Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện Đề án 06

Lê Hà

Sau 2 năm triển khai thục hiện Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án này, qua đó góp phần tích cực trong triển khai hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam. Ý nghĩa hơn, qua triển khai Đề án 06, cơ quan BHXH đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Không có nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn

Đề án 06 là đề án để thực hiện việc xây dựng chính phủ số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, đây chính là thước đo hiệu quả nhất cho quá trình chuyển đổi số của một tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.

Với ý nghĩa quan trọng đó, sau 2 năm triển khai Đề án BHXH Việt Nam đã được giao thực hiện 32 nhiệm vụ, trong đó, tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành là 24 nhiệm vụ. Không có nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn. Tổng số nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và đang thực hiện trong hạn là 8 nhiệm vụ.

Thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã ban hành 152 văn bản gồm: Nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch và các văn bản tổ chức triển khai, các quyết định ban hành quy trình nghiệp vụ, dịch vụ công trực tuyến.

BHXH Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cũng đã tham gia ý kiến vào các văn bản dự thảo triển khai Đề án 06 (dự thảo quy trình thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, dự thảo đề cương báo cáo, quy chế hoạt động của Tổ công tác Chính phủ triển khai Đề án 06...), giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 06.

Đồng thời, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, tổ công tác BHXH Việt Nam đã họp để kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; báo cáo đầy đủ tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 theo đúng yêu cầu của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Đề án 06 và đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý.

Trong đó, có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chiếm 97% tổng số người tham gia.

100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/Căn cước công dân), với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/Căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Sau 2 năm triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã được giao thực hiện 32 nhiệm vụ, trong đó, tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành là 24 nhiệm vụ.
Sau 2 năm triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã được giao thực hiện 32 nhiệm vụ, trong đó, tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành là 24 nhiệm vụ.

Về triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: BHXH Việt Nam đã thực hiện tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên Căn cước công dân gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong khám chữa bệnh BHYT và bộ phận “Một cửa” của BHXH các địa phương.

Ngoài các nhiệm vụ trên, cơ quan BHXH đã đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt; tích hợp sổ BHXH trên ứng dụng định danh điện tử VneID; tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng BHXH số- VssID; triển khai Sổ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử…

Những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia; giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử.

Đặc biệt, qua việc triển khai Đề án 06 giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.