Tăng hiệu quả mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua đã được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này cũng ngày càng được hoàn thiện, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung đảm bảo hiệu quả, chuyên nghiệp.
Triển khai hiệu quả công tác hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết về: Điều kiện mua sắm tài sản công (việc mua sắm tài sản công được áp dụng trong trường hợp cơ quan nhà nước chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức nhưng Nhà nước không có tài sản để giao và không thuộc trường hợp được thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công); Phương thức mua sắm tài sản công (mua sắm tập trung hoặc mua sắm phân tán); Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô, máy móc, thiết bị; Thẩm quyền quyết định và trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công.
Bộ Tài chính cũng đã có các văn bản đề nghị Bộ, ngành, địa phương trong cả nước phối hợp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công về mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả trong mua sắm tập trung.
Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương rà soát danh mục mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành, địa phương; tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, địa phương phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung để gửi đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp đúng thời hạn để tổng hợp và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu về tài sản của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, yêu cầu đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá mua tối ưu. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong mua sắm tập trung của các chủ đầu tư, đơn vị mua sắm tập trung, các nhà thầu và đơn vị quản lý, sử dụng hàng hóa, dịch vụ...
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc mua sắm công trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật đấu thầu như: Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu (hình thức lựa chọn nhà thầu, nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu…) và một số vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (trụ sở, xe ô tô).
Để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác mua sắm công, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Đấu thầu hiện hành và xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát danh mục mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương; Ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm..., qua đó góp phần tăng cường hiệu quả trong mua sắm tập trung, đảm bảo hiệu quả, chuyên nghiệp.