Tăng vốn cho ngân hàng thương mại Nhà nước: Có cách mà không cần dùng tới ngân sách
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi không thể dùng ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước thì thay vì giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 65%, cổ đông Nhà nước có thể giảm tỷ lệ này xuống 51% và cấp thêm room cho các nhà đầu tư ngoại.
Bài toán vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước liên tục được đặt ra trong vài năm trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, khi thời hạn áp dụng Thông tư 41/2016 về tỷ lệ an toàn vốn (Basel II) tới gần, các ngân hàng thương mại rộn ràng công bố được chấp thuận áp dụng Basel II trước hạn, Ngân hàng Nhà nước và các ông lớn ngân hàng thương mại Nhà nước lại càng nóng lòng giải cho được bài toán tăng vốn.
Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã "tiến sát ngưỡng cho phép" theo quy định Basel II. Trong trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả theo Phó thống đốc là "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng".
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi đến Quốc hội mới đây thì cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).
Tuy nhiên, cho tới kỳ họp Quốc hội vừa qua, phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng đã không được đưa vào trong dự thảo nghị quyết, nên chưa được Quốc hội xem xét thông qua.
Giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” yêu cầu: “Đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II”.
Trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cho đến thời điểm hiện tại chỉ có Vietcombank là đáp ứng được chuẩn Basel II. Riêng BIDV, trong thời gian vừa qua, ngân hàng này đã tìm được phương án để giải bài toán tăng vốn khi phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank của Hàn Quốc hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ. Tổng giá trị giao dịch hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Sau khi giao dịch của BIDV với KEB Hana Bank thành công, vốn Nhà nước tại BIDV giảm từ 95,28% xuống còn trên 80% vốn điều lệ. Cách tăng vốn nói trên của BIDV được cho là hợp lý nhất trong khi các cách làm khác không mang lại hiệu quả lâu dài và tạo nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp. Theo tiết lộ từ phía Ngân hàng Nhà nước, BIDV cũng sẽ sớm đạt chuẩn Basel II đúng hạn mà NHNN đề ra.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước như BIDV hoặc Nhà nước thoái bớt vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng là một phương án tối ưu và nên được áp dụng rộng rãi với các ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại.
Cụ thể, ông Hiếu cho rằng, nếu không thể dùng ngân sách để tăng vốn cho câc ngân hàng, Nhà nước có thể chỉ cần duy trì mức vốn điều lệ tối thiểu 51% thay vì yêu cầu 65% như hiện nay.
Ông Hiếu cho biết, hiện nay Vietinbank là ngân hàng Nhà nước gặp vướng mắc lớn nhất trong việc tăng vốn khi room ngoại đã cạn, cùng với đó tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cũng đã ở mức tối thiểu là 65%, nên các cửa tăng vốn đều gần như đã bị bít.
Theo đó, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng có thể tăng vốn bằng việc chia cổ tức theo tỷ lệ 50% tiền mặt và 50% giữ lại để tăng vốn. Hoặc tăng vốn bằng tăng vốn cấp 2, phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành nợ thứ cấp. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều sẽ làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Vì thế, với ngân hàng như Vietinbank thì phương án này cũng không khả thi nếu phương án giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không được chấp thuận.
Với những lo ngại cố hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng Việt Nam như thiếu tính minh bạch, chưa theo thông lệ quốc tế, ông Hiếu cho biết, nếu cổ đông Nhà nước vẫn khư khư nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần tại các NHTM Nhà nước thì cổ đông chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mặn mà để đầu tư. Bởi vậy, ông Hiếu đề xuất Chính phủ nên mở quy định để các nhà đầu tư nước ngoài có thể chiếm tới 49% vốn và một nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu tối đa 30% vốn của ngân hàng thương mại, kể cả với các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước xuống 51% sẽ làm xáo trộn HĐQT, ảnh hưởng tới quyền lực của Chính phủ tới các quyết định của ngân hàng. Trên thực tế, hiện ở các ngân hàng có cổ đông nước ngoài, vai trò của nhóm cổ đông này cũng rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, họ đã làm hoạt động của ngân hàng minh bạch hơn và gần hơn với thông lệ quốc tế.
Trong một động thái mới đây, nhóm đầu tư nước ngoài liên quan tới tổ chức IFC - công ty tài chính quốc tế trực thuộc Ngân hàng thế giới (WB), bao gồm IFC và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC L.P đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VietinBank từ 8,027% xuống còn 6,486%, tương đương mức giảm 57,372 triệu cổ phiếu.