Chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19 ở các nước và những tác động đến nợ công


Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia. Đại dịch đã làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm, đứt gãy các chuỗi cung ứng do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, khiến tổng cầu suy giảm.

Các quốc gia trên thế giới đều có những động thái điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế
Các quốc gia trên thế giới đều có những động thái điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua công cụ thuế và chi tiêu ngân sách để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế. Điều này cũng khiến các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ nợ công tăng cao. Bài viết phân tích xu hướng chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19 và những tác động đến nợ công tại một số nước, từ đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro tài khóa, đảm bảo nợ công an toàn, bền vững.

Xu hướng chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu, rộng tới kinh tế các nước, các quốc gia trên thế giới đều có những động thái điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể:

Các gói kích thích kinh tế

Kể từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay, Mỹ đã đưa ra 3 gói kích thích kinh tế với tổng trị giá khoảng 4.500 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ các bang và lĩnh vực y tế (phân bổ vắc xin, xét nghiệm). Trong khi đó, tại châu Âu, Chính phủ các nước khu vực Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ bơm vào nền kinh tế số tiền tương đương 1% GDP hàng năm, khẳng định sẽ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chính phủ Thụy Điển đã công bố gói hơn 30 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính phủ Italy thông qua sắc lệnh chi khoảng 28 tỷ USD nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Nga cũng thông báo giải ngân 4 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động của dịch COVID-19. Canada đưa ra gói kích thích kinh tế với tổng trị giá khoảng 77 tỷ USD nhằm ổn định nền kinh tế, trong đó, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho công nhân, DN và đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các DN và hộ gia đình thông qua việc hoãn thuế để ổn định kinh tế.

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra 3 gói kích thích kinh tế với tổng trị giá gần 3.000 tỷ USD trong năm tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021). Hàn Quốc cũng có 5 đợt bổ sung ngân sách với tổng giá trị 82.000 tỷ won để khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19. Tháng 6/2021, Chính phủ Ấn Độ công bố gói kích thích kinh tế trị giá 85 tỷ USD.

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Singapore đã đưa ra 6 gói cứu trợ trong năm 2020 lên tới khoảng 92 tỷ đô la Singapore, và 11 tỷ đô la Singapore trong năm ngân sách 2021 với mục tiêu kích cầu và phục hồi nền kinh tế. Chính phủ Indonesia đã ban hành 03 gói kích thích kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2020 và xây dựng chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) với các biện pháp phòng chống COVID-19 vào tháng 6/2020 được kéo dài đến năm 2021 nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia triển khai 6 gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2021. Trong năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện 3 gói cứu trợ kinh tế lên đến 1.500 tỷ Baht để ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua các chính sách về thuế và chi tiêu ngân sách nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của nền kinh tế. Kế hoạch ngân sách Thái Lan năm 2021 ưu tiên 3,2 nghìn tỷ Baht cho các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi thuế…

Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là những ảnh hưởng đến nợ công, các nước một mặt tiếp tục phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân và dành nguồn lực cho y tế; mặt khác, điều chỉnh và áp dụng tạm thời các quy định tài khóa nhằm tạo dư địa chính sách ứng phó với tình hình COVID-19 và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng.

Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, nhiều nước đã đưa ra các gói hỗ trợ nhằm ứng phó với nguy cơ suy giảm kinh tế. Các gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thu ngân sách nhà nước

Thời gian vừa qua, chính sách về thuế, phí là một trong những công cụ tài khóa được các nước sử dụng nhằm hỗ trợ người dân, DN giảm thiểu khó khăn trước bối cảnh dịch COVID-19. Các chính sách về thuế, phí chủ yếu được áp dụng là miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách. Cụ thể:

- Về miễn thuế:

Tùy vào bối cảnh từng nước mà việc áp dụng miễn thuế cho các đối tượng, chủ thể hay các loại hình DN, các hoạt động, dịch vụ là khác nhau. Tuy nhiên, các nước thường áp dụng hình thức này đối với các DN nhỏ, DN vừa và nhỏ, các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19. Cụ thể như Hàn Quốc cho phép tăng ngưỡng miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với DN nhỏ từ mức doanh thu 30 triệu won/năm lên 48 triệu won/năm trong năm 2020. Tại Trung Quốc, người nộp thuế là DN có quy mô nhỏ được miễn thuế GTGT từ ngày 01/3/2020 đến 31/5/2020. Tại Malaysia, DN vừa và nhỏ được miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng thuộc sở hữu của các DN nhà nước hoặc các DN liên kết với chính phủ như: MARA, PETRONAS, PNB, PLUS, UDA, đặc biệt là đối với các DN bán lẻ vừa và nhỏ trong năm 2020 và 3 tháng từ tháng 5-7/2021.

Miễn thuế được áp dụng đặc biệt là đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch. Cụ thể, Singapore áp dụng miễn thuế đối với chi phí lưu trú kéo dài ở nước ngoài của người lao động bị tác động do dịch bệnh COVID- 19. Tại Malaysia, kinh doanh khách sạn được miễn thuế dịch vụ từ 01/3/2020 đến 30/6/2021. Bên cạnh đó, nhiều nước thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho các đối tượng bị ảnh hưởng như Chính phủ Trung Quốc miễn thuế TNCN cho các loại thu nhập từ trợ cấp tạm thời và tiền thưởng nhận được của nhân viên y tế trong các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát dịch... Tại Indonesia, người lao động trong lĩnh vực sản xuất có thu nhập dưới 200 triệu Rupiah/năm (khoảng 13.000 USD) được miễn thuế TNCN trong 6 tháng từ tháng 4 - 9/2020.

Ngoài các hình thức trên, Trung Quốc áp dụng miễn thuế GTGT cho DN, cá nhân trong các trường hợp: DN sản xuất thiết bị bảo hộ giúp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; người nộp thuế cung cấp hoặc vận chuyển các thiết bị bảo hộ giúp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; người nộp thuế cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ sinh hoạt và vật liệu sinh hoạt thiết yếu cho người dân, dịch vụ chuyển phát nhanh… Trong khi đó, Mỹ áp dụng miễn thuế đối với một số sản phẩm, dung dịch sản xuất nước rửa tay…

- Về giảm thuế: Mỹ thực hiện một số chính sách cắt giảm thuế như: (i) Hoàn trả 50% thuế liên quan đến tiền lương cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để khuyến khích giữ chân nhân viên; (ii) Nới lỏng các khoản khấu trừ thuế cho lãi vay và hoạt động thua lỗ, cũng như nới lỏng các quy tắc đối với quỹ hưu trí, cho phép mọi người rút tiền sớm hoặc hoãn rút tiền từ các tài khoản như Tài khoản Hưu trí Cá nhân (IRA) đã bị ảnh hưởng do rối loạn trên thị trường tài chính. Tại Hàn Quốc, việc giảm thuế chủ yếu tập trung vào thuế thu nhập DN (TNDN), thuế TNCN và thuế GTGT. Ở Anh, các chính sách ưu đãi thuế chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó, từ tháng 7/2020 thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT từ 20% xuống còn 5% đối với dịch vụ khách sạn, lưu trú, các điểm tham quan và giảm thuế giao dịch bất động sản. Tại Indonesia, thuế suất thuế TNDN được giảm từ 25% xuống 22% cho năm 2020-2021 và 20% bắt đầu từ năm 2022. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia thực hiện giảm 30% thuế TNDN trong 6 tháng (từ tháng 4-9/2020) cho các DN thuộc 19 ngành sản xuất.

- Về gia hạn thời hạn nộp thuế và thu ngân sách: Chính phủ Nhật Bản cho phép gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế và các khoản nộp thuế liên quan đến năm tính thuế 2019 của người nộp thuế TNCN (thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế TNCN, thuế quà tặng và thuế tiêu dùng vào quý I của năm sau - năm tính thuế). Lần gia hạn thứ nhất (ngày 27/02/2020) cho phép kéo dài ngày nộp đơn và ngày thanh toán thuế TNCN, thuế quà tặng và thuế tiêu dùng năm 2019 đến ngày 16/4/2020. Lần gia hạn thứ hai (11/3/2020) cho phép những người nộp thuế TNCN sử dụng hình thức chuyển khoản tự động qua ngân hàng được gia hạn trong khoảng thời gian từ 15-19/5/2020. Lần gia hạn thứ ba (ngày 06/4/2020) cho phép “tiếp nhận linh hoạt” những hồ sơ nộp vào hoặc sau ngày 17/4/2020. Đối với khoản thuế TNCN, thuế tiêu dùng cá nhân và thuế quà tặng năm 2020 sẽ được gia hạn nộp hồ sơ khai và thời hạn nộp thuế đến ngày 15/4/2021.

Tại Singapore, thời gian (tự động gia hạn thời gian) nộp hồ sơ thuế TNCN và TNDN có năm tài chính kết thúc vào tháng 1 và tháng 2/2020 được kéo dài sang 31/5/2020 và 30/6/2020; đại lý khai thuế TNCN năm 2020 cho khách hàng không phải công dân Singapore được gia hạn từ tháng 3 sang tháng 8/2020; tờ khai thuế GTGT cho kỳ kế toán kết thúc vào tháng 3, tháng 4/2020 được gia hạn đến tháng 5, 6/2020. Các DN tại Trung Quốc cũng được hưởng chính sách gia hạn thời hạn kê khai thuế năm 2019, từ thời hạn theo quy định là ngày 30/3/2020 sang ngày 30/5/2020.

Ngoài các hình thức trên, chính phủ các nước còn cho phép kéo dài chuyển lỗ (Trung Quốc từ 5 năm lên 8 năm), cho phép nới lỏng các khoản khấu trừ thuế cho lãi vay và hoạt động thua lỗ; Nới lỏng các quy tắc đối với quỹ hưu trí, cho phép mọi người rút tiền sớm hoặc hoãn rút tiền từ các tài khoản như Tài khoản Hưu trí Cá nhân (IRA) đã bị ảnh hưởng do rối loạn trên thị trường tài chính (Mỹ); Cho phép khấu hao sớm lên đến 75% giá trị tài sản vào năm 2021 đối với đầu tư cơ sở vật chất (Hàn Quốc); Hoàn thuế TNDN ở mức 25% với số thuế được hoàn tối đa là 115.000 đô la Singapore cho mỗi công ty và hoàn thuế bất động sản cho các bất động sản thương mại trong năm 2020 (Singapore); Kéo dài ưu đãi thuế TNDN, ưu đãi đầu tư khuyến khích đầu tư đối với các dự án quy mô lớn được xúc tiến đầu tư, các dự án áp dụng kỹ thuật số và phần mềm và các dự án trong các đặc khu kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm (Thái Lan)…

Thực hiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

Cùng với các biện pháp về thu ngân sách, các biện pháp về chi NSNN cũng được các quốc gia thực hiện đồng thời với các nhóm chính sách cụ thể gồm: (i) Các hoạt động đầu tư, cung cấp trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế phòng, chống dịch; (ii) Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân (giảm tổn thất, duy trì ổn định mức sống cho người dân); (iii) Hỗ trợ DN duy trì và phát triển sản xuất, ổn định nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân, phát triển bền vững sau dịch… Chẳng hạn, tại Mỹ, triển khai chính sách hỗ trợ từ NSNN ứng phó với đại dịch COVID-19 và ổn định kinh tế cho người dân trong năm 2020- 2021 tập trung chủ yếu vào: (i) Tài trợ cho chương trình chăm sóc sức khoẻ: đầu tư nâng công suất các bệnh viện, tăng cường trang thiết bị y tế, hỗ trợ các lao động trong ngành y tế và những người trực tiếp chống chọi với dịch bệnh, tăng cường chăm sóc y tế tại cộng đồng, đầu tư vào nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm Vắc xin và tiêm chủng toàn quốc; (ii) Tăng trợ cấp cho người thất nghiệp, trợ cấp tiền cho người dân; (iii) Hỗ trợ cho các địa phương và một số ngành, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19. Ngoài những chính sách chi hỗ trợ từ NSNN, các DN được hỗ trợ thông qua các khoản vay ưu đãi nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khoản vay cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Nhật Bản chi 6 nghìn tỷ yên hỗ trợ tiền mặt cho hộ gia đình và DN vừa và nhỏ; 26 nghìn tỷ yên cho các biện pháp giảm đóng góp an sinh xã hội và thuế của DN; 13,9 nghìn tỷ yên cho vật tư y tế phòng chống dịch. Gói ngân sách bổ sung 11,7 nghìn tỷ won (0,6% GDP) được Hàn Quốc thực hiện chi cho hỗ trợ kiểm soát và phòng ngừa bệnh; cung cấp khẩu trang cho người dân; giúp các thương nhân nhỏ và DN vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh; hỗ trợ việc làm; hỗ trợ địa phương... Tại Singapore, các biện pháp về chi NSNN như: hỗ trợ cho các gia đình bao gồm các khoản chi trả bằng tiền mặt cho người dân Singapore và các khoản hỗ trợ bổ sung cho những người có thu nhập thấp hơn và người thất nghiệp, hỗ trợ chi trả chi phí tiền điện, tiền nước sinh hoạt; hỗ trợ cho DN và người lao động; hỗ trợ trang trải chi phí thuê nhà, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động và các biện pháp phục hồi kinh tế khác như hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, một kho dự trữ quốc gia về vật tư y tế và chương trình về khả năng phục hồi lương thực.

Điều chỉnh mục tiêu tài khóa, nâng mức thâm hụt ngân sách và hình thành các quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19

Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất bãi bỏ một số quy định về bội chi ngân sách của các nước thành viên, điều này liên quan đến các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm tăng chi ngân sách. Năm 2020, Chính phủ Indonesia đã ban hành quy định nhằm nâng thâm hụt NSNN vượt quá giới hạn pháp lý trước đó là 3% GDP để ứng phó với đại dịch COVID-19. Tại các nước: Chile, Mexico và Uruguay cũng điều chỉnh mục tiêu tài khóa nhằm cho phép chi tiêu nhiều hơn. Brazil đã loại trừ chi tiêu liên quan đến COVID-19 ra khỏi mức trần chi tiêu theo hiến pháp và tuyên bố tình trạng “thảm họa cộng đồng”, tạm thời áp dụng tuân thủ mục tiêu về đảm bảo cân đối ngân sách trong năm 2020.

Những điều chỉnh chính sách tài khóa của các nước được cho là linh hoạt và kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nước cần cam kết thực hiện các nguyên tắc tài khóa, hướng tới nền tài khóa minh bạch và ổn định.

Xu hướng nợ công tăng nhanh ở nhiều nước và biện pháp ứng phó

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có những cảnh báo về nợ công của các nước phát triển trong bối cảnh ứng phó với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi nguồn thu từ thu NSNN giảm mạnh mà nhu cầu chi cho y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh và hỗ trợ tăng trưởng lại tăng cao. Chính phủ các nước OECD đã vay 18.000 tỷ USD từ các thị trường trong năm 2020, tăng 6,8 nghìn tỷ USD so với 2019 và là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này sẽ đẩy tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP lên mức cao ở nhiều quốc gia vào năm 2021.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, 2021), nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thâm hụt ngân sách và nợ công các nước sẽ tăng do thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài khóa trong khi thu NSNN giảm. Thâm hụt NSNN năm 2020 ở các nước phát triển trung bình khoảng 11,7% GDP, ở các nước mới nổi là 9,8% GDP và ở các nước đang phát triển là 5,5% GDP. Nợ công toàn cầu ở mức 97,3% GDP, tăng 13 điểm phần trăm kể từ trước khi xảy ra dịch COVID-19 và dự báo duy trì ở mức 99% GDP năm 2021 và trong trung hạn.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, thâm hụt ngân sách và nợ công của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thâm hụt ngân sách năm 2020 tăng lên 7,2% GDP so với mức 0,6% GDP trong năm 2019; tỷ lệ nợ công so với GDP tăng từ 83,9% GDP vào cuối năm 2019 lên 98% GDP vào cuối năm 2020. Cụ thể, ở một số nước, nợ công của Hy Lạp năm 2020 đã lên tới 205,6% GDP, là mức nợ công cao nhất EU. Italy là quốc gia thứ hai có tỷ lệ nợ công so với GDP cao là 155,8%; tiếp đó là Bồ Đào Nha (133,6%); Tây Ban Nha (120%); Síp (118,2%); Pháp (115,7%); Bỉ (114,1%).

Tại khu vực châu Á, Nhật Bản là nước có mức dư nợ công cao nhất và dự kiến đạt trên 240% GDP vào cuối năm 2021. Nợ công của Thái Lan năm 2020 đạt gần 50% GDP, dự kiến sẽ tăng lên 56% trong năm 2021; 57,6% năm 2022; 58,6% năm 2023. Indonesia, nợ chính phủ tăng từ 30% GDP năm 2019 lên 38% GDP trong năm 2020.

Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID- 19, đặc biệt là những ảnh hưởng đến nợ công, các nước một mặt tiếp tục phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân và dành nguồn lực cho y tế; mặt khác, điều chỉnh và áp dụng tạm thời các quy định tài khóa nhằm tạo dư địa chính sách ứng phó với đại dịch và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng.

Các nền kinh tế G20 cũng đã cho phép các nước nghèo nhất thế giới tạm ngừng trả khoản tín dụng. Nhóm G7 quyết định sẽ tạm dừng nghĩa vụ nợ của các nước nghèo nhất. Bên cạnh đó, việc tạm thời điều chỉnh các nguyên tắc tài khóa (nhằm thay đổi hoặc hoãn áp dụng các nguyên tắc tài khóa có tính chặt chẽ liên quan tới thâm hụt ngân sách và nợ công trên cơ sở được sự phê duyệt của Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng tài khóa) sẽ giúp các nước như: Armenia, Áo, Azerbaijan, Brazil, Costa Rica, Croatia, Estonia, Grenada, Honduras... có thể linh hoạt trong ứng phó trước diễn biến dịch bệnh và thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro nợ công sẽ hiện hữu sau đại dịch COVID-19.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Giai đoạn 2019-2020, các chỉ tiêu nợ so với GDP của Việt Nam được duy trì trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 55,2% GDP; nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 21,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,2% GDP. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ người dân. Theo đó, nguồn thu NSNN sẽ chịu tác động kép từ hoạt động kinh tế suy giảm cùng với việc thực hiện các biện pháp về miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN trong năm 2020-2021. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu ngân sách cao cho y tế để phòng chống dịch bệnh cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ tháng 4/2021 đến nay cho thấy, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội. Tác động của dịch bệnh COVID-19 có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu NSNN không đạt mục tiêu đề ra, gia tăng rủi ro đến các chỉ tiêu an toàn nợ gồm nợ công, nợ chính phủ so với GDP, tỷ trọng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN.

Xuất phát từ các vấn đề trên và xem xét các khía cạnh tài khóa của Việt Nam trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách gồm:

Một là, trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan gắn với Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Về dài hạn, cần từng bước triển khai nghiên cứu mở rộng cơ sở thu bằng việc rà soát hệ thống chính sách thu gắn với mô hình tăng trưởng bao trùm, xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Theo đó, nghiên cứu rà soát chính sách thuế bảo vệ môi trường, áp dụng thuế cacbon; nghiên cứu ban hành thuế tài sản theo lộ trình; rà soát loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp.

Hai là, tăng cường cải thiện hiệu quả chi NSNN, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trên cơ sở rà soát, tháo gỡ các quy định trong quản lý đầu tư công.

Ngoài ra, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đảm bảo tính linh hoạt, bao trùm nhưng không trùng lắp; Rà soát, đánh giá các quy định về chi NSNN cho các lĩnh vực giáo dục (20% tổng chi NSNN theo Nghị quyết 37/2004/NQ-QH11), y tế (chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008), chi KHCN (đạt 2% tổng chi NSNN theo Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII), chi cho lĩnh vực văn hóa, thông tin (đạt trên 1,8% tổng chi NSNN theo Nghị quyết Trung ương 10 khoá IX); cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững nhằm cải thiện chỉ tiêu an toàn nợ; Tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ nhằm giảm áp lực trả nợ vào một số thời điểm; Phát hành trái phiếu chính phủ phải gắn với cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ theo hướng linh hoạt kỳ hạn phát hành, có ưu tiên kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi; Thực hiện các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi để cơ cấu lại danh mục nợ trong và nước ngoài của Chính phủ theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời, thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN và kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả; Tăng cường quản lý rủi ro tài khóa, tăng trách nhiệm và sự chủ động trong quyết định vay của địa phương, của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghiên cứu, bổ sung quy định về dự phòng rủi ro đối với các nghĩa vụ nợ phát sinh từ các dự án hợp tác công tư (PPP), bảo lãnh Chính phủ...

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính, Báo cáo ngân sách nhà nước hàng tháng;

2. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Báo cáo kinh tế vĩ mô hàng tháng;

3. Chính phủ, Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021;

4. Chính phủ, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

(*) TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

ThS. Lê Thị Mai Liên - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021