riêng. Tuy nhiên, nhìn trên góc độ tổng quan, áp dụng phương pháp kế toán dồn tích có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp kế toán tiền mặt. Sự khác biệt giữa hai phương pháp Kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt được cụ thể hóa ở Bảng 1.

Yêu cầu áp dụng kế toán dồn tích trong thực tiễn

Hiện nay, trên thế giới, kế toán dồn tích được áp dụng rộng rãi và phổ biến ở hệ thống kế toán các quốc gia. Phương pháp này cũng được thừa nhận trong Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP - bộ nguyên tắc, chuẩn mực và qui trình kế toán chung do Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán tài chính ban hành) như là một cách thức ghi chép doanh thu và chi phí ưu việt so với kế toán tiền mặt. Phương pháp kế toán dồn tích cũng được lựa chọn vì đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hồ sơ.

Kế toán dồn tích phản ánh đầy đủ, kịp thời và chính xác tình hình thu nhập, chi phí của doanh nghiệp phát sinh trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đáp ứng được nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh rộng lớn và phức tạp buộc phải sử dụng phương pháp kế toán dồn tích. Phương pháp kế toán này ghi lại doanh thu và chi phí khi bán hàng mà không phụ vào việc thu hoặc chi tiền, giúp nhà quản trị doanh nghiệp hiểu nguyên nhân và kết quả thực tế của các hoạt động kinh doanh; doanh thu được ghi nhận trong suốt thời kỳ diễn ra các hoạt động kinh doanh và chi phí được ghi nhận trong cùng thời kỳ với doanh thu liên quan.

Theo các chuyên gia kế toán, hiện nay, Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toán cầu, gia nhập hầu hết các tổ chức kinh tế lớn nhỏ trên thế giới và khu vực... Điều này đòi hỏi thông tin mà các đơn vị cung cấp phải được quốc tế thừa nhận, có tính chuẩn mực và có thể so sánh được. Do vậy, việc áp dụng kế toán dồn tích trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Trên thực tế, dựa trên những lợi ích mà kế toán dồn tích mang lại, hiện nay các cơ quan quản lý cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng kế toán dồn tích để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp. Chế độ kế toán hiện hành quy định rằng, kế toán doanh nghiệp phải được thực hiện theo cơ sở dồn tích.

Trong thời gian tới, các nhà quản trị doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về sự cần thiết và mức độ quan trọng của việc áp dụng kế toán dồn tích và sự ảnh hưởng của quá trình này đến tính minh bạch của thông tin kế toán. Đồng thời, nhà quản trị cần có những thay đổi tư duy trong cách thức quản lý, có sự chuyển đổi từ cách thức quản lý một chiều từ trên xuống sang cách thức tiếp nhận ý kiến của nhân viên các cấp nhằm nâng cao tinh thần sáng tạo và cởi mở của nhân viên giúp cho quá trình áp dụng kế toán theo cơ sở dồn tích được thực hiện một cách hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Thảo (2010), Financial Accounting, NXB Lao động;
  2. Nguyễn Thị Phương Thảo (2018), Nghiên cứu phương pháp kế toán tiền mặt và kế toán dồn tích trong doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính. Truy cập từ link: https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-phuong-phap-ke-toan-don-tich-va-ke-toan-tien-mat-trong-doanh-nghiep-300660.html;
  3. Lâm Thị Mỹ Yến, Phạm Đăng Tuấn (2020), Nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng kế toán dồn tích hướng đến tính minh bạch thông tin kế toán của các đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 15(3), 127-143127;
  4. Sự khác nhau giữa kế toán dồn tích và kế toán tiền mặt. Truy cập từ link: https://easyinvoice.vn/su-khac-nhau-giua-ke-toan-don-tich-va-ke-toan-tien-mat/;
  5. Một số website: saga.vn, vietnambiz.vn...

 

* Hoàng Thị Thúy - Bộ môn Kế toán - Khoa Kinh Tế - Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022