Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu chuẩn
Để bắt kịp với các nước tiên tiến, việc chuyển đổi số trong tiêu chuẩn là xu hướng tất yếu và là nhu cầu cấp thiết để Việt Nam có thể cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu.
Hoạt động của ngành Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn có liên quan toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu dùng sản phẩm hàng hóa trong toàn quốc.
Với quy mô lớn, việc triển khai hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có nghiệp vụ tiêu chuẩn với nguồn thông tin dữ liệu số rất lớn đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm việc, mô hình quản lý.
Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả triển khai hoạt động công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số của ngành này còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo thống kê của ngành Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, có hơn 120.000 hồ sơ, văn bản, tài liệu; hơn 150.000.000 hồ sơ xử lý của 73 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý; hơn 13.500 tiêu chuẩn Việt Nam; hơn 800 quy chuẩn Việt Nam; 55.000 mã vạch cấp cho doanh nghiệp; hơn 45.700 thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại…
Khối lượng công việc của Ngành là rất lớn, nhưng việc chuyển đổi số còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một đề án nào về chuyển đổi số trong ngành Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng dẫn đến việc tổ chức xây dựng, kết nối, khai thác, sử dụng chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Do đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu chuẩn
Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Anh đồng tổ chức Hội thảo về Tiêu chuẩn số và Chuyển đổi số trong tiêu chuẩn nhằm mục đích chia sẻ, đóng góp kiến thức, cập nhật thông tin về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, chiến lược tiêu chuẩn hoá và chuyển đổi tiêu chuẩn số của thế giới và Việt Nam. Sự kiện này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng.