Tăng cường quản lý tài chính nội ngành trong hoạt động dự trữ quốc gia


Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài chính nội ngành trong hoạt động dự trữ quốc gia, thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chế độ chính sách và định mức chi ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả. Thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý tài chính nội ngành và nâng cao hiệu quả chi dự toán ngân sách nhà nước.

Công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên thực hiện thao tác nghiệp vụ trên phần mềm vật tư hàng hóa.
Công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên thực hiện thao tác nghiệp vụ trên phần mềm vật tư hàng hóa.

Quản lý tài chính nội ngành đảm bảo, tiết kiệm, hiệu quả

Đánh giá về công tác quản lý tài chính nội ngành trong hoạt động dự trữ quốc gia, ông Đàm Ái Nhân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, trong những năm qua, để thực hiện tốt công tác quản lý tài chính nội ngành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản chế độ chính sách và định mức chi ngân sách nhà nước khá đồng bộ, phù hợp với từng nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định mức phân bổ mức phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức phân bổ dự toán chi nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước đối với các đơn vị dự toán thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm và hướng dẫn điều chỉnh dự toán đợt 1 vào tháng 6 và tháng 9 hằng năm. Thông qua đó đã giúp các đơn vị bám sát việc thực hiện theo kế hoạch và không điều chỉnh nhiều lần, giảm thiểu thời gian phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).

Để xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định, Tổng cục DTNN đã có văn bản thông báo kế hoạch xét duyệt, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và triển khai xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.

Trên cơ sở đó, các đơn vị lập, phân bổ giao dự toán, thực hiện dự toán, chuyển số dư dự toán và tổng hợp báo cáo tài chính, quyết toán chi dự toán ngân sách nhà nước năm theo quy định; tổ chức ghi chép, phản ánh chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính theo đúng mẫu biểu kế toán; cập nhật hạch toán kịp thời các nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh theo chế độ kế toán quy định…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính nội ngành của Tổng cục Dự trữ Nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lập dự toán chi ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; Chưa đánh giá hết các yếu tố tác động đến quá trình chi ngân sách nhà nước dẫn đến còn có đơn vị lập dự toán chưa đảm bảo quy định…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nội ngành

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như nâng cao hiệu quả chi dự toán ngân sách nhà nước, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ chú trọng nâng cao chất lượng lập dự toán ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng các đơn vị lập dự toán ngân sách nhà nước không sát với tình hình thực tiễn.

Thực hiện tốt nội dung này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập dự toán ngân sách nhà nước, nhất là tình hình biến động về giá cả và chính sách chế độ của Nhà nước để đưa ra số liệu tin cậy, có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ và xử lý kịp thời những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình chấp hành dự toán, từ đó đưa ra các biện pháp tháo gỡ, giải quyết, điều hành dự toán đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Tổng cục yêu cầu các đơn vị thực hiện Quy chế công khai tài chính, Quy chế tự kiểm tra, Quy chế dân chủ. Không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của công tác này để tránh hiểu đơn thuần việc tự chủ chỉ là để tăng thu nhập. Hàng năm, các đơn vị rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Nhằm đảm bảo kỷ luật tài chính trong lập báo cáo định kỳ và quyết toán ngân sách nhà nước năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các đơn vị tăng cường kỷ luật tài chính, quyết toán chi ngân sách nhà nước năm phải phân định rõ các nguồn kinh phí đã sử dụng, hạn chế việc chuyển nguồn ngân sách sang năm sau. Thực hiện quyết toán theo số thực chi được chấp nhận.

Một giải pháp quan trọng khác là Tổng cục Dự trữ Nhà nước chú trọng siết chặt kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; tăng cường tự kiểm tra tài chính kế toán; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính của đơn vị; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có liên quan đến hoạt động tài chính - ngân sách. Thực hiện nghiêm Luật Kế toán, Chế độ kế toán hiện hành.

Ngoài các giải pháp trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách; Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý tài chính nội ngành nhằm nâng cao chất lượng giám sát, quản lý tài chính trong tình hình mới, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đào tạo cán bộ, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ tại các đơn vị của Tổng cục Dự trữ Nhà nước có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

*Theo Thùy Linh - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2022.