Đào tạo kế toán, Kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. Vũ Mai Phương

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu nhân lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Những cơ hội và thách thức mới đang đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết khi các hiệp định tự do hóa thương mại với dịch chuyển lao động đã và đang trở thành hiện thực. Bài viết trao đổi một số ý kiến liên quan đến thực trạng đào tạo kế toán, kiểm toán trình độ cao hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng đào tạo kế toán, kiểm toán

Hiện nay, việc đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học được thực hiện ở rất nhiều trường đại học kinh tế - tài chính công lập và ngoài công lập trong cả nước. Ở nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành kế toán và kiểm toán, có đủ mọi hệ đào tạo và cấp bậc đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy, cao học và đào tạo tiến sĩ với đủ các hệ chính quy, tại chức, đào tạo từ xa. Đó là chưa kể tới hàng trăm lớp dạy nghề kế toán và kiểm toán do các trường lớp, các trung tâm, các doanh nghiệp tổ chức dưới mọi hình thức.

Do vậy, xét về mặt số lượng, kết quả đào tạo của các trường đã phần nào đáp ứng khá tốt nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán cho giai đoạn vừa qua cũng như trong giai đoạn tới. Chẳng hạn như Đại học Kinh tế quốc dân - trường đại học đầu tiên đào tạo cử nhân Chuyên ngành Kiểm toán ở Việt Nam từ cuối những năm 1990, trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 180 cử nhân chuyên ngành Kiểm toán, khoảng hơn 100 thạc sỹ chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán và Phân tích phục vụ cho nhu cầu về nguồn nhân lực Kiểm toán của ngành Kiểm toán Việt Nam.

Các sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường đều được các cơ quan và doanh nghiệp kiểm toán đánh giá cao, có sự phát triển nghề nghiệp tốt, thích ứng với môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Không chỉ cố gắng đáp ứng nhu cầu xã hội về số lượng, Đại học Kinh tế quốc dân luôn chú trọng vấn đề chất lượng, trình độ chuyên môn của cử nhân kiểm toán được đào tạo...

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhiều trường hiện cũng được xây dựng theo cách hướng đến tính liên thông với các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA Australia nhằm giúp sinh viên có khả năng học tiếp, phát triển nghề nghiệp một cách thuận tiện. 

Việc không ít trường giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh trong công việc của sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên có khả năng công tác tốt trong môi trường quốc tế khi tốt nghiệp.

Thực tế cho thấy, kế toán và kiểm toán vẫn là chuyên ngành hấp dẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi hàng năm nhờ sức hấp dẫn về thu nhập cao, dễ kiếm việc làm ở nhiều lĩnh vực. Đây là lí do hàng năm có hàng nghìn sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán đăng kí thi vào hoặc tốt nghiệp ra trường.

Tuy nhiên, nếu xem xét về khía cạnh chất lượng đào tạo thì còn có độ lệch khá lớn giữa các trường và chất lượng nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.

Thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, số lượng kế toán, kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, số lượng kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.
Tư duy tích lũy am hiểu các vấn đề toàn cầu còn hạn chế, khó hội nhập sâu rộng với kế toán, kiểm toán quốc tế. Không ít trường lại dạy quá nhiều lý thuyết trong khi sinh viên cần hơn một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Nhiều sinh viên ra trường chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao mà phải mất thời gian đào tạo lại.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế. Nhiều nhà giáo dục đại học hiện nay vẫn cho rằng đào tạo kế toán, kiểm toán ra để làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam, theo kế toán Việt Nam, cũng phần nào ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch đào tạo trong tương lai.

Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 đã chỉ rõ, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán - kiểm toán và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề; Mở rộng thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong và ngoài nước;

Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế quốc dân. Tuy  nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực thì có khả năng kiểm toán viên các nước ASEAN phát triển hơn nước ta như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines có thể sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với người lao động nước ta.

Như vậy, ngay tại sân nhà, đội ngũ này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Do đó, lao động trong nước có thể khó tìm việc ở các công ty kiểm toán lớn (Big Four) ngay trên sân nhà. Từ đó, dẫn đến hệ luỵ bản thân các trường đại học sẽ chịu sức ép đổi mới hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường, bởi một khi các chuyên ngành mà tìm việc làm khó sẽ ít thu hút được sinh viên đăng kí dự thi.

Một số đề xuất

Với việc gia nhập WTO trong những năm qua và gần đây gia nhập AEC, Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách phía trước, trong đó, thách thức lớn về tính chuyên nghiệp và lành nghề của đội ngũ nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán không thể xem nhẹ và cần có giải pháp tháo gỡ một cách nhanh chóng để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Rõ ràng, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay bởi đây luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của từng các cơ sở đào tạo, chủ yếu là các trường đại học cao đẳng, thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và sự hợp lực hiệu quả giữa các trường, giữa trường với các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, về kế toán, kiểm toán cũng như với các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết lập chuẩn đầu ra thích hợp, đổi mới nội dung chương trình giảng dạy theo hướng quốc tế hoá và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Theo đó, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:

Về phía cơ quan quản lý:

Một là, các hiệp định tự do hóa thương mại và dịch chuyển lao động tạo ra thách thức và cơ hội cho nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, để cung cấp nguồn nhân lực cho nghề nghiệp trong giai đoạn mới, cần xem xét lại định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu nội địa hiện nay. Việc duy trì hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu nội địa hiện nay sẽ dẫn đến mất dần thị trường lao động kế toán, kiểm toán ngay tại sân nhà, chưa kể đến đánh mất cơ hội mở mang sang các nước trong khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược để biến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trở thành một lĩnh vực mang lại GDP cho quốc gia.

Hai là, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng một chiến lược đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học theo chuẩn quốc tế và tạo điều kiện để từng trường tuỳ theo năng lực hiện có thiết kế chương trình đào tạo phù hợp theo hướng tiếp cận chương trình tiên tiến trên thế giới. Chiến lược này tạo nên nền tảng pháp lý để từng trường chủ động trong việc hoạch định quá trình đào tạo nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán có chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Ba là, đổi mới mô hình đào tạo thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề theo hướng đào tạo, thi theo tín chỉ để cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề; đồng thời mở rộng và tăng cường số lượng các kỳ thi kế toán viên hành nghề, kế toán viên công chứng, kiểm toán viên đã được đề ra trong Chiến lược Kế toán - Kiểm toán năm 2020, tầm nhìn 2030 phê duyệt theo Quyết định 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các tổ chức nghề nghiệp:

Một là, nâng cao vai trò của hội nghề nghiệp như Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA)… giúp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán để đảm bảo những người đủ điều kiện mới có thể hành nghề, từ đó giúp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của những công ty kiểm toán Việt Nam trên thị trường.

Hiệp hội cần thể hiện vai trò của mình qua việc trở thành cầu nối thiết lập mối liên kết giữa cơ quan Nhà nước, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và DN, tạo đầu ra cho các sinh viên. Đồng thời, khi những chuẩn mực mới ban hành, hội nghề nghiệp nên mời những chuyên gia trao đổi, cập nhật kiến thức mới thông qua các lớp đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.

Hai là, tăng cường hợp tác với các hội nghề nghiệp ở khu vực ASEAN để tăng cường sự hiểu biết và liên thông trình độ giữa các kế toán, kiểm toán viên trong khu vực. Đẩy mạnh việc thỏa thuận, hợp tác giữa các quốc gia trong khối ASEAN để tiến tới công nhận các bằng cấp và chứng chỉ hành nghề lẫn nhau.

Hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các hội nghề nghiệp trên thế giới để đào tạo đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên đạt trình độ ngang bằng với trình độ của khu vực. Trong đó, các cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp đóng vai trò ban hành, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến để cơ quan Nhà nước điều chỉnh lại hệ thống văn bản pháp luật phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Về phía các trường đại học:

Một là, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA Australia, CIMA... để đổi mới giáo trình đào tạo. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm, tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra.

Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm giúp sinh viên có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.

Bên cạnh đó, các trường cần thiết kế trong chương trình đào tạo những nội dung chuyên môn có tính chất đặc thù về môi trường pháp lý và môi trường hoạt động tại Việt Nam để người học có thể thực hiện được công việc chuyên môn một cách thành thạo sau khi tốt nghiệp.

Tăng cường áp dụng phương pháp làm việc theo nhóm để thực hiện các bài tập tình huống do giảng viên đưa ra có tác dụng rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng quốc tế hoá. Chú trọng tăng cường thời lượng thảo luận tại lớp thông qua những chủ đề do giảng viên yêu cầu theo hướng mở rộng nội dung môn học qua hình thức tiếp cận các công bố trong nước và quốc tế để người học cập nhật kiến thức, nâng cao tính hiện đại và tính hàn lâm trong nội dung môn học.

Hai là, các trường đại học cần phải gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để từng bước đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ chức này nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.

Việc gắn kết này sẽ tạo nên sự hài hoà giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, giữa thực tế về kế toán, kiểm toán của một quốc gia với tính chất quốc tế hoá theo xu hướng hội tụ kế toán toàn cầu, từ đó nâng cao tính hiện đại, tính chuyên nghiệp cho chất lượng đầu ra ở bậc đại học. Thực hiện kiểm định chất lượng bởi các tổ chức độc lập. Các nhà kiểm định đối với ngành kế toán, kiểm toán sẽ dựa trên các tiêu chuẩn này để đánh giá và công bố kết quả, qua đó, xã hội có đủ thông tin để quyết định về việc sử dụng lao động cũng như chọn lựa trường để học.

Ba là, các trường đại học cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Câu lạc bộ Kế toán trưởng,... để tạo nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế nhằm một mặt giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, mặt khác với việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các doanh nghiệp - các nhà tuyển dụng chủ lực - những yêu cầu về chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu về chất lượng được đặt ra.

Chính những ý kiến và đóng góp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để các trường điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình đào tạo một cách thích ứng.

Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại đồng thời phải có những am hiểu tình hình thực tiễn của hoạt động chuyên môn để bên cạnh tính hàn lâm còn phải có tính thực tiễn sâu sắc trong nội dung giảng dạy.

Bên cạnh đó, việc thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu và trao đổi học thuật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên cần phải có để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế cũng sẽ làm xuất hiện các cơ sở đào tạo mới trên nền tảng tự do hóa việc cung cấp dịch vụ đào tạo.

Vì vậy, ngay bản thân các cơ sở giáo dục đại học hiện tại cũng phải đối mặt với thách thức về sự chuyển dịch chất xám đội ngũ, áp lực đòi hỏi có sự điều chỉnh trong chính sách lương thưởng, chính sách thu hút nhân tài, thay đổi việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp kiểm toán, các cơ quan quản lý nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Chủ động thu hút được đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo.

Năm là, tăng cường các hoạt động ngoại khoá để phát triển nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường cần tăng cường mời các chuyên gia kiểm toán từ cơ quan kiểm toán nhà nước, các doanh nghiệp kiểm toán đến nói chuyện chuyên đề với sinh viên; Giao lưu giữa Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp kiểm toán với sinh viên được tổ chức đều đặn hàng năm.

Sự tiếp xúc với các chuyên gia kiểm toán giúp cho sinh viên có được định hướng tốt hơn về nghề nghiệp tương lai, có sự chuẩn bị sớm hơn và tốt hơn cho nghề nghiệp, tiếp cận tốt hơn với công việc kế toán, kiểm toán trong tương lai.

Đây cũng là cách thức mà nhiều trường đại học trên thế giới thực hiện. Ngoài ra, các trướng cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán cần quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nâng cao hơn nữa so với hiện nay.

Về phía các doanh nghiệp kiểm toán:

Một là, phối hợp với các cơ sở đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia tập huấn, cập nhật các kiến thức, các chuẩn mực kế toán, các chế độ kế toán mới, các quy định về thuế hiện hành. Khuyến khích nhân viên tham gia học các chứng chỉ kiểm toán quốc tế.

Hai là, tích cực tham gia đóng góp các ý kiến về nhu cầu, định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kế toán, kiểm toán, phục cho quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. Phối hợp với các trường đại học thông qua việc phản hồi tích cực về chất lượng sinh viên mới ra trường để các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo và tham gia biên soạn, phản biện giáo trình và đào tạo tại các trường đại học các chính sách chế độ kế toán, kiểm toán mới trên cơ sở các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế...       

Tài liệu tham khảo:

1. PGS., TS . Võ Văn Nhị (2011),  Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế;

2. PGS., TS. Vũ Hữu Đức (2011), Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Đào tạo nhân lực cho ngành kiểm toán cần một cách tiếp cận mới;

3. Nguyễn Thị Phương Hoa (2011), Đại học Kinh tế quốc dân, Đào tạo chuyên ngành kiểm toán của trường Đại học Kinh tế quốc dân phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế;

4. PGS., TS. Đặng Văn Thanh (2011), Đổi mới chương trình, nội dung và cách thức đào tạo kế toán-kiểm toán ở bậc đại học, Tạp chí Kiểm toán số 5/2011;

5. TS. Phan Thanh Hải, TS. Nguyễn Phi Sơn, Đào tạo nhân lực cho ngành Kiểm toán độc lập của Việt Nam trong các đường đại học: Cơ hội và thách thức khi gia nhập , AEC, Đại học Duy Tân;

6. Một số trang website: mof.gov.vn, vacpa.org.vn, kiemtoannn.gov.vn…