Quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19

ThS. Phạm Trung Hải, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Thời gian qua, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới phải đặt ra vấn đề về tăng cường quản trị nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, làm ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở phạm vi doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng giúp giải quyết cả vấn đề đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp (DN) bằng cách tích hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực sản xuất, vận tải, cung ứng, kho bãi và bán lẻ... Bài viết phân tích tầm quan trọng, ý nghĩa của việc quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay và đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Quan điểm về quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp

Trong bối cảnh, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, Chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng đối với các DN. Có thể khẳng định, chuỗi cung ứng là một trong các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của một DN so với đối thủ cùng ngành, cùng lĩnh vực.

Ngày nay, để cạnh tranh thành công, các DN không chỉ tập trung vào hoạt động của riêng mình, mà phải tham gia vào công việc kinh doanh của nhà cung cấp cũng như khách hàng của chính DN.

Bởi lẽ, khi muốn đáp ứng sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng, DN buộc phải quan tâm nhiều hơn đến dòng dịch chuyển nguyên vật liệu; cách thức thiết kế, đóng gói sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp; cách thức vận chuyển, bảo quản sản phẩm hoàn thành.

Theo Hội đồng Nghề nghiệp về Quản trị chuỗi cung ứng (CSCMP), quản trị chuỗi cung ứng (SCM) là toàn bộ hoạt động quản lý hậu cần, bao gồm: Hoạt động lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan tới tìm nguồn cung ứng, thu mua, trong đó có cả logistics.

Quan trọng hơn, quản trị chuỗi cung ứng còn bao gồm sự phối hợp, hợp tác của các đối tác trong một chuỗi cung ứng toàn diện. Bản chất, quản trị chuỗi cung ứng tích hợp cả quản trị cung - cầu bên trong và giữa các đơn vị với nhau. Cần lưu ý rằng, logistics và chuỗi cung ứng là hai khái niệm khác nhau. Logistics chỉ là một phần của quản trị chuỗi cung ứng, là một khâu nhỏ trong chuỗi cung ứng lớn với nhiều mối quan hệ giữa các bên với nhau.

Tại Việt Nam, một số quan điểm cho rằng, quản trị chuỗi cung ứng là quản lý cung và cầu cho toàn bộ hệ thống của DN, bao gồm tất cả các hoạt động quản lý hậu cần gồm lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng, sản xuất và hoạt động logistics.

Quản trị chuỗi cung ứng là hoạt động quan trọng, giúp giải quyết cả vấn đề đầu vào-đầu ra của DN thông qua cách tích hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực sản xuất, vận tải, cung ứng, kho bãi và bán lẻ. Việc quản trị yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ phận tiếp thị, bán hàng, truyền thống, tài chính và công nghệ thông tin trong một chuỗi cung ứng toàn diện để đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19  - Ảnh 1

Tác động của quản trị chuỗi cung ứng  đối với hoạt động của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả mang lại nhiều tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cụ thể:

- Tác động lớn đến khả năng chiếm lĩnh thị trường, cũng như sự tín nhiệm của khách hàng. Nếu quản lý chuỗi cung ứng tốt thì DN không những thu được lợi nhuận cao mà còn có thể vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

- Tác động đến chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc đảm bảo phân phối một cách kịp thời, đầy đủ một loại sản phẩm nào đó tới khách hàng, triển khai đáp ứng khách hàng một cách hiệu quả. Qua khâu này, DN có thể giảm chi phí lưu kho sản phẩm cũng như lượng tồn kho.

- Tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN. Hoạt động quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa tốt sẽ đảm bảo được đầu vào, đầu ra của hàng hóa. Ở đầu ra, chuỗi cung ứng quản lý tốt sản phẩm, cung cấp đủ lượng sản phẩm cần thiết, đem tới doanh thu tốt, giảm nguy cơ hàng quay đầu, giảm chi phí hàng tồn. Ở đầu vào, cung ứng đúng, đủ lượng hàng hóa, giảm lượng hàng tồn kho đồng thời giảm được rủi ro cho DN.

- Tác động đến hiệu quả về hoạt động logistics, hậu cần, đưa hàng hóa tới tay DN và khách hàng nhanh chóng, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận cho DN. Thậm chí, quản trị chuỗi cung ứng còn đem tới những lợi ích cụ thể như: Giảm chi phí chuỗi cung ứng tới 25 - 50%; Giảm lượng hàng tồn kho tới 25 - 60%; Cải thiện vòng cung ứng đơn hàng tốt hơn từ 30 - 50%...

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp

Theo PwC Việt Nam (2020), sự lây lan của Covid- 19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến DN khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Chuỗi cung ứng của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều bị tác động nghiêm trọng.

Đối với Việt Nam, ảnh hưởng rõ nhất của đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng tập trung vào một số lĩnh vực là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: Sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, nông sản... Cụ thể, đối với DN sản xuất, tình trạng phong tỏa đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài do đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến đầu vào cả về nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, khiến chuỗi giá trị điện tử của Việt Nam chịu tác động, cùng với đó làm gián đoạn dịch vụ kho vận, ảnh hưởng đến cả việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và linh kiện điện tử và phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Báo cáo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO, 2020) về tác động của đại dịch Covid- 19 đối với các chuỗi cung ứng cho thấy, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực, trong đó bao gồm Việt Nam đều bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh khi mà các biện pháp phong tỏa được Chính phủ các nước áp dụng, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cung cấp nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.

Thực tế cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến quản trị chuỗi cung ứng đối với các lĩnh vực “có chuỗi cung ứng nhiều công đoạn, đường dài” như ngành Dệt may, từ đó làm giảm khả năng phản ứng nhanh chóng của DN trước khủng hoảng và khiến DN đối diện với tình cảnh hàng tồn kho lớn.

Theo Trần Tuấn Anh (2021), tác động của đại dịch Covid-19 đối với các ngành sản xuất, thương mại của Việt Nam cho thấy rõ hơn những điểm hạn chế căn bản, như nội lực còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, chưa tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất trong nhiều ngành, dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài; nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng nói chung và hoạt động quản trị chuỗi cung ứng nói riêng, tháng 5/2020, PwC Việt Nam đã công bố kết quả “Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về Covid-19”.

Báo cáo cho thấy, đối với yêu cầu nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng, 51% nhà lãnh đạo tài chính muốn “xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế”; 45% muốn “hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và hoạt động của các nhà cung cấp hiện nay và trong tương lai”; 45% muốn “thay đổi các điều khoản hợp đồng”; 30% muốn “nâng cao tính minh bạch của hệ thống nhà cung cấp”; 20% muốn “đa dạng họa địa điểm lắp ráp và/hoặc địa điểm cung cấp dịch vụ”...

Để nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các cuộc khủng hoảng tương tự như đại dịch Covid-19 hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai, đòi hỏi những nhà lãnh đạo toàn cầu cần có biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo sức đề kháng của chuỗi cung ứng.

Một DN dù lớn mạnh thế nào cũng không thể đảm bảo hoạt động toàn bộ chuỗi cung ứng chỉ với tài nguyên nội bộ, bởi vậy DN phải hợp tác với các nhà sản xuất, nhà cung cấp. Để quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả hơn DN cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, nhận thức đúng đắn về tâm quan trọng của quản trị chuỗi cung ứng: Quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa luôn đóng vai trò quan trọng, là chất bôi trơn giúp hoạt động DN diễn ra thuận lợi. Với những sản phẩm đòi hỏi sản xuất phức tạp thì chuỗi cung ứng có thể rộng và mạng lưới phức tạp hơn, đòi hỏi hoạt động quản trị cũng cần được thực hiện tốt.

Hai là, dự báo và lập kế hoạch chuỗi cung ứng kịp thời, chính xác là nền tảng để tiến đến việc quản trị chuỗi cung ứng chuyên nghiệp. Bởi vì, quản trị chuỗi cung ứng chính là lên kế hoạch và sắp xếp tất cả các sự kiện có thể diễn ra để nguyên vật liệu, thông tin và dòng chảy của tiền được lưu thông trôi chảy trong chuỗi cung ứng.

Ba là, việc quản trị chuỗi cung ứng cần đảm bảo các yêu cầu: Sản phẩm được sản xuất đúng quy trình và đến được tay khách hàng với mẫu mã, chất lượng đạt yêu cầu; Mọi khâu trong quá trình vận hành, sản xuất luôn được theo dõi, giám sát đảm bảo sự thống nhất; Nguồn lực kinh doanh được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, giúp DN tiết kiệm được chi phí vận hành, đồng thời giúp nhà quản lý dễ nắm bắt các hoạt động chung.

Bốn là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp DN trao đổi thông tin hiệu quả với đối tác và khách hàng. Việc thu thập, sử dụng và xử lý hiệu quả thông tin khi ứng dụng các phần mềm giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên dành cho việc tìm kiếm chứng từ. Đối với những DN vừa và nhỏ không có đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ cho việc quản trị chuỗi cung ứng, thì không cần đầu tư hệ thống quản lý chuỗi cung ứng cho toàn bộ công ty.

Năm là, việc liên kết giữa các đơn vị có từng thế mạnh riêng, phối hợp nhịp nhàng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - nhà bán lẻ. Trong mỗi công đoạn, việc phân chia nhỏ công đoạn sẽ giúp nhà cung cấp giảm được chi phí ở thành phẩm cuối cùng; đồng thời, có được sản phẩm chất lượng tốt nhất. Khi đó, vai trò của các nhà quản trị chuỗi cung ứng là quan trọng, đảm bảo kết nối trong quản lý; đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra nhịp nhàng, liên tục và hạn chế tối đa rủi ro.

Sáu là, chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là người đứng đầu DN: Theo các chuyên gia, để quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng “không phải ngày một, ngày hai” mà các nhà quản lý có thể đảm nhiệm và vận hành tốt chuỗi này. Cần có thời gian để kiến tạo kinh nghiệm, năng lực và hơn hết là những kiến thức cơ bản và nền tảng về chuỗi cung ứng cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Do vậy, cần phải quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn trình độ kỹ năng cho đội ngũ nhà quản lý.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Tuấn Anh (2021), Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong và sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Cộng sản điện tử;

2. Nguyễn Hoài Nam (2020), Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử.

3. PwC Việt Nam (2021), Hậu dịch bệnh Covid-19: Chuỗi cung ứng cho tương lai;

4. Tổ chức Lao động quốc tế (2020), Ngành dệt may Châu Á- Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề do Covid-19 ảnh hưởng toàn bộ chuỗi cung ứng.