Cục Thuế tỉnh Quảng Bình:

Tăng cường quản lý và chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản

Trí Thức

Để quản lý thuế và chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó góp phần tăng nguồn thu cho địa phương.

Quản lý thuế và chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.
Quản lý thuế và chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.

 Nhiều khó khăn trong quản lý thuế tài nguyên khoáng sản

Quảng Bình là địa phương có nguồn lực lớn về tài nguyên khoáng sản. Quảng Bình hiện có 80 doanh nghiệp, 2 cá nhân, 2 hợp tác xã và 1 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, số tiền thuế nộp ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh là trên 193 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Anh Tài - Phó Trưởng phòng, Phòng Thanh tra – Kiểm tra (Cục Thuế tỉnh Quảng Bình), công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc quản lý sản lượng tài nguyên khai thác khó kiểm soát, điển hình như: Khai thác cát, đá, sỏi xuất bán cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng thường không lấy hóa đơn, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về thuế tài nguyên khoáng sản. Chẳng hạn: Điều 3, Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính nêu rõ: “Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên...”. Tuy nhiên, công tác thanh tra – kiểm tra cho thấy, các đơn vị, cá nhân thu mua gom tài nguyên khoáng sản của các đối tượng được cấp phép khai thác để cải tạo vườn, ao, hồ gặp khó khăn do thiếu thông tin; các đối tượng thu mua gom tài nguyên khoáng sản để sử dụng đều không có hóa đơn, chứng từ nộp thuế, phí, để kiểm tra.

Công tác quản lý thuế, phí trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản luôn được Cục Thuế tỉnh Quảng Bình xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản lậu, bất hợp pháp vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhiều đối tượng chưa trung thực trong việc kê khai sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản thực tế dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình tăng cường quản lý và chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản.
Cục Thuế tỉnh Quảng Bình tăng cường quản lý và chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khi đã được cấp phép khai thác mỏ thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, nhưng qua nhiều năm chưa đi vào khai thác, dẫn đến nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn và kéo dài. Tính đến tháng 6/2024, tổng số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trên 148 tỷ đồng.

Đồng bộ giải pháp để quản lý hiệu quả, chống thất thu thuế

Trả lời về các giải pháp để quản lý hiệu quả, chống thất thu thuế, ông Ngô Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến pháp luật về thuế, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện tự giác kê khai đầy đủ số thuế, phí phải nộp cũng như tăng cường công tác cải cách hành chính về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành chính sách thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tích cực phối hợp với các ngành liên quan để giám sát và hướng dẫn cũng như chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, khu vực và Phòng Thanh tra - Kiểm tra tăng cường thanh tra – kiểm tra để truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản kê khai không đúng sản lượng thực tế; thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản thực hiện kê khai, nộp thuế, phí theo đúng quy định của pháp luật bằng các hình thức: Gọi điện thoại trực tiếp, gửi giấy mời đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản đến làm việc và hướng dẫn, thống nhất phương án kê khai, nộp thuế. Công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản được Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh thực hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan Thuế để nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý thuế.

Song song với đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung rà soát, xác định các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; đối chiếu việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường làm căn cứ cho công tác quản lý, thu thuế theo quy định.

 

 

Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, số tiền thuế nộp ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là trên 193 tỷ đồng.