Tăng cường năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Kho bạc Nhà nước thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành. Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất của ngành Kho bạc ngày càng khang trang, có công năng phù hợp với hoạt động nghiệp vụ và đảm bảo tính uy nghiêm của một cơ quan công quyền. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng cơ bản vốn là một lĩnh vực phức tạp, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Bài viết được thực hiện nhằm đề xuất một số giải pháp góp phần tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới.
Tình hình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố
Công tác tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nội ngành tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, thành phố thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành Kho bạc ngày càng khang trang, có công năng phù hợp và đảm bảo tính uy nghiêm của một cơ quan công quyền… Những kết quả nổi bật có thể đề cập tới như:
Thứ nhất, trong giai đoạn từ 2012 đến nay, toàn hệ thống KBNN đã đầu tư xây dựng và cải tạo, mở rộng xong 458 đơn vị/tổng số 63 KBNN tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và 646 KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố. Các công trình trên đã hoàn thành và được vào sử dụng ổn định, phục vụ tốt nhu cầu làm việc cho cán bộ trong hệ thống. Phấn đấu đến năm 2020, KBNN tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tạo, mở rộng nốt các đơn vị KBNN còn lại, đảm bảo đúng chủ trương chung của Ngành cũng nhưng của hệ thống.
Thứ hai, các công trình xây dựng mới và cải tạo mở rộng trong hệ thống KBNN trong các giai đoạn về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cần thiết trong nhiệm vụ phục vụ khách giao dịch, đảm bảo an toàn trong công tác bảo quản an toàn tiền và tài sản nhà nước, chứng từ, tài liệu của KBNN.
Thứ ba, hầu hết các công trình xây dựng mới, cải tạo mở rộng trong toàn hệ thống KBNN tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng tiến độ và tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của KBNN trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng...
Bảng 1: Số liệu đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố từ năm 2012 đến 2016. Đơn vị tính: 1000 đồng
STT |
Nội dung |
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
1 |
Dự án có TMĐT= >5 tỷ |
539.400.000 |
847.157.000 |
902.076.000 |
763.424.000 |
1.303.596.000 |
2 |
Dự án có TMĐT <5 tỷ |
38.650.000 |
36.050.000 |
41.503.000 |
57.456.000 |
94.999.000 |
Tổng cộng: |
578.050.000 |
883.207.000 |
943.579.000 |
820.880.000 |
1.398.595.000 |
Nguồn: Kho bạc Nhà nước
Bảng 2: Số lượng công trình phân theo cấp. Đơn vị tính: công trình
Cấp công trình |
Số lượng đơn vị KBNN |
Số công trình đã đầu tư xây dựng xong |
Số công trình đang đầu tư xây dựng |
Số công trình Quy hoạch đầu tư đến 2020 |
Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
63 |
42 |
7 |
14 |
Quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố |
666 |
466 |
48 |
152 |
Tổng số: |
729 |
508 |
55 |
166 |
Nguồn: Kho bạc Nhà nước
Nhìn chung, trên cơ sở Quy hoạch đầu tư XDCB hệ thống KBNN đến năm 2020 và Kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc chấp hành và triển khai công tác đầu tư XDCB nội ngành đảm bảo nguyên tắc đầu tư tập trung, dứt điểm, không dàn trải. Cụ thể:
- Về hiệu quả hoạt động đầu tư: Các công trình XDCB, cải tạo sửa chữa của hệ thống KBNN tỉnh, thành phố đã thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, nội dung đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, phê duyệt thiết kế dự toán, giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, kiểm toán, quyết toán các công trình. Vì vậy, các công trình trong hệ thống đã đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả cao trong việc quản lý chi đầu tư xây dựng.
- Về tiến độ thi công các công trình trong hệ thống KBNN thực hiện từ năm 2013 đã đảm bảo thực hiện tiến độ thi công và quyết toán công trình, trách nhiệm giải quyết, nội dung, phạm vi, thời gian hoàn thành nhiệm vụ.
- Về tình hình giải ngân: Ngoài năm 2012 (tỷ lệ giải ngân đạt 93,2% (<95%), do công tác chuẩn bị đầu từ bị kéo dài), thì từ năm 2013 đến nay, các công trình do KBNN tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư đã đảm bảo thực hiện tiến độ thi công, giải ngân vốn hàng năm trung bình trên 95% kế hoạch.
Về tình trạng nợ đọng vốn đầu tư XDCB: Công tác đầu tư XDCB tại các KBNN tỉnh, thành phố từ năm 2013 đến nay được thực hiện đúng tiến độ, tuân thủ các quy định quy định của Nhà nước, đảm bảo đúng tiến độ thi công, khối lượng hoàn thành của công trình, không dẫn tới tình trạng nợ đọng XDCB.
Bảng 3: Danh mục xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020
STT |
Năm xây dựng |
Dự án Xây dựng mới |
Cải tạo mở rộng |
Tổng số dự án |
1 |
Năm 2016 |
28 |
0 |
28 |
2 |
Năm 2017 |
29 |
4 |
33 |
3 |
năm 2018 |
70 |
16 |
86 |
4 |
Năm 2019 |
52 |
7 |
59 |
5 |
Năm 2020 |
44 |
10 |
54 |
Tổng cộng: |
223 |
37 |
260 |
Nguồn: KBNN và tác giả tổng hợp
Việc thực hiện quy định về quản lý XDCB nội ngành như trên đã tương đối đáp ứng được yêu cầu thực tế về trang bị cơ sở vật chất cho hệ thống KBNN và đảm bảo yêu cầu tuân thủ các quy định đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số hạn chế như:
- Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng của hệ thống KBNN đang giới hạn đến năm 2020 là chưa hợp lý, chưa kịp thời. Chất lượng công tác quy hoạch chưa thực sự cao, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn 2011-2020. Tính đến thời điểm hiện nay đã 6 lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch song vẫn còn tiếp tục rà soát điều chỉnh.
- Việc cải tạo sửa chữa nhỏ dưới 5 tỷ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn không đáp ứng được nhu cầu cải tạo sửa chữa cấp bách của KBNN tỉnh và KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố.
- Giám đốc KBNN cấp tỉnh được ủy quyền Quyết định đầu tư và phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành (bao gồm: công trình xây mới, cải tạo, mở rộng và cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc KBNN tỉnh, huyện trực thuộc) đối với các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở xuống (không làm tăng quy mô đối với các dự án cải tạo, mở rộng) là chưa thực sự thông thoáng so với Tổng cục Thuế là dưới 30 tỷ và Tổng cục Hải quan là dưới 15 tỷ.
- Việc thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn bị chậm so với kế hoạch đề ra sau khi Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành. Do các công trình KBNN tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư phải trình sở xây dựng thẩm định, sau khi có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng mới trình cấp quyết định đầu tư (KBNN) phê duyệt, vì vậy làm thời gian trình duyệt kéo dài, nhiều công trình công tác chuẩn bị có thể kéo dài tới 2 năm trong khi thời gian xây dựng chỉ là 10 tháng.
- Bên cạnh các dự án tích cực trong thực hiện quyết toán, thì hiện vẫn còn một số dự án trình phê duyệt chưa đúng thời gian quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
- Công tác quản lý dự án hiện nay vẫn chủ yếu áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, điều này là chưa phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 59/2015NĐ-CP, Thông tư số 16/2016/TT-BXD...
Giải pháp tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành Kho bạc Nhà nước
Từ thực trạng công tác quản lý đầu tư XDCB nội ngành KBNN tại KBNN tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua, bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý đầu tư XDCB nội ngành KBNN tại KBNN tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay như sau:
Một là, KBNN cần hoàn chỉnh cơ chế quản lý dự án, để KBNN các tỉnh, thành phố sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, đảm bảo đủ hiệu lực giải quyết công việc; đồng thời bố trí lực lượng cán bộ có chuyên môn trong quản lý đầu tư XDCB, am hiểu cả kỹ thuật và tài chính để có thể đảm đương nhiệm vụ Chủ đầu tư, thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, đủ khả năng tổ chức thực hiện và triển khai các dự án.
Hai là, cán bộ quản lý phải được tiêu chuẩn hoá cho phù hợp với từng loại quản lý. Cụ thể là tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là những người trực tiếp làm công tác XDCB. Những cán bộ được phân công làm công tác này phải là người có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo và bồi dưỡng tốt, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế - xã hội cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước; đồng thời, họ cũng phải có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tâm huyết với ngành.
Ba là, có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh và hợp lý. Điều này, một mặt, tạo ra các điều kiện vật chất thuận lợi, giúp cán bộ yên tâm công tác. Mặt khác, phát huy cao hơn nữa vai trò và năng lực của từng cá nhân.
Bốn là, tăng cường trong phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện trong công tác xây dựng cơ bản, để tạo ra sự thông thoáng hơn trong quy trình thẩm định, phê duyệt, giảm bớt thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị đầu tư rút ngắn thời gian xây dựng công trình. Cụ thể:
- Tổng Giám đốc KBNN quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành đối với các dự án nhóm B, C có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng trở lên ủy quyền cho Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố quyết định đầu tư xây dựng và quyết toán dự án hoàn thành đối với dự án.
- Cải tạo sửa chữa (không làm tăng quy mô) tại cơ quan KBNN tỉnh có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng theo đúng kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm được KBNN phê duyệt.
- Xây dựng mới, cải tạo sửa chữa trụ sở làm việc KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện và các dự án khác thuộc KBNN cấp tỉnh quản lý có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng theo đúng quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm được Bộ Tài chính, KBNN phê duyệt.
- Giám đốc KBNN tỉnh được ủy quyền Quyết định đầu tư. Trước khi Quyết định đầu tư xây dựng phải có văn bản báo cáo và được Tổng Giám đốc KBNN chấp thuận bằng văn bản về nguồn vốn đầu tư (đối với dự án được ủy quyền) và phương án quy hoạch kiến trúc đối với dự án đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên (trong phạm vi ủy quyền).
- KBNN là chủ đầu tư các dự án đầu tư mới và dự án cải tạo sửa chữa tại cơ quan KBNN.
- Các dự án đầu tư mới và dự án cải tạo sửa chữa tại đơn vị sự nghiệp thuộc KBNN các dự án đầu tư xây dựng công trình có tính chất trọng điểm do Tổng Giám đốc quyết định đơn vị làm Chủ đầu tư.
- KBNN các tỉnh thành phố thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa và nâng cấp trụ sở làm việc tại KBNN tỉnh và KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc.
Năm là, hoàn thiện mô hình quản lý dự án đầu tư nội ngành KBNN phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Mô hình quản lý dự án của KBNN đề xuất triển khai cho giai đoạn hiện nay như sau:
- Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành của KBNN để quản lý các dự án được Bộ phân cấp quyết định đầu tư.
- Chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp giao quản lý, sử dụng công trình có dự án thực hiện ủy thác quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành KBNN đối với các dự án đầu tư xây dựng do Tổng Giám đốc KBNN quyết định đầu tư xây dựng, các dự án nhóm B, C có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng trở lên; Giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-BTC ngày 13/9/2016 đã được Bộ Tài chính phê duyệt có 60 dự án có tổng mức đầu tư từ 25 tỷ đồng trở lên.
- Đối với các dự án đầu tư xây dựng Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố; Quyết định đầu tư xây dựng; Các dự án nhóm, C có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng; Giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-BTC ngày 13/9/2016 đã được Bộ Tài chính phê duyệt có 200 dự án có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng. Chủ đầu tư là KBNN tỉnh, thành phố chủ động việc ủy thác quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành của KBNN hoặc Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực tại nơi có dự án để quản lý thực hiện.
Sáu là, hoàn thiện quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, quy định cụ thể về quy trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình và quy trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình...
Bảy là, hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu thầu; quy trình thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành trong đầu tư xây dựng cơ bản; công tác quản lý thi công xây dựng công trình...
Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, hoàn thiện về chính sách phân bổ dự phòng vào giá gói thầu đối với hình thức hợp đồng trọn gói: Theo Luật đấu thầu và Nghị định số 63/NĐ-CP thì những gói thầu có quy mô nhỏ phải áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói và khi áp dụng hợp đồng trọn gói, dự toán gói thầu (lập theo Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016) để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, để đưa chi phí dự phòng vào giá gói thầu và hướng dẫn thanh toán cho nhà thầu chi phí này vẫn còn nhiều bất cập. Với hạn mức quy định tại điều 63 Nghị định số 63/NĐ-CP, thì giá gói thầu có quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng. Hiện nay, với cách tính chi phí dự phòng thông dụng hiện nay thì chi phí dự phòng khoảng 10% chi phí xây lắp sau thuế tương ứng với giá trị khoảng 1 tỷ đồng với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, khoảng 2 tỷ đồng với gói thầu xây lắp, hỗn hợp.
Nếu đưa chi phí dự phòng trên vào giá gói thầu và hướng dẫn nhà thầu phân bổ vào đơn giá, thì trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có rủi ro và trượt giá, nhà thầu sẽ sử dụng chi phí trên để bù đắp, nhưng nếu không có rủi ro và trượt giá thì nhà thầu đương nhiên được hưởng toàn bộ phần giá trị này.
Để giải quyết vấn đề này, các bộ ngành liên quan cần có sự phối hợp và hướng dẫn cụ thể từ quá trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán đến quá trình đưa chi phí dự phòng vào giá gói thầu, tránh thiệt hại cho nhà thầu cũng như chủ đầu tư, trên cơ sở chia sẻ rủi ro giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đảm bảo dự án hoàn thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý dự án đầu tư xây dựng: KBNN được bố trí theo hệ thống ngành dọc thành 3 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, vì vậy việc quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Luật xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn do thực hiện theo chiều dọc.
Theo phân cấp ủy quyền tại Quyết định số 2289/QĐ-BTC ngày 06/9/2014 của Bộ Tài chính về việc phân cấp, uỷ quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực tài chính, tài sản, đầu tư XDCB, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu, mua sắm tập trung trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, dự án vay nợ, viện trợ thuộc Bộ tài chính; Quyết định số 2442/QĐ-BTC ngày 19/11/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2289/QĐ-BTC ngày 6/9/2014, Quyết định số 1418/QĐ-KBNN ngày 25/12/2015 của KBNN thì KBNN Thanh Hóa được làm chủ đầu tư các dự án đầu tư, dự án cải tạo, sửa chữa tại KBNN tỉnh, KBNN các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa hướng dẫn cách quản lý dự án theo quy định của Nghị đinh 59/2015/NĐ-CP.
Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị liên quan cần hướng dẫn việc quản lý dự án của các hệ thống dọc như: Tổng cục Thuế, KBNN, Tổng cục Hải quan, Dự trữ Quốc gia phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; hoặc kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc điều chỉnh bổ sung Điều 62 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Theo đó, cho phép áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án cho tất cả các dự án của hệ thống KBNN.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Để có được dự án đầu tư, KBNN tỉnh, thành phố buộc phải thực hiện trình quy trình xét duyệt chặt chẽ, do vậy khó tránh khỏi tình trạng dự án được triển khai chậm.
Để giải quyết vấn đề này, cần điều chỉnh các quy định hiện hành theo hướng phân cấp cơ quan chuyên môn của nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở. Các nội dung khác có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.