Tăng 9 phiên liên tiếp, VN-Index đạt mức cao nhất tháng
Thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi sang phiên thứ 9, là chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm, vượt ngưỡng 1.060 điểm, đạt mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua.
Thị trường chứng khoán bắt đầu phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 với trạng thái giằng co rõ rệt. Dòng tiền ở cả khối ngoại và khối nội đều ở mức rất thấp, không tạo được điểm nhấn nào về giá và thanh khoản. Thậm chí khối ngoại vẫn xu hướng bán ròng từ 2 phiên trước, trong khi áp lực chốt lời ở nhiều cổ phiếu vẫn gia tăng.
Nếu không có lực kéo mạnh từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, thị trường khó có thể vượt trên tham chiếu ở phiên sáng. Hai cổ phiếu nhà Vin là VHM và VIC tiếp tục kéo chỉ số.
Đến chiều, khối ngoại bất ngờ chuyển sang mua ròng, chủ yếu mua vào những cổ phiếu trụ. Nhờ dòng tiền ngoại này, thị trường thoát được một nhịp giảm về gần mức tham chiếu.
Sau hai phiên bán ra, khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 180 tỷ đồng trên cả 3 sàn, chủ yếu tập trung mua ở sàn Hose (163 tỷ đồng). Trong đó, HPG, VHM, VIC, VPB là những mã được nhà đầu tư nước ngoài chọn mua nhiều nhất, với giá trị mua ròng lần lượt là 90 tỷ đồng, 72 tỷ đồng, 60 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.
Riêng VHM, cầu ngoại mua tới 70% thanh khoản, là yếu tố quan trọng đẩy giá mã này tăng 3,94%, đóng góp hơn 2 điểm cho thị trường.
VN30 vẫn là nhóm trụ, kéo thị trường với nhiều mã xanh kéo thị trường như VHM, VIC (+2,40), GVR (+5,40), TCB (+2,30), HDB (+2,90), ACB (+1,60), SSI (+2,60)… Tuy nhiên, VCB lại gây thất vọng lớn cho thị trường khi giảm điểm mạnh (- 1,5 điểm), giảm 1,4%.
Kết phiên, VN-Index tăng 5,2 điểm (tương ứng tăng 0,49%), dừng ở mức 1.064,64 điểm. Đây là mức cao nhất trong hơn một tháng qua, đi kèm tín hiệu cải thiện từ thanh khoản.
VN-Index tiếp tục đóng cửa với cây nến tăng điểm, cho tín hiệu tích cực. Tuy vậy, chỉ số vẫn còn vùng gap tăng giá trước đó chưa lấp và với việc các nhóm vốn hóa chưa đồng thuận.
Xu hướng hiện tại của chỉ số vẫn là giằng co đi ngang nhưng có cơ hội tăng giá trong ngắn hạn. Nếu như chỉ số vượt ngưỡng 1.065 điểm, thị trường sẽ dễ dàng xác nhận chuyển đổi xu hướng trong tuần tới, có thể tạo tiền đề cho nhịp tăng giá vào tháng sau. Các nhóm ngành tích cực nhất hiện tại nên chú ý là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Trong trường hợp thế giới không có biến động lớn, thời khắc khó khăn nhất với nền kinh tế Việt Nam sẽ không còn. Rất có thể, giai đoạn quý II/2023, thị trường chứng khoán trong nước sẽ sôi động hơn, tuy khó được như đầu năm 2022, nhưng có lẽ sẽ khởi sắc hơn quý I/2023.