Tăng trưởng xanh: Mục tiêu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa
(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã nhấn mạnh điều này trong Hội thảo công bố Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh tại Hà Nội diễn ra hôm 18/4. Tăng trưởng Xanh cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước, tập trung vào việc hợp tác và hỗ trợ nhau trong phòng chống biến đổi khí hậu.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 403/QĐ-TTG, ngày 20/3/2014. Kế hoạch này đã được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao và nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một bước quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Đây là một thắng lợi ấn tượng của Việt Nam trong lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu và có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quyết định 403, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, tăng trưởng xanh là mục tiêu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng trưởng xanh cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới trong thế kỷ 21, với những cam kết và hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm phát triển bền vững thông qua sản xuất xanh, bảo vệ môi trường kết hợp tiết kiệm năng lượng.
Để thực hiện thành công, kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia cần sự vào cuộc của hầu hết các địa phương, ngành với những nhiệm vụ cụ thể, gắn liền với đặc điểm và yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, ngành, doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tự xác lập kế hoạch, nghiên cứu phương án, nội dung thiết thực để triển khai tăng trưởng xanh; trong đó lưu ý cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực; đào tạo lao động ‘xanh”; cơ chế theo dõi, đánh giá, báo cáo.
Hội thảo vừa qua cũng đã nghe báo cáo về bước đầu triển khai dự án tại các bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, theo đó ghi nhận những kết quả đạt được, cũng như thách thức khó khăn tồn tại và những trao đổi đóng góp ý kiến từ các chuyên gia.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có 10 địa phương trong cả nước bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, nổi bật là Bắc Ninh. Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện hành động về tăng trưởng xanh, Tỉnh khuyến khích sử dụng vật liệu không nung, giảm phát thải khí nhà kính; chú trọng tiết kiệm năng lượng. Các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đều được xây dựng theo hướng đảm bảo các yếu tố về môi trường, đảm bảo xử lý tốt rác thải, chất thải đủ tiêu chuẩn.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, các doanh nghiệp được coi là đối tượng quan trọng, có tính chất quyết định đến chiến tăng trưởng xanh của Việt Nam. Doanh nghiệp được khuyến cáo thay đổi công nghệ, tập trung đầu tư để áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường và giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính.
Nguồn vốn thực hiện các hoạt động của Kế hoạch Tăng trưởng xanh sẽ được xác định từ nhiều nguồn khác nhau, như ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu như Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, từ nguồn lực của các doanh nghiệp, từ cộng đồng và nguồn viện trợ quốc tế. Các Bb, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm huy động, quản lý nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng để thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh như giảm phát thải khí CO2 trong những lĩnh vực xây dựng, xi măng, sắt thép, giao thông vận tải…từ nay đến năm 2020, ước tính, Việt Nam cần hơn 30 tỷ USD. Trong đó, nguồn lực nhà nước chỉ đáp ứng được 1/3. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ Tăng trưởng Xanh đã được hình thành từ tháng 8/2013, hoạt động 72 tháng với tổng ngân sách dự án 5,5 triệu Euro, trong đó Chính phủ Bỉ tài trợ 5 triệu Euro, Chính phủ Việt Nam 500 nghìn Euro, nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể.
- Chủ đề 01 là xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương bao gồm 8 hoạt động theo 2 nhóm.
- Chủ đề 02 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo bao gồm 20 hoạt động theo 4 nhóm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; trong giao thông vận tải; Đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông lâm nghiệp, thủy sản; Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
- Chủ đề 03 là thực hiện xanh hóa sản xuất, bao gồm 25 hoạt động theo 4 nhóm: Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; Sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực tự nhiên và phát triển khu vực kinh tế xanh; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững; Thúc đẩy phong trào “doanh nghiệp phát triển bền vững”, nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ tăng trưởng xanh.
- Chủ đề 04 là thực hiện Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, bao gồm 13 hoạt động theo 2 nhóm: Phát triển đô thị xanh và bền vững; Thúc đẩy thực hiện lối sống xanh.