Động lực tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2022

Theo Nguyễn Đức Lệnh/thitruongtaichinhtiente.vn

Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP ở mức từ 6 -6,5%. Liệu đây có phải là mức tăng trưởng cao, đặt trong mối liên hệ với năm 2021 khi kinh tế xã hội thành phố chịu tác động ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19?.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh xem xét lựa chọn lấy chủ đề năm cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội Thành phố đó là: “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Với các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế xã hội cụ thể, trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP ở mức từ 6 -6,5%.

Liệu đây có phải là mức tăng trưởng cao, đặt trong mối liên hệ với năm 2021 khi kinh tế xã hội thành phố chịu tác động ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19?.

Xét ở góc độ quản trị và góc độ kinh tế vĩ mô, chỉ tiêu này hoàn toàn có cơ sở để đạt được, gắn liền với các yếu tố động lực tăng trưởng sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định, các thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa, bất động sản về cơ bản vẫn ổn định. Trong đó, một số điểm sáng về thị trường chứng khoán; thu ngân sách; hoạt động ngân hàng, bảo hiểm… vẫn duy trì và tăng trưởng.

Thứ hai, các lĩnh vực kinh tế được xác định là động lực tăng trưởng: xuất khẩu, lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm; công nghệ; logistic và thương mại điện tử vẫn duy trì hoạt động, tăng trưởng tốt trong bối cảnh đại dịch, kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Thứ ba, quan điểm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, bằng các hành động cụ thể về cải cách hành chính, tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, về phát triển đô thị thông minh và phát triển hạ tầng.

Quá trình này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh mà còn giúp các chương trình, dự án được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, kích thích những ngành, lĩnh vực kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhất là lĩnh vực đô thị, cơ sở hạ tầng và xây dựng.

Thứ tư, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ thuận lợi và lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn khi cách tiếp cận những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp và khoa học trong bối cảnh hiện nay: Đó là phòng chống dịch hiệu quả và tạo điều kiện tốt nhất về môi trường, cơ chế, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, gắn với những định hướng nhiệm vụ ngắn hạn và trung dài hạn theo các chương trình đề án phát triển kinh tế xã hội mà thành phố đã đề ra.

Thứ năm, chủ trương và định hướng của Chính phủ trong việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian tới bằng các chính sách tài chính, tiền tệ và các gói kích thích kinh tế.

Thứ sáu, bản sắc năng động, sáng tạo cùng với sức mạnh đoàn kết, từ bản chất của thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình được khằng định trong công tác phòng chống dịch vừa qua tiếp tục được phát huy và trở thành nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế Thành phố trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố, tinh thần đó được cụ thể hóa bằng các mô hình hoạt động sáng tạo trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự thích ứng nhanh với thị trường, yêu cầu đổi mới và phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.