Tái cơ cấu doanh nghiệp ngành Nông nghiệp: Những vấn đề đặt ra
Cổ phần hóa sớm hơn so với kế hoạch và các doanh nghiệp sau tái cơ cấu, cổ phần hóa có những bước phát triển, khởi sắc nhất định, tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Nông nghiệp vẫn tồn tại một số bất cập và cả những khó khăn mang tính đặc thù, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ và quyết liệt trong giai đoạn tới (giai đoạn 2016-2020).
Những kết quả khả quan
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) được 12 tổng công ty và 2 công ty Thuốc thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty con thuộc các tổng công ty; đồng thời đã CPH 10 doanh nghiệp (DN). Cụ thể:
- Số DN mà Nhà nước đang nắm giữ vốn là 04 đơn vị, trong đó: Có 03 DN đã bán hết 100% vốn nhà nước gồm Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, trong đó cổ phần nhà nước chiếm 62,3% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Thuốc thú ý Trung ương Navetco và Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Vetvaco, trong đó cổ phần nhà nước chiếm 65% vốn điều lệ. Tổng số vốn mà Nhà nước đang còn nắm giữ tại các DN này đến 25/12/2015 là 2.046.187 triệu đồng.
- Số DN có nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần là 09 DN.
- Số DN đã thực hiện CPH nhưng chưa bán đủ vốn nhà nước theo tỷ lệ đã được phê duyệt tại phương án CPH là 06 DN; tuy nhiên, đến nay đã thoái hết vốn nhà nước tại Tổng Công ty Mía đường, Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Rau quả, nông sản, hiện còn 03 DN; tổng số vốn chưa bán hết theo phương án CPH là 616.814 triệu đồng.
- Tổng số tiền thu về từ CPH DN nhà nước giai đoạn 2011-2015 (chưa trừ chi phí CPH và kinh phí giải quyết lao động dôi dư) là 1.947 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách bằng 43%. So với tổng số vốn nhà nước tại DN (bao gồm cả DN 100% vốn nhà nước và các DN có vốn nhà nước) là 3,5%.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa thực hiện CPH: Các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích; các đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong giai đoạn vừa qua mới tổ chức sắp xếp, CPH một số DN thuộc viện, trường.
Như vậy, so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành CPH sớm hơn 4 DN, gồm: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Công ty Tân Biên và Công ty Cao su Bà Rịa (thuộc VRG).
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 tập đoàn và 11 tổng công ty; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt đối với các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư. Số vốn đã thoái tính đến 31/12/2015 là 2.175.137 tỷ đồng, đạt 39,51% so với kế hoạch. Cụ thể:
- Thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt đối với các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư: Số vốn đã thoái do đầu tư ra ngoài ngành theo giá trị sổ sách là 645,745 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 93,18%. Giá trị thu về là 564,499 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 81,5% so với giá trị sổ sách đạt 87,4%.
- Tổng số vốn nhà nước đã thoái tại các DN nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối theo giá trị sổ sách là 1.524,309 tỷ đồng, so với kế hoạch đặt ra 32,0%. Giá trị thu về là 1.610,638 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 33,56%, so với giá trị sổ sách đạt 105,66%.
Giải pháp cho giai đoạn 2016-2020
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT là một trong những bộ, ngành thực hiện sắp xếp, CPH hiệu quả về tiến độ, số lượng cũng như chất lượng, góp phần quan trọng vào sắp xếp đổi mới DN nhà nước của cả nước. Tuy nhiên, mặc dù vượt so với kế hoạch đề ra về số lượng nhưng chất lượng các DN sau khi CPH chưa nhiều. Số vốn do Nhà nước nắm giữ tại một số DN sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn Nhà nước chiếm đến hơn 90% dẫn đến tình trạng các DN sau khi sắp xếp đổi mới phương thức hoạt động vẫn làm theo kiểu cũ khiến hiệu quả chưa cao. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DN nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao, còn có DN nhà nước làm ăn thua lỗ.
Một số DN đã CPH không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt. Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài cho đến nay hầu như chưa có tại các DN do Bộ NN&PTNT là đại diện chủ sở hữu. Sau CPH đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xử lý như: Giải quyết tranh chấp về tài sản, đất đai; về lao động, về chế độ bảo hiểm xã hội.
Nhằm giải quyết những tồn tại trên, trong giai đoạn 2016-2020 ngành Nông nghiệp đã đặt ra một số mục tiêu và những giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các DN nhà nước do Bộ NN&PTNT làm đại diện chủ sở hữu nhằm đạt các mục tiêu: Thực hiện CPH tập đoàn, các tổng công ty 100% vốn Nhà nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với DN kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với donah nghiệp hoạt động công ích; Tiếp tục chỉ đạo sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Thứ hai, tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành nghề kinh doanh chính; thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần; Hoàn thành việc thẩm định các phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ đạo hỗ trợ các địa phương thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, tổ chức chỉ đạo xác định giá trị DN, phê duyệt và công bố giá trị DN; chỉ đạo xây dựng phương án CPH đối với các đơn vị thực hiện CPH; tổ chức bàn giao DN nhà nước sang công ty cổ phần.
Thứ tư, rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ NN&PTNT đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần... Lộ trình Bộ NN&PTNT đặt ra là trong năm 2016-2017 sẽ thực hiện CPH 1 Tập đoàn; năm 2017-2018 CPH công ty mẹ 2 Tổng công ty 100% vốn nhà nước (Cà phê Việt Nam, Lương thực miền Bắc).
Thứ năm, nghiên cứu, triển khai các cơ chế chính sách; rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan tới DN phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện sắp xếp lại bộ máy, cán bộ công chức cho phù hợp nhiệm vụ được giao; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016.
Đặc biệt, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tái cơ cấu, CPH DN, Bộ NN&PTNT đề xuất: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, xác định các tồn tại làm cơ sở cho việc nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn vốn và tài sản nhà nước tại DN; phân định rõ về cơ chế chính sách giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích của DN; có cơ chế đảm bảo cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có mức sinh lợi nhận thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không có đủ khả năng đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu hoàn chỉnh các nội dung phát sinh từ thực tế liên quan tới CPH DN như vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược…
Đồng thời, đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách như: Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.