Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Minh Tú

Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đã khái quát một số kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN thời gian qua, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Thu Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo.

Kết quả tích cực trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN

Theo bà Nguyễn Thị Thu Bình, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt do tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất chậm, song Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác CPH các tập đoàn, tổng công ty và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty CPH các DN cấp 2 theo kế hoạch.

Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN làm đại diện chủ sở hữu có 07 tập đoàn, tổng công ty đã CPH với tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 9.068 tỷ đồng; 06 tập đoàn, tổng công ty trong danh mục CPH giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo CPH để triển khai thực hiện các bước CPH đối với các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, do các khó khăn, vướng mắc trong việc lập phương án sử dụng đất, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, xử lý các tồn tại về tài chính trước CPH, khó khăn trong xác định tài sản chuyên ngành viễn thông... nên công tác CPH tại 06 tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành.

Hiện nay, Ủy ban đã xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty và công ty TNHH MTV do các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025 theo các tiêu chí phân loại và hình thức sắp xếp quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, Ủy ban đã hoàn thành CPH Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) với tổng số tiền thu về là 200.715.856.560 đồng; chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quyết toán CPH và phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng Công ty Phát điện 3. Năm 2021, hoàn thành chuyển Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) thành công ty cổ phần, giá trị thu về 14.583.292.000 đồng; chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quyết toán CPH Công ty mẹ - EVNGENCO2 tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần; Hoàn thành quyết toán CPH Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đối với các DN cấp 2 thuộc thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty, theo kế hoạch của giai đoạn 2017-2020, có 38 DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty (DN cấp 2) phải tiến hành CPH. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty đã CPH 05 DN cấp 2 với tổng giá trị vốn nhà nước đưa ra đấu giá là 8.991,972 tỷ đồng; tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 16.466,562 tỷ đồng; tạm dừng CPH 04 DN. Năm 2021, 03 DN cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành CPH với tổng giá trị vốn nhà nước đưa ra đấu giá là 33,546 tỷ đồng; tổng giá trị thu về cho Nhà nước khoảng 44,195 tỷ đồng. Hiện còn 27 DN cấp 2 chưa CPH.

Đối với công tác thoái vốn nhà nước, theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, công tác bán vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đóng góp tích cực vào thu ngân sách nhà nước từ CPH, thoái vốn theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền của Ủy ban, căn cứ Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, có 01 tập đoàn và 02 tổng công ty thuộc diện thực hiện thoái vốn là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thoái 24,86% năm 2018), Tổng Công ty Cảng hàng không - CTCP (thoái 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (thoái 35,16% năm 2019), với tổng giá trị Nhà nước thu về khoảng hơn 140.000 tỷ đồng.

Đối với công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, trong giai đoạn 2017-2020, theo kế hoạch, các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện thoái vốn tại 227 công ty con, công ty liên kết; Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải thực hiện thoái hết vốn tại 132 DN. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến hết năm 2020 cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 87 công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị sổ sách là 4.835,45 tỷ đồng; tổng giá trị thu được là 9.255,66 tỷ đồng; thặng dư 4.436,14 tỷ đồng.

SCIC đã thoái vốn tại 142 DN với giá trị sổ sách là 4.087 tỷ đồng; giá trị thu được là 21.431 tỷ đồng; thặng dư 17.344 tỷ đồng. Năm 2021, Ủy ban đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 DN với tổng giá trị số sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần).

Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc     

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Bình, giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, CPH, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, các vướng mắc về cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ. Các khó khăn, vướng mắc cụ thể là: Xử lý đất đai khi CPH, những khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước, khó khăn về tính giá trị của yếu tố lịch sử, văn hóa của DN.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thoái vốn gặp khó khăn do quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN CPH, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư đối với các DN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực còn thấp, dẫn đến một số trường hợp thoái vốn không thành công mặc dù Ủy ban đã tích cực chỉ đạo và xây dựng và triển khai phương án thoái vốn.

Để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đề xuất đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy; Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật DN từng bước áp dụng khung quản trị DN phù hợp với chuẩn mực quốc tế; Đa dạng hóa các hình thức giảm vốn nhà nước theo hướng kết hợp giữa việc bán phần vốn nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của DNNN...

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN; các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng liên quan đến công tác cơ cấu lại, CPH, thoái vốn. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm hoàn thiện, trình thủ tướng chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025…