Các FTA là nguồn lực thúc đẩy thu hút vốn đầu tư qua M&A

Theo Ngọc Thảo/baocongthuong.vn

Hình thức đầu tư mua bán sáp nhập (M&A) sẽ tạo ra những làn sóng tái cấu trúc cho doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện cơ cấu và độ mở, thúc đẩy sự gắn kết và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mỗi DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thị trường M&A Việt Nam dự báo sẽ phục hồi từ giữa năm 2021 và tăng tốc vào năm 2022. Ảnh minh họa
Thị trường M&A Việt Nam dự báo sẽ phục hồi từ giữa năm 2021 và tăng tốc vào năm 2022. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp chuộng hình thức đầu tư M&A

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, trong thời gian vừa qua cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động M&A ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài và một trong những hình thức để hiện thực hóa điều đó là phương thức M&A đã được nhiều DN lựa chọn rót vốn đầu tư.

Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor về chỉ số đầu tư M&A đã đưa Việt Nam vào thị trường có hoạt động M&A năng động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, với mức điểm 102, chỉ sau Mỹ (108,9 điểm). Đồng thời dự báo Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong Top 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường M&A toàn cầu bị tác động rất lớn bởi dịch Covid- 19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thị trường M&A 2020 của Việt Nam dù suy giảm mạnh (dự báo giá trị ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019; trong khi thị trường thế giới suy giảm 52%).

Thị trường M&A năm 2020 vẫn xuất hiện những điểm sáng tích cực với nhiều thương vụ M&A lớn trong các ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Gần đây nhất các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore tiếp tục rót vốn M&A như Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần từ Ngân hàng TMCP Phương Đông, Tập đoàn Bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba, Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 3,43 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Riêng góp vốn, mua cổ phần chiếm 2,59 tỷ USD. Điều này cho thấy hình thức đầu tư M&A đang được các DN lựa chọn nhiều nhất với lượng vốn rót ngày càng tăng cao.

Kỳ vọng làn sóng M&A mới

Bước sang năm 2021, thị trường M&A được dự báo cũng sẽ còn gặp những khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm... sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo Euromonitor nhận định, có nhiều yếu tố cho thấy thị trường M&A Việt Nam sẽ phục hồi từ giữa năm 2021 và tăng tốc vào năm 2022. Yếu tố đầu tiên cho sự kỳ vọng tăng trưởng này là sự kiện khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới tại Việt Nam. Giới đầu tư kỳ vọng, sự kiện này là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa sẽ nhanh hơn. Giá trị M&A năm 2022 tại Việt Nam có thể đạt mốc 7 tỷ USD.

Thêm yếu tố nữa được đánh giá cũng tác động tích cực tới sự phục hồi của thị trường M&A đến từ việc các FTA như CPTPP, EVFTA và mới đây nhất là RCEP… sẽ mở ra các cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp và cả gián tiếp qua hình thức M&A. Ngoài ra, việc thi hành các Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020 cũng được nhận định là dấu mốc quan trọng, góp phần vào việc đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính cũng như pháp lý có liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam nói chung trong đó có hình thức M&A.

Về thay đổi đáng chú ý trong Luật Doanh nghiệp 2020, theo luật sư Trần Thanh Tùng - luật sư thành viên Công ty Luật Global VietnamLawyers - điểm mới trong luật là cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự hoàn thiện thể chế công ty cổ phần theo thông lệ chung (về Ủy ban kiểm toán, thư ký công ty…).

Đồng thời, tăng quyền của cổ đông trong việc kiện người quản lý, cho phép cổ đông có thể kiện người quản lý bất cứ lúc nào ngay khi trở thành cổ đông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có quyền mua chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, từ đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài có lợi ích kinh tế như một cổ đông và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở. Đây là những thay đổi lớn nhất và nó sẽ tạo ra những cú hích rất mạnh cho hoạt động M&A trong tương lai.

Theo ông Leon Trương - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DN vừa và nhỏ (Liên minh DTS), quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt cuộc cách mạng kinh tế 4.0 đã tác động đến các hoạt động kinh tế trên thị trường nói chung và hoạt động M&A nói riêng. Hoạt động M&A không phải lúc nào cũng hướng đến hiệu quả trong hoạt động của công ty mục tiêu mà các thương vụ thường kéo theo một số vấn đề tiêu cực như quyền lợi của các cổ đông công ty mục tiêu không được đảm bảo (ép giá, quyết định bán hoặc không bán khi thiếu thông tin...), thay thế bộ máy lao động hoặc công nghệ, tác động đến môi trường cạnh tranh của nền kinh tế...

Vì vậy những vấn đề pháp lý liên quan cũng cần được nghiên cứu thay đổi, bổ sung, điều chỉnh và tiếp tục xây dựng để thích ứng với sự thay đổi cũng như tốc độ phát triển của thị trường để hỗ trợ các DN thực hiện giao dịch M&A an toàn, hiệu quả đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh khi hoạt động M&A trên thị trường ngày càng sôi động.