Tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế
Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) cho rằng, các tiêu chuẩn quốc tế đang giúp các nhà sản xuất phát triển sản phẩm và dịch vụ của họ một cách hiệu quả hơn, an toàn hơn và bền vững hơn.
Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
Chính vì vậy, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như ISO, IEC và ITU đều khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nền kinh tế thế giới và nhận định quá trình số hóa đang làm thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu thị trường và phân phối lại thị phần toàn cầu.
Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là môi trường hiện tại và đang phát triển của các nhà máy thông minh, trong đó mọi quy trình sản xuất đều được kết nối với nhau.
Các máy móc được trang bị thuật toán để giao tiếp và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu từ một loạt cảm biến. Các công nghệ như Internet vạn vật công nghiệp (IoT), AI và in 3D đều tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống và dẫn đầu là chuyển đổi kỹ thuật số trong sản xuất thông minh.
IEC khẳng định, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực sản xuất sẽ không thể thực hiện được nếu không có các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo tính tương thích và khả năng tương tác để công nghệ mới có thể được áp dụng liền mạch.
Các tiêu chuẩn quốc tế đang giúp các nhà sản xuất phát triển sản phẩm và dịch vụ của họ một cách hiệu quả hơn, an toàn hơn và bền vững hơn. Nhiều công ty, tập đoàn và các cơ quan công nghiệp khác đang tích cực tham gia vào công việc tiêu chuẩn hóa.
Để đảm bảo toàn bộ lợi ích kinh tế và xã hội, việc đổi mới tiêu chuẩn sẽ là điều tối quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế và năng suất chất lượng. Việc xây dựng các tiêu chuẩn đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giải quyết một số thách thức cấp bách của thời đại, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh mạng và sức khỏe cộng đồng. Thiết lập các khung chính sách phù hợp với mục đích đổi mới đồng thời mang lại sự an toàn, chất lượng và hiệu quả sẽ là mục tiêu quan trọng trong phát triển tiêu chuẩn.
Để sẵn sàng với Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, IEC đã thành lập một ủy ban hệ thống về sản xuất thông minh. Mặc dù IEC đã cung cấp hầu hết tiêu chuẩn cho nhà máy nhưng IEC vẫn hợp tác chặt chẽ với ISO, ITU, IEEE cùng nhiều diễn đàn và hiệp hội để nâng cao hiệu quả trong xây dựng tiêu chuẩn, tránh trùng lặp hoặc chồng chéo.
Các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là vấn đề quốc gia mà mang tầm quốc tế. Việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này cần hài hòa ở cấp độ quốc tế, do vậy hợp tác toàn cầu là vô cùng cần thiết để mở ra con đường hướng tới các tiêu chuẩn toàn cầu và đảm bảo các bên liên quan có cùng chung tiếng nói.
Chính vì vậy, ISO cùng với IEC đã thành lập Ủy ban Điều phối sản xuất thông minh (SMCC) vào năm 2017, nhóm công tác chung 21 (GR 21) trên cơ sở các Ban kỹ thuật ISO/TC 184 và IEC/TC 65 với hơn 70 chuyên gia từ 13 quốc gia cùng phối hợp làm việc và giám sát hoạt động phát triển tiêu chuẩn sản xuất thông minh, là đầu mối để trao đổi giữa ISO, IEC, ITU, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng đối với việc phát triển tiêu chuẩn phục vụ kinh tế số, xã hội số, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) là những tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế chính đang phát triển tiêu chuẩn cho lĩnh vực này.
Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn JTC1 về công nghệ thông tin đã công bố khoảng 600 tiêu chuẩn cho các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, trao đổi dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, IOT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thẻ thông minh và Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố khoảng 200 tiêu chuẩn về trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, truyền thông phục vụ phát triển các tiêu chuẩn cho kinh tế, xã hội số.