Nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng

Theo baocongthuong.com.vn

Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh yêu cầu toàn ngành này phải bám sát và đốc thúc để làm sao giải quyết được tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo kết quả công tác quý I/2017 và nhiệm vụ công tác quý II/2017 của BHXH Việt Nam, trong quý I/2017, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; BH thất nghiệp là 11,2 triệu người, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016; và BHYT là 76,2 triệu người (đã bao gồm lực lượng vũ trang) tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82% dân số.

Theo đó, ước số thu 3 tháng đầu năm của toàn ngành là 63.616 tỷ đồng, đạt 22,5% so với kế hoạch giao, tăng 12.672 tỷ đồng (24,8%) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số nợ tạm tính vào khoảng 14.019 tỷ đồng, chiếm 4,95% so với kế hoạch giao thu, và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, hiện đã giải quyết chế độ BHXH cho trên 1,09 triệu lượt người, giải quyết cho 155,3 nghìn lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 22,8 triệu lượt người. Ước số chi BHXH, BHYT vào khoảng 57.429,5 tỷ đồng (giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2016).

Tuy nhiên, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, dù số thu tăng nhưng số nợ BHXH cũng tiếp tục gia tăng, mà trong đó, số nợ do các doanh nghiệp giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn tiếp tục “đeo bám” từ năm này sang năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi BHXH, BHYT của hàng ngàn người lao động nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Đề cập vấn đề này, Trưởng ban thu BHXH Việt Nam ông Nguyễn Trí Đại cho biết, hiện dự thảo Nghị định về việc xử lý nợ đọng BHXH đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong đó phương án đưa ra đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH đã phá sản, giải thể, hoặc có chủ bỏ trốn sẽ do ngân sách Nhà nước đóng 50%, số còn lại trích từ nguồn phạt chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai công tác thu, phát triển đối tượng tham gia theo kế hoạch được giao, Ban thu cũng đang tập trung phối hợp với cơ quan thuế để thống nhất quy trình khai thác dữ liệu giữa hai cơ quan nhằm tăng cường công tác quản lý, tập hợp thông tin về đơn vị, cá nhân nộp thuế, nộp BHXH, ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị này sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra chuyên ngành, đặc biệt tập trung vào các đối tượng nợ đọng từ 6 tháng trở lên. 

Nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh yêu cầu, Ban thu cùng các đơn vị liên quan phải bám sát và đốc thúc để làm sao giải quyết được tình trạng này, kể cả việc tính tới phương án xin trích một phần kinh phí từ quỹ BHXH để bù đắp cùng ngân sách Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động sớm nhất có thể.