Thiếu sáng tạo, doanh nghiệp Việt khó bứt phá

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục về hoạt động xuất khẩu trong năm 2017 vừa qua, nhưng vấn đề đặt ra là cơ cấu xuất khẩu có dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng ở những sản phẩm công nghệ cao, nhất là khi việc kiểm định cho thấy bóng dáng của đổi mới sáng tạo trong sự sôi động của hoạt động xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn.

Bóng dáng đổi mới sáng tạo của các DN Việt trong hoạt động xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Nguồn: Internet
Bóng dáng đổi mới sáng tạo của các DN Việt trong hoạt động xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Nguồn: Internet

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hối thúc cần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa. Bởi lẽ, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn khiêm tốn. Mặt khác, doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ được thương mại hóa. 

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn khiêm tốn

Ở góc độ một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, ông Hà Huy Thắng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Petrolimex (PITCO), băn khoăn rằng hàng hóa Việt Nam tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu hiện nay vẫn khó cạnh tranh bằng sự khác biệt, mà chủ yếu vẫn về giá.

Còn ở góc độ một chuyên gia kinh tế, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright), tỏ ra băn khoăn về độ cải thiện giá trị kim ngạch đối với những mặt hàng nông sản chủ lực vẫn là một bài toán hóc búa. Đặc biệt là tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp nông nghiệp còn quá ít (chỉ dành 1,6% trên tổng doanh thu cho R&D, quá thấp so với các nước ASEAN).

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều sản phẩm hàng Việt xuất khẩu hiện nay, khi các hoạt động đổi mới sáng tạo vẫn còn quá khiêm tốn, dù cho lĩnh vực công nghiệp chế biến đang là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu.

Thời gian qua, ngành KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, như lưu ý của Thủ tướng, KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp.

Được biết, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong năm 2017 đã tăng 12 bậc so với năm 2016, lên thứ 47/127 nền kinh tế, vị trí cao nhất từ trước đến nay. Dù có mức tăng ấn tượng, nhưng theo đánh giá thì vẫn khá khiêm tốn và còn nhiều việc phải làm để cải thiện chỉ số này. Nhất là cần cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận trong 3 năm qua, Việt Nam đã tạo ra 1,6 triệu việc làm mới (ròng) trong các ngành chế tạo, chế biến – là tỷ lệ cao trong ngành chế tạo và chế biến. Tỷ lệ tăng việc làm tương đương với tỷ lệ tăng sản lượng. Trong số các ngành chế tạo và chế biến, việc làm chủ yếu được tạo ra ở các ngành theo định hướng xuất khẩu, bao gồm ngành dệt và điện tử.

Theo WB, các ngành nêu trên đã thu hút lao động nông nghiệp, góp phần tạo ra dịch chuyển lao động ròng thoát nông, đóng góp cho chuyển đổi cơ cấu và sắp xếp lại lao động sang các hoạt động đem lại năng suất cao hơn.

Khó vào chuỗi cung ứng

Mặc dù thế, trên thực tế, trong bảng xếp hạng các hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhóm dẫn đầu, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia, và thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan.

Điều đáng lo ngại là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa ra các ý tưởng mới, cho dù là sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc quy trình sản xuất mới để tăng tính cạnh tranh, là rất thấp 

Dù mức độ hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường các hoạt động đổi mới cao hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng mức chi tiêu của các doanh nghiệp vào R&D tại Việt Nam vẫn thấp nhất trong số 10 quốc gia được so sánh. 

Trong khi Việt Nam tự hào là quốc gia hấp dẫn dòng vốn FDI (đặc biệt là trong ngành điện tử trong vài năm gần đây, với hàng chục tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, LG, Microsoft), thì các nghiên cứu gần đây cho thấy sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ. Thực tế, vẫn còn rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp nhận công nghệ mới thông qua các liên kết ngược chiều hoặc xuôi chiều với các doanh nghiệp FDI.

Giới chuyên gia cho rằng mức độ tham gia hạn chế của các công ty trong nước trong các chuỗi giá trị rộng lớn và toàn cầu, tính hiệu quả của tiếp thị không cao và mức độ ủy quyền trong doanh nghiệp thấp. 

Điều đáng nói, những ngành chi nhiều nhất cho đổi mới công nghệ và R&D lại nằm trong nhóm có mức tăng trưởng thấp (thuốc hóa dược, thiết bị điện, máy móc chuyên dụng hay chế biến cà phê). Trong khi những ngành có mức tăng trưởng cao (từ 40% trở lên) lại là những ngành có chi phí R&D và đổi mới công nghệ thấp nhất hoặc bằng không (chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may). 

Cho dù là đối với những ngành chế biến và sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng của việc chế biến và xuất khẩu các sản phẩm này mang lại cho Việt Nam rất hạn chế. 

Ví dụ như lắp ráp và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ mới cho Samsung chỉ mang lại cho Việt Nam hơn 1% giá trị gia tăng từ tổng kim ngạch xuất khẩu, do hầu hết các phụ tùng, linh kiện đều được sản xuất ở nước ngoài và vì vậy không thực sự thúc đẩy tăng trưởng. 

Trong khi kênh đầu tư nước ngoài vẫn được kỳ vọng là một trong những động lực lớn thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, thì sự yếu kém về năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng (liên kết dọc) với các nhà đầu tư nước ngoài.